Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 18/2: Triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Cảnh báo ngộ độc thuốc diệt chuột đã bị cấm
D.Ngân - 18/02/2023 10:20
 
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 823/QĐ-BYT phê duyệt kế hoạch triển khai Nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa năm 2023.

Bộ Y tế yêu cầu triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa

Với mục tiêu chuyển đổi số hoạt động khám, chữa bệnh và quản lý toàn diện sức khỏe nhân dân trên môi trường mạng, gắn với hợp tác phát triển các doanh nghiệp công nghệ số y tế, góp phần vào tăng trưởng kinh tế số của quốc gia.

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Nền tảng VTelehealth), bao gồm chức năng hội thoại truyền hình, chức năng quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân và các tính năng hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho người dân qua ứng dụng di động, đồng thời kết nối các thiết bị và hệ thống thông tin tiên tiến để cung cấp các dịch vụ gia tăng lợi ích về sức khỏe cho người dân.

Tích hợp trên Nền tảng VTelehealth các sản phẩm công nghệ thông tin y tế, bao gồm: phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), phần mềm hệ thống bệnh án điện tử (EMR), phần mềm quản lý phòng xét nghiệm (LIS), phần mềm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS), giải pháp hỗ trợ điều trị từ xa (telemedicine); tích hợp cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin, bao gồm: dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử và thương mại điện tử trong lĩnh vực y tế.

Ảnh minh hoạ

Tích hợp Nền tảng VTelehealth với các cơ sở dữ liệu y tế, bao gồm: cơ sở dữ liệu dược quốc gia, cơ sở dữ liệu đơn thuốc điện tử, cơ sở dữ liệu nhân lực ngành y tế, cơ sở dữ liệu quản lý hành nghề y, dược, y dược cổ truyền, ...

Thống nhất, tích hợp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin đang triển khai của Bộ Y tế có một số tính năng tương đồng vào Nền tảng VTeleHealth (nếu có) để tránh trùng lặp, tối ưu nguồn lực và thuận tiện cho người sử dụng.

Bộ Y tế yêu cầu trước ngày 01/03/2023, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và ứng dụng của Nền tảng VTelehealth tại Cục Công nghệ thông tin, đồng thời triển khai thí điểm tại một số bệnh viện; Ra mắt và công bố kế hoạch triến khai Nền tảng VTelehealth năm 2023, kết nối và chia sẻ dữ liệu hồ sơ sức khỏe cá nhân theo quy định của pháp luật, gồm các thông tin được quy định tại Quyết định số 3074/QĐ-BYT ngày 11/11/2022 về quy định nhóm thông tin cơ bản về y tế thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm;

Trước 01/04/2023, xây dựng giải pháp kỹ thuật để tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sử dụng tài khoản định danh điện tử cấp bởi Bộ Công an (VNelD);

Trong năm 2023, đảm bảo triển khai Nền tảng VTelehealth tại 100% các cơ sở y tế khám, chữa bệnh công lập để vận hành bộ phận tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, đồng thời giúp người dân tiếp cận được dịch vụ khám, chữa bệnh dễ dàng, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên;

Trong năm 2023, hoàn thành giải pháp kỹ thuật, bước đầu kết nối và chia sẻ dữ liệu chẩn đoán hình ảnh y khoa trên Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm thực hiện công tác giám định chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế không sử dụng in phim.

Cảnh báo ngộ độc thuốc diệt chuột đã bị cấm

Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 21 tuổi - Hà Nam, biểu hiện bệnh là tình trạng hôn mê sâu, co giật mạnh toàn thân, chân tay co quắp, nôn mửa, nhanh chóng diễn biến nặng với tụt huyết áp, tổn thương cơ tim, hạ can xi máu, sốc tim, suy tim rất nặng, loạn nhịp tim, phù phổi, suy thận.

Ngay từ khi tiếp nhận bệnh nhân, ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp cấp cứu hồi sức, dùng thuốc hỗ trợ tim mạch liều cao, lọc máu, kiểm soát co giật.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết: Theo gia đình bệnh nhân kể, khoảng 5 giờ ngày 06/02, gia đình phát hiện thấy bệnh nhân trong tình trạng co giật, trợn mắt, đại tiểu tiện không tự chủ, bên cạnh có ống thuốc màu đỏ nghi là thuốc diệt chuột.

Cả tim và não của bệnh nhân tổn thương rất nặng, nhịp tim rất nhanh và quả tim đập rất yếu, mất gần hết trương lực. Bệnh nhân đang có chuyện buồn, gia đình nghi tự tử. Với các biểu hiện ngộ độc đặc trưng, mẫu ống nhựa màu hồng không nhãn mác, cùng với xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân tìm thấy hóa chất diệt chuột fluoroacetate, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc hóa chất diệt chuột fluoroacetate.

Hóa chất diệt chuột fluoroacetate/fluoroacetamide ở các dạng: ống nước nhỏ bằng nhựa hoặc thủy tinh chứa dung dịch màu hồng, dung dịch không màu, màu nâu, hoặc gói hạt gạo hồng, tất cả không có nhãn mác hoặc có thì hoàn toàn chữ Trung Quốc và khi Trung tâm Chống độc nhờ phiên dịch thì không có thông tin về hóa chất bên trong.

Đây là loại hóa chất diệt chuột có độc tính cực cao với tim mạch, với thần kinh, gây co giật, hôn mê, tổn thương não nặng, tổn thương cơ tim, suy tim cấp, loạn nhịp tim, sốc tim, cùng với biểu hiện đặc trưng là hạ can xi. Trường hợp ngộ độc nặng có thể tổn thương và suy đa tạng.

Hóa chất này là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp tử vong do ngộ độc thuốc diệt chuột của những năm 1990 và đầu những năm 2000, tỷ lệ tử vong rất cao. Hóa chất diệt chuột fluoroacetate/fluoroacetamide đã bị cấm cả ở Việt Nam và Trung Quốc nhiều năm qua.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây loại hóa chất này đã được bán trở lại ở các điểm bán hóa chất bảo vệ thực vật không được kiểm soát, các hàng bán rong, trên internet, đặc biệt các trang mạng xã hội và gây ra nhiều trường hợp ngộ độc nặng, có trường hợp đã tử vong.

Trường hợp bệnh nhân nữ ở đây gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có bảo hiểm y tế, gia đình liên tục xin về để tử vong tại nhà, tuy nhiên các bác sỹ đã thuyết phục gia đình cho bệnh nhân ở lại điều trị, đồng thời vận động tài trợ và được nhà tài trợ hỗ trợ các quả lọc máu (trị giá khoảng 30 triệu đồng).

Bệnh nhân đã diễn biến rất nặng, có giai đoạn tưởng chừng khó qua khỏi, tuy nhiên đã cải thiện dần và hiện đang hồi phục tốt, tỉnh táo trở lại, tình trạng tim mạch ổn định và đã được rút ống nội khí quản, tự thở với hỗ trợ một phần từ ô xy, cần điều trị tiếp nhưng tiên lượng khả quan.

Trung tâm Chống độc khuyến cáo: Khi mua hóa chất bảo vệ thực vật nói chung phải mua ở quầy kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật hoặc cơ sở có đăng ký. Chỉ mua các sản phẩm có đăng ký lưu hành trong nước và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi mua phải có đầy đủ thông tin rõ ràng về hóa chất.

Sử dụng hóa chất diệt chuột phải xa và cách biệt hẳn so với nơi ở, nơi ăn uống, đặc biệt xa thức ăn, nước uống, xa trẻ em (Trẻ em không thể với tới hoặc mở ra được). Gia đình có người bị bệnh tâm thần hoặc lẫn lộn thì không nên để các hóa chất độc trong khuôn viên nhà ở.

Không dự trữ các hóa chất độc hại, bao gồm hóa chất diệt chuột tại gia đình. Với cơ quan quản lý: cần quản lý chặt các sản phẩm hóa chất diệt chuột, cấm bán và sử dụng hóa chất diệt chuột loại này đồng thời xử lý nghiêm những người vi phạm.

Đắk Lắk: Ghi nhận 2 ổ dịch thủy đậu

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận 2 ổ dịch thủy đậu tại huyện Lắk và TP. Buôn Ma Thuột.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 44 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, số mắc rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố và có 2 ổ dịch tại TP. Buôn Ma Thuột và huyện Lắk. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi và thường xảy ra tại các trường Mầm non và Tiểu học.

Tại huyện Lắk, ngày 9/2, bệnh nhân đầu tiên là H.R.Ê. (SN 1999, trú tại xã Nam Ka, huyện Lắk) có biểu hiện sốt nhẹ, xuất hiện nốt mụn nước trên mặt, ngực. Ngày 13/2, bệnh nhân được người nhà đưa đến trạm y tế xã Nam Ka khám và xin thuốc. Tại đây, bệnh nhân được cán bộ y tế thông báo tình hình có dấu hiệu mắc bệnh thủy đậu và cho thuốc điều trị, hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà.

Hiện có 6 trường hợp khác sống gần nhà bệnh nhân cũng đang có dấu hiệu bệnh tương tự. Các ca bệnh đa số là học sinh tại Trường Mẫu giáo Hoa Hướng Dương (4 ca); Trường Dân tộc nội trú Lăk (1 ca); Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (1 ca). Nguy cơ bùng phát dịch tại các trường học là rất cao.

Tại TP. Buôn Ma Thuột, bệnh nhân đầu tiên phát hiện mắc bệnh là Y.B.Ê. (SN 2017, trú tại Buôn Tơng Ju, xã Eakao, TP. Buôn Ma Thuột). Theo người nhà bệnh nhân, bệnh khởi phát vào ngày 1/2 với triệu chứng sốt nhẹ, tuy nhiên gia đình vẫn cho bé đi học tại trường Mầm non Eakao, xã Eakao.

Đến ngày 6/2, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện mụn nước rải rác ở bụng và mặt sau đó lan ra các vùng khác; lúc này gia đình cho cháu nghỉ và đi khám tại phòng khám tư, có sử dụng thuốc (không rõ loại). Hiện tại đã ghi nhận 22 trường hợp mắc bệnh là học sinh Trường Mầm non Eakao.

Ngày sau khi ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, lực lượng y tế đã tiến hành giám sát điều tra ca bệnh tại nhà, dịch tễ xung quanh. Điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại các trường học, tiến hành phun ChloraminB khử khuẩn và cấp ChloraminB cho các trường học ghi nhận ca bệnh khử khuẩn hằng ngày.

Đồng thời hướng dẫn các gia đình có ca bệnh thực hiện việc vệ sinh hàng ngày, tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong xã tiêm vaccine thủy đậu, đồng thời khi có các biểu hiện triệu chứng tương tự như sốt, nổi mụn nước... liên hệ ngay Trạm Y tế để xử trí kịp thời.

Kỳ vọng cú hích từ Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 vừa được Quyền Chủ tịch nước công bố được kỳ vọng là bệ đỡ giúp nâng chất lượng khám,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư