Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 15/5: Thông tin mới về vụ việc tiêm nhầm vắc-xin quá hạn
D.Ngân - 15/05/2023 08:35
 
Thanh Hóa đã tạm đình chỉ công tác 2 nhân viên y tế xã liên quan sự việc tiêm vắc-xin quá hạn

Tạm đình chỉ công tác hai nhân viên y tế

Theo Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa Trần Anh Nam, Trung tâm đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với hai nhân viên Trạm y tế xã Thăng Bình là Nguyễn Văn Sơn và Lê Thị Bích phục vụ rà soát, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm liên quan sự việc tiêm vắc-xin quá hạn cho trẻ em.

Ảnh minh hoa.

Qua rà soát, kiểm tra quy trình tiêm chủng, bước đầu cơ quan chức năng xác định việc tiếp nhận, bảo quản vắc-xin ở Trạm y tế xã Thăng Bình không đúng quy trình; vắc-xin hết hạn sử dụng để lẫn với vắc-xin còn hạn sử dụng.

Cán bộ tiêm chủng đã không tuân thủ nguyên tắc “3 kiểm tra, 5 đối chiếu” trong quá trình thực hiện tiêm chủng nên dẫn đến tiêm vắc-xin 6 trong 1 Hexaxim quá hạn cho 4 trẻ em.

Theo đó, cấp có thẩm quyền đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày, tính từ ngày 12/5, đối với ông Nguyễn Văn Sơn, người trực tiếp tiêm vắc-xin cho trẻ và bà Lê Thị Bích, cán bộ phụ trách tiêm chủng phục vụ làm rõ mức độ vi phạm, trách nhiệm liên quan bảo quản thuốc và tiêm chủng.

Trước đó, liên quan tới vụ việc, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế có văn bản đề nghị Sở Y tế tổ chức điều tra, họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin để đánh giá, kết luận về trường hợp nêu trên, triển khai các hoạt động khắc phục sự cố và báo cáo theo quy định.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm và nghiêm túc chấn  chỉnh việc thực hiện quy trình tiêm chủng tại địa phương, không để xảy ra các sai sót trong quá trình thực hiện tiêm chủng.

Đơn vị rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng để chấn chỉnh hoạt động tiêm chủng trên địa bàn. Tổ chức tập huấn lại cho cán bộ tham gia công tác tiêm chủng trên địa bàn trong trường hợp cần thiết để đảm bảo thực hành tiêm chủng an toàn theo quy định.

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị truyền thông tại địa phương thực hiện truyền thông đầy đủ tránh gây hoang mang cho người dân.

Ngoài ra, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho địa phương trong việc điều tra, xác minh nguyên nhân sự cố sau tiêm chủng và đề xuất các hoạt động khắc phục sự cố trong thời gian tới.

Thiếu thuốc Vitamin A, Bộ Y tế yêu cầu tăng nguồn cung

Theo Bộ Y tế, hiện nay, chỉ có 3 thuốc Vitamin A (hàm lượng 5.000 IU) có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. 

Sau khi nhận phản ánh của Sở Y tế TP.HCM về việc thiếu thuốc Vitamin A, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi các cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu thuốc về việc tăng cường nguồn cung ứng Vitamin A đơn thành phần dược chất.

Theo Cục Quản lý Dược, trước đây, Vitamin A liều cao (hàm lượng 100.000 IU và 200.000 IU) dùng để bổ sung cho trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi, được các tổ chức nước ngoài viện trợ, nhập khẩu vào Việt Nam và phân bổ cho các tỉnh, TP trực thuộc trung ương theo nhu cầu. 

Theo Công văn số 1810/BYT-KH-TH ngày 3/4/2023 của Bộ Y tế về việc triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên và công văn số 389/VDD-KHTH ngày 18/4/2023 của Viện Dinh dưỡng về việc chủ động bố trí nguồn kinh phí mua sắm Vitamin A liều cao cấp cho trẻ em và phụ nữa sau sinh, từ năm 2023, các tỉnh, TP phải chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm Vitamin A từ nguồn kinh phí của địa phương hoặc từ nguồn của các Chương trình Mục tiêu quốc gia đã được phân bổ cho địa phương. 

Cục Quản lý Dược cho biết, hiện nay, chỉ có 3 thuốc Vitamin A (hàm lượng 5.000 IU) có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.

Do đó, để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc Vitamin A nói chung và Vitamin A liều cao nói riêng, Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu thuốc tăng cường nghiên cứu, sản xuất, tìm nguồn cung ứng và nhập khẩu thuốc Vitamin A nói chung và Vitamin A liều cao (hàm lượng 100.000 IU và 200.000 IU) để cung ứng cho chương trình y tế. 

Cục Quản lý Dược nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ sở báo cáo kịp thời về Cục Quản lý Dược để xem xét, giải quyết theo quy định. 

Thiếu hụt Vitamin A gây ảnh hưởng rất lớn đến việc tăng trưởng chiều cao, tăng cường thị lực và khả năng miễn dịch của trẻ.

Thiếu hụt Vitamin A khiến trẻ thường xuyên mệt mỏi, khô da, chậm phát triển, rụng tóc nhiều. Sức đề kháng cơ thể yếu nên trẻ dễ mắc bệnh về tiêu hóa, hô hấp hơn và biến chứng cũng nặng hơn.

Hai người tử vong, một người nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc methanol

Thông tin từ UBND xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ việc 2 người đàn ông tử vong và 1 người nhập viện cấp cứu sau tiệc rượu.

Cụ thể, vào trưa 11.5, ông N.V.L. (43 tuổi, ngụ ấp Rạch Chèo, xã Rạch Chèo) tổ chức tiệc nhậu tại nhà, có mời ông L.V.L. (45 tuổi) và ông V.V.C. (54 tuổi).

Sáng 12.5, ông L.V.L. có biểu hiện khó thở, ói ra máu nên được người nhà chuyển đến Trạm y tế xã Rạch Chèo để khám. Tại đây, ông L.V.L. được chẩn đoán xuất huyết đường tiêu hóa nên yêu cầu gia đình chuyển ông L.V.L. đến cơ sở y tế tuyến trên để điều trị. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình đưa ông L.V.L. về nhà.

Đến 2 giờ ngày 13.5, ông L.V.L. tiếp tục có biểu hiện mệt, ói ra máu nên được gia đình đưa đến Trạm y tế Rạch Chèo để khám, nhưng khoảng 10 phút sau thì ông L.V.L. tử vong.

Khoảng 20 giờ 30 ngày 12.5, ông V.V.C. có biểu hiện mệt, khó thở nên người nhà đã đưa ông đến Bệnh viện đa khoa Cái Nước, huyện Cái Nước để điều trị. Tuy nhiên, đến 17 giờ 40 ngày 13.5, ông V.V.C. tử vong tại Bệnh viện đa khoa Cái Nước.

Riêng ông N.V.L., đến sáng 13.5, có biểu hiện mệt, khó thở nên người nhà đã chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau cấp cứu.

Bác sĩ Mã Nhơn Khiêm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết, bệnh nhân N.V.L. nhập viện lúc 12 giờ ngày 13.5.

Theo người nhà bệnh nhân khai báo, bệnh nhân bị mệt, mờ mắt sau một ngày uống rượu. Lúc vào viện, bệnh nhân chỉ thấy 1 màu trắng xóa (không thấy mọi vật xung quanh). Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc methanol và được điều trị lọc máu. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Về trường hợp ông V.V.C., theo Bệnh viện đa khoa Cái Nước thông tin, khi nhập viện, người nhà không khai báo việc bệnh nhân có uống rượu trước đó.

Cùng với đó, bệnh nhân bị chảy máu đường tiêu hóa và không có dấu hiệu của ngộ độc methanol nên ít nghi ngờ. Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm máu thì bác sĩ điều trị mới phát hiện, đồng thời hỏi thì gia đình mới cho biết bệnh nhân có uống rượu. Dù bệnh viện đã tích cực cấp cứu, nhưng bệnh nhân vẫn tử vong ngay sau đó.

Tiêm vắc-xin thế nào để an toàn?
Vắc-xin là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên nhằm kích thích cơ thể sinh miễn dịch chủ động đặc hiệu để phòng chống các tác nhân gây...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư