Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 19/8: Bệnh viện Bạch Mai xin dừng tự chủ toàn diện
D.Ngân - 19/08/2022 09:18
 
Bệnh viện Bạch Mai đề xuất xin dừng tự chủ toàn diện để chuyển đổi sang mô hình tự chủ bảo đảm chi thường xuyên.

Trong buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Y tế, Tiến sỹ Dương Đức Hùng- Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai đã đề xuất xin dừng tự chủ toàn diện để chuyển đổi mô hình theo Nghị định 60, tự chủ bảo đảm chi thường xuyên.

Đề cập đến khó khăn chung của nhiều bệnh viện công như nhân viên y tế chuyển công tác, thiếu thuốc và thiết bị y tế. Bài toán tự chủ toàn diện của Bạch Mai cũng là nỗi niềm chung của ngành vì Bệnh viện Bạch Mai lớn và cũng đang rất khó khăn.

Ông Hùng cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ được giao đủ điều kiện tự chủ. Như vậy không đủ điều kiện để đánh giá việc tự chủ này. Ba điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, về giá và giao vốn. Tuy nhiên, Bạch Mai chưa bao giờ được tự chủ mà chỉ tự chủ trên danh nghĩa".

Ảnh minh hoạ

Phó giáo sư Đào Xuân Cơ- Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng đề xuất chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước.

Nếu thực hiện cơ chế tự chủ, nguồn tài chính là một trong yếu tố quyết định hoàn thành mục tiêu của đề án tự chủ toàn diện. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành của Bộ Y tế mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá. Về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, Bộ Y tế chưa ban hành giá trần dịch vụ khám, chữa bệnh.

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh giảm. Nguồn thu của bệnh viện năm 2020, 2021 giảm 2.000 tỷ mỗi năm, ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, viên chức và người lao động.

Điều này dẫn đến việc bệnh viện chưa đủ cơ sở để tính đúng, tính đủ thực hiện được việc xác định Quỹ lương trên doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập.

Nhiều máy móc hiện đại trong các đề án liên doanh, liên kết đang dừng hoạt động dẫn tới thiếu thiết bị phục vụ người bệnh. Ngoài ra, việc khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…

Khi bệnh viện triển khai thí điểm tự chủ đúng lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, do đó nguồn thu của bệnh viện giảm sâu, việc trích lập quỹ, phân bổ tài chính bệnh viện theo các tỉ lệ cố định của các văn bản hiện hành, ảnh hưởng tính chủ động về nguồn đầu tư, mua sắm…

Bệnh viện K sử dụng Robot phẫu thuật điều trị ung thư thận

Bệnh viện K vừa thực hiện thành công 2 ca phẫu thuật bằng hệ thống Robot Davinci thế hệ Xi hiện đại nhất hiện nay tại bệnh viện để điều trị ung thư thận- đánh dấu bước ngoặt trong phẫu thuật điều trị ung thư thận tại Việt Nam.

Hiện tại phương pháp này mới chỉ được áp dụng ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

2 trường hợp đầu tiên ở Bệnh viện K được phẫu thuật cắt u thận bằng Robot thế hệ mới và cũng là 1 trong số rất ít ca bệnh ung thư thận ở Việt Nam được ứng dụng phương pháp hiện đại này.

Bệnh nhân đầu tiên là Nguyễn Khải H. 50 tuổi, quê tại xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, Hưng Yên, trong lần khám định kỳ kiểm tra sức khỏe cách đây hơn 1 tháng phát hiện u thận trái.

Kết quả siêu âm, chụp chiếu cho thấy bệnh nhân H. có u thận đường kính 6cm, kết quả giải phẫu bệnh Carcinoma tế bào thận típ kị màu; sau khi thực hiện đầy đủ xét nghiệm, được các bác sỹ giải thích và chỉ định phẫu thuật.

Khối u kích thước khoảng 6cm ở cực trên của thận trái, đây là vị trí tổn thương tương đối thuận lợi, vùng rốn thận chưa có xâm lấn, vì vậy ca phẫu thuật được các bác sỹ tiến hành thành công vào ngày 3/8/2022.

Ngày 16/8, Bệnh viện K tiếp tục phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân Lê Thị Ng. 30 tuổi, chẩn đoán ung thư thận cũng ở giai đoạn chưa xâm lấn, được phẫu thuật bằng Robot Davinxi thế hệ XI. Chỉ 24 giờ sau mổ, bệnh nhân Ng. đã ngồi dậy được, không đau, tiếp xúc tốt, sau 2 ngày đã vận động trở lại.

Với phẫu thuật bằng Robot, phẫu thuật viên có thể thao tác linh hoạt bằng cánh tay Robot di dộng xoay 360 độ, quan sát rõ nét với phẫu trường 3D, của màn hình mổ, các bác sỹ có thể kiểm soát tốt cuộc mổ, kể cả các trường hợp khó.

Với cách tiếp cận bằng phương pháp này giúp bệnh nhân giảm đau tối đa sau mổ, hồi phục nhanh chóng, sớm trở về sinh hoạt thường ngày nhanh hơn rất nhiều so với mổ mở thông thường, bệnh nhân hồi phục sau 3-5 ngày có thể ra viện.

Quảng Nam có tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi thấp dưới 50%

Tối 18/8, Bộ Y tế đã thông tin cập nhật về tình hình tiêm vắc-xin Covid-19. Tổng số vắc-xin đã tiêm ở nước ta đến nay là 253.398.589 mũi.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi, tổng số mũi tiêm đến nay là 14.180.575, trong đó mũi 1: 8.808.683 trẻ (đạt tỷ lệ 78,7%).

5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp là: Hà Tĩnh (54%); Đà Nẵng (50,5%); Quảng Nam (48,1%); Bình Thuận (58%); TP Hồ Chí Minh (53%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao là: Bắc Giang (96%); Vĩnh Long (96,1%), Cà Mau (95,3%).

Mũi 2: 5.371.892 trẻ (đạt tỷ lệ 48%); tăng 0,8% so với ngày trước đó.

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp là dưới 31%: Đà Nẵng (20,6%); Quảng Nam (16,3%); Khánh Hòa (25,9%); TP.Hồ Chí Minh (30,4%); Bình Dương (27,2%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao là: Sóc Trăng (87,4%); Vĩnh Long (77,1%); Bạc Liêu (81,6%).

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm mũi 3: Tổng số có 49.284.315 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 75%).

5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp là: Bình Định (56,5%); Khánh Hòa (54,9%); Đồng Nai (47%); Cần Thơ (54%); Đồng Tháp (56,8%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Thanh Hoá (95,5%); Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,9%).

Tiêm mũi 4: Tổng số có 12.603.504 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 66,8%).

5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (45,5%); Đà Nẵng (41,4%); Lâm Đồng (45,2%); Bạc Liêu (41,2%), Hậu Giang (49,3%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Hưng Yên (96,6%); Bình Thuận (99,9%); Vĩnh Long (99,7%).

Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 4.016.829 trẻ (đạt tỷ lệ 46,4%).

5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp là: Đà Nẵng (21%); Phú Yên (12,2%); Bà Rịa- Vũng Tàu (14,3%); Đồng Nai (21,5%); Bình Dương (22,7%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao là: Bắc Giang (85,3%); Quảng Ninh (77%); Sóc Trăng (81,6%).

Bình Dương: Số ca mắc, tử vong do sốt xuất huyết gia tăng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, đơn vị vừa ghi nhận thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết ở thị xã Tân Uyên và thành phố Dĩ An.

Trên địa bàn tỉnh ghi nhận 10.582 ca sốt xuất huyết, trong đó có 17 người tử vong. So với năm 2021, năm nay, số ca mắc, tử vong do sốt xuất huyết đều tăng. Địa phương có số ca mắc cao là thị xã Tân Uyên, thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng bệnh sốt xuất huyết là ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch…

Một bộ phận người dân do tâm lý chủ quan tự điều trị tại nhà nên dẫn đến biến chứng nhanh và tử vong. Hơn nữa, dịch bệnh sốt xuất huyết có chu kỳ, từ 3-4 năm sẽ có một đợt sốt xuất huyết cao.

Ngành Y tế tỉnh Bình Dương đề nghị các đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết; tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Các địa phương tăng cường tuyên truyền đối với chủ các cơ sở bán thuốc, yêu cầu không bán thuốc cho người bệnh nghi ngờ sốt xuất huyết; đồng thời hướng dẫn người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Làn sóng bác sĩ bệnh viện công “dứt áo ra đi” nhìn từ Bệnh viện Bạch Mai
Theo lý giải của lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai việc 221 người lao động của Bệnh viện xin nghỉ việc, chuyển việc trong một thời gian ngắn là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư