Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 01 tháng 09 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 5/7: Hà Nội có thể là điểm nóng của dịch sốt xuất huyết
D.Ngân - 05/07/2023 09:25
 
Tại Hà Nội, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng dần. Chuyên gia lo ngại, Hà Nội có thể là điểm nóng nhất nước về sốt xuất huyết do có mật độ dân số cao, tỷ lệ lây nhanh.

Dịch sốt xuất huyết đang bất thường

Ngày 4/7, TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết, từ đầu năm tới nay, Việt Nam có hơn 40.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 8 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca giảm gần 50% nhưng người dân không được chủ quan. 

TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

TS. Dũng cho rằng, hiện nay, thời tiết khá thất thường sẽ ảnh hưởng đến khả năng bùng dịch sốt xuất huyết. Trước đây, chu kỳ lặp lại sau 4-5 năm nhưng với sự biến động của thời tiết, quy luật này đã bị phá vỡ. Dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Ví dụ, năm 2023, dịch ở miền Nam đã giảm hơn năm ngoái, nhưng ở miền Bắc lại tăng đến 60%. Năm 2017, số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết rất cao, đến 2019 và 2022, số ca mắc cũng rất cao. Diễn biến dịch không theo chu kỳ 4-5 năm như trước.

Tại Hà Nội, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng dần. Chuyên gia lo ngại Hà Nội có thể là điểm nóng nhất nước về sốt xuất huyết do có mật độ dân số cao, tỷ lệ lây nhanh.

Theo báo của Sở Y tế Hà Nội, Hà Đông, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Trì và Cầu Giấy là những khu vực ghi nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết.

Qua theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới, tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội trong nhiều năm qua, Sở Y tế Hà Nội nhận định, dịch bệnh năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống dịch đối mặt với nhiều khó khăn.

Trong tuần 25, TP.HCM có 197 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận, tăng 18% so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca mắc tích lũy đến tuần 25 là gần 8.300 ca, thấp hơn 53% so cùng kỳ năm 2022, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Để phòng chống sốt xuất huyết, TS.Dũng khuyến cáo người dân phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại… Muỗi đẻ trứng trong các đồ dùng chứa nước trong nhà, chỉ cần không có nước đọng thì không có muỗi. 

Hiện nay, trên thị trường có nhiều hóa chất diệt muỗi, tuy nhiên người dân không nên tự mua về phun. Người dân có nhu cầu diệt muỗi nên liên hệ các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương, không sử dụng các loại hóa chất không rõ ràng, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kháng thuốc ở muỗi. 

Gia tăng dịch sốt mò

Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sốt mò đang có xu hướng gia tăng trở lại sau một thời gian dài tạm lắng.

Gần đây, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận nhiều ca bệnh sốt mò gặp ở mọi lứa tuổi, xuất hiện các biến chứng khác nhau.

Bệnh nhân nam tên Đ.Q. (sinh năm 1971), nhập viện trong tình trạng sốt nóng, khó thở, mệt nhiều, đau đầu, huyết áp tụt 80/50mmHg, đau ngực.

Bệnh nhân được xử trí duy trì liều thuốc vận mạch nâng cao huyết áp, bổ sung xét nghiệm máu cơ bản, siêu âm tim, điện tim… Qua thăm khám, bác sĩ khai thác được bệnh nhân sốt kéo dài 7 ngày, kèm nhiều cơn rét run, đau đầu, mệt, chán ăn.

Bệnh nhân có vết loét vảy đen 2x2cm ở vùng liên mấu chuyển bên phải, có rỉ ít dịch, ấn tức nhẹ. Bệnh nhân chưa đi thăm khám, điều trị ở đâu. Khi cảm thấy mệt nhiều, bệnh nhân mới nhập viện, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Bệnh nhân nghi nhiễm Rickettsia và được điều trị thuốc đặc hiệu, đồng thời cùng lúc làm xét nghiệm chẩn đoán. Kết quả dương tính với Rickettsia. Sau 1 tuần được tích cực điều trị, lâm sàng cải thiện tốt, bệnh nhân hết sốt, tự thở tốt, huyết áp ổn định.

Đây là một trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân chủ quan không đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám bệnh kịp thời, dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Bệnh sốt mò do loại vi khuẩn có tên Orientalis tsutsugamushi, thuộc họ Rickettsia gây ra, trung gian truyền bệnh là ấu trùng bọ ve mò. Nếu không phát hiện kịp thời, có hướng điều trị đúng, sốt mò gây biến chứng nguy hiểm, có thể viêm cơ tim, suy đa tạng, thậm chí tử vong.

TS.Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Truyền nhiễm, kiêm Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B) cho biết, đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính.

Cách phòng bệnh hiệu quả là không để ấu trùng mò cắn đốt bằng cách phát quang bụi rậm, diệt ổ dịch, bôi thuốc diệt côn trùng, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, giặt quần áo sau một lần sử dụng.

Nơi ở gần nhiều lùm cây, sông, suối cần được che chắn cẩn thận, phun thuốc diệt côn trùng, vệ sinh sạch sẽ. Người bệnh nên đến ngay cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt mò.

Cẩn trọng ung thư vú ở nam

Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư vú ở nam giới là một loại ung thư hiếm gặp, được hình thành trong mô vú của nam giới.

Mặc dù ung thư vú thường được coi là căn bệnh của phụ nữ, nhưng ung thư vú vẫn xảy ra ở cả nam giới với tỷ lệ khá thấp. Ung thư vú nam phổ biến nhất ở nam giới lớn tuổi, mặc dù nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đang điều trị cho trường hợp ung thư vú là nam, 75 tuổi, ở Nam Định. Khoảng 6 tháng trước khi vào viện, bệnh nhân tự sờ thấy khối u vú trái, không đau tức, bệnh nhân đi khám tại y tế cơ sở thì nghĩ là u lành tính nên không điều trị.

Khoảng 1 tháng trước khi vào viện, bệnh nhân thấy khối u vú trái to dần, kèm theo đau tức tuyến vú trái, ở nhà có dùng thuốc nhưng không đỡ. Bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai được chẩn đoán theo dõi ung thư tuyến vú trái giai đoạn II và nhập viện  điều trị.

Theo bác sĩ, bệnh nhân có tiền sử đặt stent mạch vành 2 lần năm 2014 và 2019, đang duy trì thuốc tim mạch và tái khám định kì.

Bệnh nhân được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú trái và vét hạch trái. Sau đó sẽ tiếp tục điều trị các liệu pháp toàn thân (hóa trị, nội tiết…) kết hợp với điều trị và theo dõi bệnh lý về tim mạch. 

PGS.TS Phạm Cẩm Phương cho hay, đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ung thư vú ở nam giới. Tuy nhiên, di truyền gen có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nam giới.

Một số nam giới thừa hưởng gen bất thường (đột biến) từ cha mẹ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú. Đột biến ở một số loại gen, đặc biệt là gen có tên BRCA2 sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.

Ngoài ra, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nam giới, như: Nam giới nhiều tuổi thì nguy cơ ung thư vú tăng (thường trên 60 tuổi); đã sử dụng estrogen (nam giới đã dùng thuốc liên quan đến estrogen, chẳng hạn như thuốc dùng trong liệu pháp hormone điều trị ung thư tuyến tiền liệt… thì nguy cơ ung thư vú ở nam giới sẽ tăng lên).

Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú. Nếu có người thân trong gia đình bị ung thư vú, thì nam giới trong gia đình này sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Hội chứng Klinefelter. Hội chứng di truyền này xảy ra khi các bé trai được sinh ra với nhiều hơn một bản sao của nhiễm sắc thể X. Hội chứng Klinefelter khiến tinh hoàn phát triển bất thường. 

Kết quả là, những người đàn ông mắc hội chứng này sản xuất ra một số lượng nội tiết tố nam (androgen) thấp hơn và nhiều nội tiết tố nữ (estrogen) hơn.

Một số bệnh lý, chẳng hạn như xơ gan, có thể làm giảm nội tiết tố nam và tăng nội tiết tố nữ, làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Béo phì có liên quan đến nồng độ estrogen trong cơ thể cao hơn, làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nam giới. Bị viêm tinh hoàn hoặc phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nam giới.

Về điều trị, ung thư tuyến vú ở nam giới cũng giống như ở nữ giới, ngày nay đã có nhiều tiến bộ, bên cạnh những phương pháp điều trị căn bản (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nội tiết, điều trị đích…) đã mang lại nhiều lợi ích hơn cho người bệnh, góp phần kéo dài thời gian sống cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư vú.

Bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, ung thư nói chung và ung thư vú ở nam giới nói riêng có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ngay từ giai đoạn sớm và có phương pháp điều trị đúng, kịp thời.

Để phòng ngừa bệnh ung thư vú, nam giới cần có chế độ ăn uống khoa học, tránh các thực phẩm độc hại như rượu bia, thuốc lá, thực phẩm chế biến sẵn, tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc bức xạ, tập thể dục hàng ngày... thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1-2 lần...

Bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng nhanh ở các tỉnh phía Nam
Ghi nhận tình trạng bệnh tay chân miệng tăng nhanh từ đầu tháng 5 và có nhiều ca biến chứng nặng, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế cần phân loại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư