Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 12/8: Khẩn trương phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ
D.Ngân - 13/08/2023 08:24
 
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.

Theo Cục Y tế dự phòng, thời gian gần đây, tại một số địa phương xảy ra sụt lún, sạt lở ngập lụt ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, đời sống sinh hoạt của nhân dân. Đây là điều kiện thuận lợi có thể làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh.

Ảnh minh hoạ.

Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng do thiên tai, nhất là vùng có thể bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra...

Cục đề nghị các Sở Y tế trên cả nước bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ.

Bộ Y tế yêu cầu cử chuyên gia hỗ trợ Hà Nội ngăn chặn sốt xuất huyết

So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng gấp 5,7 lần. Bộ Y tế yêu cầu lập đoàn công tác hỗ trợ Hà Nội.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng tăng cao trong các tuần gần đây (gần 500 ca/tuần).  Hiện Hà Nội đã ghi nhận 3.180 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng 5,7 lần. 

Do vậy, trong tháng 8 và tháng 9, Hà Nội sẽ triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; phun hóa chất diệt muỗi tại những nơi có nguy cơ cao, có ổ dịch phức tạp.

Hà Nội cũng yêu cầu 100% các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch phải được giám sát côn trùng để đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp.

Để tăng cường hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị tập trung chỉ đạo thành lập ngay đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trực tiếp đi kiểm tra, giám sát, hỗ trợ TP.Hà Nội về chuyên môn kỹ thuật phòng, chống sốt xuất huyết. 

Phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết tại Hà Nội và chủ động tham mưu Bộ Y tế trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các địa phương thuộc khu vực phụ trách giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng; tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Theo dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng trong thời gian tới nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Đồng thời, phải làm tốt công tác truyền thông đến từng hộ gia đình để mỗi hộ thường xuyên diệt loăng quăng, bọ gậy, phun hoá chất diệt muỗi, mắc màn khi ngủ...để giảm nguy cơ bùng phát dịch.  

Báo động lây nhiễm HIV nhóm đồng tính nam

Mỗi năm, Việt Nam phát hiện khoảng 10.000 - 12.000 người nhiễm HIV mới và khoảng 2.000 người tử vong liên quan đến căn bệnh này.

Đáng lưu ý, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm quan hệ đồng tính nam tăng đáng kể, từ 2% năm 2012, đến nay là 13%, trong đó có trẻ vị thành niên.

ThS. Võ Hải Sơn, Trưởng phòng giám sát và xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV, Bộ Y tế, nếu trước năm 2015, dịch HIV tập trung ở nhóm nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm thì sau năm 2015, hình thái đã có sự thay đổi.

Ở nhóm phụ nữ bán dâm, tình hình lây truyền HIV đã có sự thay đổi rõ rệt, nếu trước đây tỷ lệ lây truyền khoảng 5 - 6%, đến nay chỉ còn khoảng 3%.

Đáng lưu ý, nổi lên hiện nay là nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam. Năm 2012, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này chỉ 2%, đến nay đã lên 13% (100 người MSM có 13 người nhiễm HIV).

Mức độ lây nhiễm trong nhóm này tùy thuộc vào mỗi địa phương, vào các quần thể. Các tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm cao là ở phía Nam, thậm chí có tỉnh tỷ lệ lên tới 20%. Các tỉnh miền Bắc tỷ lệ này ít hơn.

Theo ông Sơn, với xu hướng hiện nay, khi những người MSM càng có nhu cầu bộc lộ thì nguy cơ nhiễm HIV ngày càng cao. Xét nghiệm HIV là then chốt trong chiến lược lấy điều trị làm dự phòng.

Nhằm kiểm soát hiệu quả dịch HIV, hiện Bộ Y tế đang đẩy mạnh công tác xét nghiệm, đặc biệt nhóm MSM với đa dạng các mô hình, trong đó có hình thức tự xét nghiệm thông qua trang web tuxetnghiem.vn. Qua đó những người có nhu cầu, người có nguy cơ lây nhiễm đăng ký để nhận xét nghiệm miễn phí.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, ngành Y tế còn triển khai xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV, đặc biệt trong nhóm đang có nguy cơ cao MSM. Tuy nhiên, việc tiếp cận là thách thức lớn.

Việc tiếp cận, phát hiện MSM nhiễm HIV đã khó, việc đưa vào điều trị đối với người trẻ tuổi vị thành niên cũng không đơn giản, khó hơn nhiều so với điều trị HIV cho người lớn.

Do hạn chế kiến thức về HIV, họ sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, lịch học trùng với lịch khám, ngại uống thuốc, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị...

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 228.497 người nhiễm HIV đang còn sống, 113.253 người nhiễm HIV đã tử vong. Xét nghiệm phát hiện mới 6.790 trường hợp, tử vong 681 trường hợp.

Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV, 72,1% lấy nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn, 81,2% là nam giới, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi 16 - 39 tuổi, 38% là MSM, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 40,8%.

Chủ động cung ứng thuốc trong bối cảnh dịch bệnh tăng cao
Trước việc các loại dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng cao, việc chủ động nguồn cung ứng thuốc là giải pháp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư