Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 14/3: Tầm soát và phát hiện sớm bệnh Glôcôm; Hà Nội tăng số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng
D.Ngân - 14/03/2023 09:16
 
Tuần lễ Bệnh Glôcôm thế giới năm nay kéo dài từ ngày 12 đến 18/03/2023, với chủ đề "Thế giới tươi sáng, hãy cứu lấy thị giác của bạn".

Tầm soát và phát hiện sớm bệnh Glôcôm

Bệnh Glôcôm là một nhóm các rối loạn liên quan đến mắt, dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác của mắt. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây mù lòa không hồi phục. Cứ 200 người ở độ tuổi 40 thì có một người bị bệnh, tỷ lệ này tăng lên 1/8 ở độ tuổi 80.

Glôcôm được biết đến với tên dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước. Glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến thứ hai thế giới, chỉ sau đục thủy tinh thể.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, có 78 triệu người mắc bệnh Glôcôm; 111,8 triệu người được dự đoán mắc bệnh Glôcôm vào năm 2040; 90% bệnh Glôcôm không được phát hiện ở các nước đang phát triển; 1 tỷ người không tiếp cận được với dịch vụ chăm sóc mắt; 50% người sống chung với bệnh Glôcôm nhưng không biết mình mắc bệnh.

Ảnh minh hoạ

Các thành viên trong gia đình của những người mắc bệnh Glôcôm có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 10 lần. Trong nhiều trường hợp, bệnh Glôcôm có thể không có triệu chứng. Trong điều trị Glôcôm, không có biện pháp nào tốt hơn là tầm soát và phát hiện bệnh sớm.

Hãy kiểm tra mắt định kỳ để được phát hiện sớm và cứu lấy thị giác của bạn:

Trước 40 tuổi mỗi 2 - 4 năm; Từ 40 - 60 tuổi mỗi 2 - 3 năm; Sau 60 tuổi mỗi 1 - 2 năm.

37 công nhân ở Bắc Ninh bị nhiễm độc khí methanol

Bệnh viện Bạch Mai vừa thông tin thêm về vụ hàng loạt công nhân của Công ty TNHH HSTECH Vina, Thuận Thành, Bắc Ninh bị nhiễm độc khí methanol (cồn công nghiệp).

Tổng số công nhân được khám, xét nghiệm, cấp cứu tại Trung tâm Chống độc của bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh là 108 người, trong đó có 37 người bị nhiễm methanol với các mức độ khác nhau.

Cụ thể, 22 người nhiễm methanol chưa có triệu chứng, 8 người nhiễm methanol mức độ nhẹ và 7 người nhiễm methanol mức độ nặng hoặc nguy kịch. Trong 7 người nhiễm độc nặng, có 1 người tử vong, 4 người tiên lượng di chứng giảm nặng hoặc mất khả năng nhìn, 1 người di chứng nặng với não (rối loạn ý thức, rối loạn vận động…).

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, loại cồn công ty sử dụng được một người nhà bệnh nhân gửi tới Trung tâm Chống độc xét nghiệm, kết quả cho thấy, nồng độ methanol là 77,83% (không có ethanol). Các công nhân ở đây đã nhiễm độc methanol qua đường hô hấp do hít phải không khí có nhiễm methanol và có thể một phần qua da khi da tiếp xúc trực tiếp với cồn.

Ngay từ khi có những bệnh nhân đầu tiên, Trung tâm Chống độc đã xác định đây là vụ nhiễm độc methanol trong môi trường lao động và qua cách kênh khác nhau. Do đó, Trung tâm Chống độc đã khẩn cấp báo cáo Bộ Y tế và các cơ quan chức năng, đồng thời, yêu cầu nhà máy khẩn cấp tổ chức cho các công nhân đi khám, kiểm tra và nhập viện cấp cứu những người có biểu hiện bất thường.

Trung tâm đã phối hợp liên tục với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh thực hiện chiến lược đánh giá sàng lọc nhanh các công nhân, phát hiện và điều trị ngay tại chỗ những người có triệu chứng nhiễm độc.

Tất cả các công nhân khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đều được lấy máu gửi về và làm xét nghiệm định lượng nồng độ cồn methanol tại Trung tâm Chống độc ngay trong đêm đầu tiên bằng phương pháp sắc ký khí.

Đây là phương pháp xét nghiệm hiện đại nhất với cồn methanol và có giá trị khẳng định. Qua đó, 88 công nhân đã được khám, theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, chỉ có 20 người xuống khám và điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bao gồm tất cả 7 người bị nhiễm độc nặng hoặc nguy kịch trong vụ việc.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên thông tin, vụ việc tại Bắc Ninh gây nhiễm độc methanol qua đường hô hấp và qua da trong điều kiện lao động và là lần đầu tiên được phát hiện, ảnh hưởng tới nhiều người.

Các cơ quan quản lý cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hóa chất cồn công nghiệp methanol, tránh rơi vào tay kẻ xấu để tạo ra các sản phẩm rởm, không an toàn. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý về an toàn lao động. Các sản phẩm chứa methanol cần phải có nhãn mác cảnh báo rõ ràng về tên gọi, thành phần cụ thể, tác hại với sức khỏe, biện pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn khi sử dụng.

Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 3 đến 10-3), số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn thành phố tăng so với tuần trước.

Trong tuần qua, Hà Nội có thêm 14 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 4 ca so với tuần trước). Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã có 164 ca sốt xuất huyết (tăng 18,2 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Tuần qua cũng ghi nhận 37 ca mắc tay chân miệng (tăng 13 ca so với tuần trước). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 117 ca tay chân miệng, trong khi cùng kỳ năm 2022 không có ca mắc.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, hầu hết ca bệnh là tản phát, chưa ghi nhận ổ dịch phức tạp. Dự báo, trong thời gian tới có thể vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã.

Với các bệnh truyền nhiễm khác lây qua đường hô hấp như cúm, thủy đậu, ho gà, sởi, adeno vi rút... có thể gia tăng do đang là thời điểm giao mùa. Vì vậy, các đơn vị cần duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng, chống dịch, bảo đảm sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố.

Tin mới về y tế ngày 25/10: Triển khai giáo dục kiến thức về bệnh glôcôm; 1,2 triệu liều vắc-xin Pfizer cho trẻ em đã về Việt Nam
Bệnh viện Mắt Hà Nội và Novartis Việt Nam vừa tổ chức lễ ký kết hợp tác khởi động Chương trình giáo dục bệnh glôcôm (glaucoma).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư