Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 14/5: Chú ý biến chứng của bệnh basedow; Cảnh báo nguy hiểm bệnh dại
D.Ngân - 14/05/2023 10:43
 
Theo các chuyên gia y tế, có một biến chứng ít được chú ý, nhưng khá nguy hiểm của bệnh basedow là tổn thương gan.

Điều trị thành công cho bệnh nhân basedow

Chị Nguyễn Thị D., 38 tuổi (Gia Lâm, TP.Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trong tình trạng nhiễm độc giáp nặng, men gan tăng rất cao.

Một biến chứng ít được chú ý nhưng khá nguy hiểm của bệnh basedow là tổn thương gan. 

Trước đó, chị D. do mệt mỏi, hồi hộp, đánh trống ngực nên đi khám tim mạch và được các bác sĩ chẩn đoán bị bệnh basedow. Một số bệnh viện khác đã điều trị cho chị Duyên nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm, thậm chí ngày càng nặng thêm kèm theo men gan tăng cao.

Do men gan của chị D. quá cao và thuốc điều trị bệnh basedow rất độc với gan nên các bác sĩ chỉ duy trì cho chị liều thuốc kháng giáp tổng hợp thấp và thuốc điều trị gan.

Bệnh basedow của chị không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm, men gan ngày càng tăng cao. Các bác sĩ đã cho ngừng thuốc kháng giáp tổng hợp và chỉ tiếp tục điều trị gan.

Chị D. quá lo lắng và hoang mang vì thấy bệnh nặng thêm mà không được điều trị (kháng giáp) nên xin ra viện và tìm đến Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Kim Ước để khám và điều trị.

TS. Hoàng Kim Ước, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội nhận định trường hợp này nếu không điều trị, bệnh nhân có thể tử vong do bệnh basedow nặng thêm và có thể xuất hiện cơn bão giáp (một tình trạng tối nguy cấp của bệnh).

Nhưng nếu điều trị thì nguy cơ thuốc sẽ làm tăng tổn thương gan và bệnh nhân cũng có thể bị tử vong vì tổn thương gan cấp do viêm gan do thuốc.

Sau khi xem xét lại diễn tiền sử bệnh và quá trình điều trị trước đó, TS. Ước xác định gan của bệnh nhân bị tổn thương nặng là do bệnh basedow. Sau khoảng 10 ngày điều trị tình trạng bệnh basedow đã cải thiện, cùng lúc đó men gan giảm đi.

Sau vài tháng tiếp tục điều trị, bệnh nhân trở lại tình trạng bình giáp, men gan trở lại bình thường. Hiện tại người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh, bệnh được kiểm soát tốt với liều thuốc Thyrozol rất thấp, chỉ nửa viên (2,5mg) mỗi ngày.

TS. Hoàng Kim Ước cho biết, trong trường hợp của chị D. do gan bị tổn thương nặng, bệnh không điều trị có thể gây tử vong do suy tim, suy kiệt, xuất hiện cơn bão giáp do điều trị không đúng.

Ngoài ra, bệnh còn ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản của người bệnh ở cả hai giới. Bệnh basedow còn gây ra lồi mắt ác tính. Triệu chứng giác mạc bị tổn thương rất đau và khó chịu, gây lồi mắt ảnh hưởng đến lớn đến thị lực, sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe của người bệnh.

Chuyên gia khuyến cáo mọi người nên khám bệnh ngay nếu thấy hiện tượng sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, mất ngủ, mạch nhanh, thay đổi ở mắt, cổ, rối loạn tiêu hóa , rối loạn kinh nguyệt…

Bệnh basedow có thể được phát hiện qua thăm khám lâm sàng, xét nghiệm máu, siêu âm tuyến giáp và siêu âm doppler màu tuyến giáp, xạ hình. Các biện pháp điều trị bệnh basedow có thể bằng nội khoa, ngoại khoa, i-ốt phóng xạ tùy từng trường hợp cụ thể.

Cảnh báo nguy hiểm bệnh dại

Tỉnh Bình Phước cho biết trên địa bàn vừa có một người đàn ông tử vong do bệnh dại. Nạn nhân là ông Lâm Văn Xìu, SN 1967, ngụ ấp 5, xã Thanh Hòa.

Trước ngày nhập viện khoảng 2 tháng, ông Xìu bị chó hàng xóm cắn nhưng không tiêm huyết thanh, vắc-xin phòng bệnh dại. Trước đó 1 tuần, con chó này đã cắn 2 con chó khác trong xóm và đều đã chết.

Ngày 28/4, người bệnh xuất hiện các triệu chứng sợ nước, ánh sáng, thu mình và có cảm giác khó thở.

Thấy bệnh trở nặng nên ngày 29/4, người nhà đưa ông đến Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp và được chuyển ngay lên Bệnh viện Đa khoa Bình Phước, sau đó cùng ngày bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM để điều trị, nhưng bệnh nhân không qua khỏi.

Được biết, sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm y tế đã vận động những người tham gia chăm sóc người bệnh đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại, đồng thời chỉ đạo Trạm Y tế xã Thanh Hòa tham mưu cho UBND xã tiêm phòng vắc-xin cho đàn chó, mèo trong khu vực.

Trước đó, ngày 11/4, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk Hoàng Hải Phúc cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại. Đây là trường hợp tử vong do bệnh dại đầu tiên trong năm 2023 ở Đắk Lắk.

Ngày 22/3, thông tin từ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết bệnh viện này vừa tiếp nhận bệnh nhi 9 tuổi (ngụ H.Tân Kỳ, Nghệ An), nhập viện với chẩn đoán bị bệnh dại.

Theo người nhà bệnh nhi này cho biết, trước đó, bé H. tiếp xúc với chó mèo bị bệnh dại nhưng gia đình không biết để tiêm phòng vắc-xin dại. Sau khi bé phát bệnh, gia đình đã đưa bé đến bệnh viện cấp cứu nhưng bé đã tử vong vì bệnh đã quá nặng.

Được biết thời gian vừa qua có nhiều ca tử vong thương tâm do bệnh dại. Đặc biệt trong đó có trường hợp phát bệnh sau vài năm bị chó, mèo cắn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000 - 70.000 người và hàng triệu loài động vật.

Bệnh dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn lơ là, chưa hiểu rõ về bệnh dại nên rất chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm đến mạng.

Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).  

Nguyên nhân gây ra bệnh dại là do một loại vi khuẩn có tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. 

Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.

Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. 

Mỗi ngày, virus dại di chuyển được “đoạn đường” từ 12-24 mm. Ngay khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.

Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… 

Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài…, thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Để phòng chống bệnh dại Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo sở y tế tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn.

Các đơn vị y tế cần tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế đề được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc-xin dại kịp thời đồng thời truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.

Sở y tế các tỉnh, thành cũng được yêu cầu tăng cường tiếp cận của người dân với vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại trên người tiếp tục mở rộng và tăng cường các điểm tiêm vắc-xin phòng dại để đảm bảo ít nhất một huyện/thị xã có một điểm tiêm.

Đối với các tỉnh có nguy cơ cao, thành lập thêm các điểm tiêm vắc-xin phòng dại tại tuyến xã để tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại sau phơi nhiễm (nếu cần thiết).

Đặc biệt, các đơn vị cần đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật đề tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin lên ít nhất 70% tổng đàn.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh xem xét miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí tiêm vắc-xin phòng dại sau phơi nhiễm cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người tham gia phòng chống dịch dại ở những vùng có nguy cơ cao.

Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vắc-xin. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ tiêm vắc-xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.

Theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỉ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, chuyên gia tiêm chủng của hệ thống Safpo/Potec cho hay, trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Tiêm phòng dại ngay sau bị chó cắn là biện pháp duy nhất để tránh khỏi những ca tử vong thương tâm.

Nguồn lây bệnh dại trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng chủ yếu là do chó dại cắn người mà không đi tiêm phòng, nếu không có bệnh dại trên động vật thì sẽ không có bệnh dại trên người. 

Vì vậy, biện pháp hiệu quả nhất để loại trừ bệnh dại ở người là quản lý đàn chó và tiêm vắc-xin phòng dại đầy đủ cho chó. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Bên cạnh đó, người dân thuộc nhóm nguy cơ cao, thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo cũng có thể tiêm dự phòng vắc-xin dại và tiêm vắc-xin dại ngay lập tức nếu không may bị chó, mèo cắn.

Chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tới biện pháp duy nhất để cứu người khi bị chó, mèo dại cắn là tiêm vắc-xin dại và huyết thanh dại càng sớm càng tốt. Tuỳ tình trạng vết cắn, có thể chỉ cần tiêm vắc-xin hoặc kết hợp với huyết thanh kháng dại.

Khi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi (5 mũi), đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch. 

Tuyệt đối không dùng thuốc Nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại tại nhà để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Cũng theo bác sĩ Hải, hiện nay, vắc-xin dại đã được sản xuất theo công nghệ mới nên rất an toàn, đáp ứng miễn dịch cao khi tiêm đủ liều. 

Vắc-xin dại thế hệ mới không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ của người tiêm. 

Hướng dẫn người dân sơ cứu nếu không may bị chó, mèo cắn bác sĩ Hải nêu, người dân ngay sau khi chó mèo cắn, cào xước, liếm, trước khi tiêm vắc-xin cần tiến hành rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy trong khoảng 15 phút; hoặc bằng các chế phẩm sát khuẩn như cồn trắng 70%, cồn i ốt, hoặc ô xy già. 

"Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Sau đó, người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vắc-xin phòng dại", chuyên gia nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư