Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 16/10: Đề phòng các bệnh đường hô hấp lúc giao mùa; Xét nghiệm đột biến gene tầm soát sớm ung thư di truyền
D.Ngân - 16/10/2022 10:47
 
Thời điểm tháng 10, 11 là cao điểm của dịch bệnh hô hấp ở trẻ. Các bệnh viện nhi trên địa bàn TP. HCM đang quá tải trẻ đến khám và điều trị các bệnh lý hô hấp.

Đề phòng các bệnh đường hô hấp

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố mỗi ngày tiếp nhận từ 1.500 -2.000 bệnh nhân tới thăm khám. Gần 50% số ca tới thăm khám cần điều trị nội trú, trong đó có khoảng 300- 500 bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản, hen suyễn...

Theo thống kê, số ca bệnh hô hấp tới thăm khám tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tăng 1,5 lần so với năm 2021.

Từ tháng 10 trở đi là mùa của bệnh hô hấp, các biện pháp phòng bệnh cho trẻ cần được chú ý 

Trong vòng một tuần qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đã tiếp nhận gần 24.000 bệnh nhi đến khám vì mắc các bệnh lý đường hô hấp, trong đó có khoảng 700 trẻ phải nhập viện điều trị.

Phòng Cấp cứu, Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 không còn giường trống. Có 24 trẻ đang được chăm sóc, điều trị tại đây, nhiều bệnh nhi phải nhờ sự hỗ trợ của máy thở. Các phòng bệnh thường tại Khoa Hô hấp 1 cũng "kín" bệnh nhi với 258 trẻ nằm viện, tăng khoảng 100 ca so với trước đó.

Các bác sĩ ở đây dự báo cuối tuần có thể tăng lên 300 trẻ điều trị nội trú, tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi và đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bắt đầu từ tháng 10 trở đi là mùa của bệnh hô hấp. Do đó, phụ huynh cần chú ý các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, nhất là trẻ có bệnh nền, bệnh bẩm sinh bởi những trẻ này có hệ miễn dịch kém, dễ bị virus tấn công trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi.

Các bác sĩ khuyến cáo, các biện pháp phòng ngừa bệnh hô hấp cho trẻ em gồm: Cho trẻ uống nhiều nước, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và hoa quả để tăng sức đề kháng.

Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, thông khí tốt, tránh bụi bẩn, khói thuốc. Phụ huynh cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.

Bên cạnh việc phòng bệnh, phụ huynh cần cho trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa sớm khi có các triệu chứng đường hô hấp như ho, sổ mũi, sốt…

Đặc biệt khi trẻ có một trong các triệu chứng nặng như sốt cao liên tục khó hạ, co giật, bỏ ăn bỏ bú, khó thở hoặc các triệu chứng đường hô hấp nặng hơn (ho, khò khè…), phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Xét nghiệm đột biến gene tầm soát sớm ung thư di truyền

Sở Y tế tỉnh Phú Thọ và Hệ thống Y tế Medlatec vừa tổ chức Hội nghị tập huấn: Cập nhật xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh 4.0 trong chẩn đoán, điều trị.

Tại hội nghị, nhiều báo cáo đã cung cấp nhiều kiến thức chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh.

Xét nghiệm đột biến gene tầm soát sớm ung thư di truyền có vai trò quan trọng giúp dự đoán nguy cơ ung thư trong tương lai, từ đó đưa ra kế hoạch để phát hiện và tầm soát sớm ung thư.

Theo các nghiên cứu có ít nhất 50 hội chứng ung thư di truyền đã được mô tả, trong đó có một số hội chứng ung thư di truyền thường gặp: Hội chứng ung thư vú-buồng trứng di truyền có các loại ung thư vú, buồng trứng, tụy, tuyến tiền liệt...; Hội chứng Lynch có các loại ung thư đại tràng, nội mạc tử cung, đường niệu...; Hội chứng đa polyp gia đình với các loại ung thư đại tràng, dạ dày, não, xương…

Bên cạnh một số hội chứng ung thư di truyền, bệnh ung thư có đột biến di truyền như buồng trứng, dạ dày, vú, tuyến tiền liệt, phổi… Tuy nhiên, các bệnh ung thư này có thể dự báo được nguy cơ ung thư thông qua xét nghiệm.

Thực hiện xét nghiệm này rất đơn giản với mẫu là mẫu máu và mỗi người chỉ cần thực hiện duy nhất 1 lần trong đời để biết mình có gene ung thư không.

Theo các chuyên gia Bệnh viện đa khoa Medlatec, tất cả mọi lứa tuổi nên làm xét nghiệm dự báo nguy cơ ung thư.

Người dân nên làm xét nghiệm khi có những gợi ý sau: Mắc bệnh ung thư khi còn trẻ tuổi; Phát hiện mắc nhiều hơn một loại ung thư; Ung thư ở các cơ quan theo cặp (thí dụ: Ung thư vú ở cả hai bên); Phát hiện nhiều người thân cùng mắc một loại ung thư (nhất là các nhóm có tỷ lệ di truyền cao như buồng trứng, dạ dày, vú, tuyến tiền liệt…); Mắc các loại ung thư hiếm gặp (thí dụ: Nam giới mắc ung thư vú); Đã có người thân trong gia đình được xác định mang đột biến gene; Thuộc chủng người có nguy cơ mắc ung thư di truyền cao.

Dựa trên kết quả, nếu có đột biến sẽ giúp dự báo nguy cơ ung thư theo độ tuổi trong tương lai, từ đó giúp người bệnh có kế hoạch thăm khám để phát hiện sớm ung thư, hoặc thậm chí là phẫu thuật dự phòng ung thư xuất hiện.

Cần đẩy mạnh tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 của các tỉnh, thành

Theo thống kê của Bộ Y tế đến chiều ngày 15/10, đến nay tổng số vắc-xin Covid-19 đã tiêm trên toàn quốc là 260.552.191 mũi.

Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên, đến nay kết quả tiêm mũi 3 đạt 50.898.027 mũi tiêm (78,3%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Bình Định (58,3%); Phú Yên (60,7%); Đồng Nai (53,5%); Đồng Tháp (59,2%); Bình Phước (61,2%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,7%); Sóc Trăng (97,7%).

Tiêm mũi 4: Tổng số có 15.581.738 mũi tiêm, trong ngày có 14 tỉnh triển khai với 18.478 người được tiêm

Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 5.124.162 trẻ (đạt tỷ lệ 59,8%) tăng 0,2%.

5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (38,1%); Quảng Ngãi (38,4%); Phú Yên (22,5%); TP. HCM (35,3%); Bà Rịa - Vũng Tàu (24,1%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (97,3%); Lâm Đồng (91,7%); Sóc Trăng (99,3%).

Đối với nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi, đến nay sau 6 tháng triển khai tiêm cho trẻ trong độ tuổi này trên cả nước, tổng số mũi tiêm là 16.769.060, trong đó mũi 1: 9.874.298 trẻ (đạt tỷ lệ 89,1%)

5 tỉnh, thành có tỷ lệt tiêm thấp: Quảng Trị (77,5%); Đà Nẵng (67,5%); TP. HCM (62,4%); Bà Rịa - Vũng Tàu (71%); Đồng Nai (78%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Bình (99,8%); Bắc Giang (99,9%); Quảng Ninh (99,3%)

Kết quả tiêm mũi 2: 6.894.762 trẻ (đạt tỷ lệ 62,2%)

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (31,9%); Quảng Nam (33,4%); TP. HCM (34,9%); Bà Rịa - Vũng Tàu (41,1%), Đồng Nai (43,1%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,5%); Sóc Trăng (98,4%); Cà Mau (94,1%).

Nhận biết trẻ em mắc virus Adeno và cách phòng tránh
Virus Adeno được biết đến là nguyên nhân gây nên các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Đây là một bệnh virus cấp tính và có những triệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư