Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 20/10: TP.HCM ghi nhận trường hợp mắc đậu mùa khỉ thứ hai
D.Ngân - 20/10/2022 10:23
 
Sáng 20/10, theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ thứ hai tại TP.HCM đã có kết quả PCR dương tính.

Người bệnh này đã được phát hiện ngay khi nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhờ hệ thống giám sát chủ động, nhân viên kiểm dịch y tế tiếp cận ngay khi vừa xuống máy bay và đưa về bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cách ly để được chẩn đoán và điều trị.

Trường hợp mắc đậu mùa khỉ thứ hai này là một phụ nữ 38 tuổi, thường trú tại tỉnh Tuyên Quang, đi du lịch tại Dubai trong khoảng thời gian từ ngày 29/9 đến 18/10/222.

Ảnh minh hoạ

Bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ từ ngày 11/10/2022 với sốt kèm mệt mỏi, buồn nồn và xuất hiện các mụn mủ rải rác trên cơ thể.

Người bệnh này và người bệnh mắc đậu mùa khỉ đầu tiên (nay đã khỏi bệnh) đã có thời gian ở cùng nhà và sinh hoạt chung và khi biết người bạn có các triệu chứng tương tự, người mắc đậu mừa khỉ đầu tiên đã kịp thời thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM biết để hỗ trợ cách ly chẩn đoán và điều trị.

Ngay khi xác định đủ yếu tố nghi mắc đậu mùa khỉ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 đưa người bệnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để cách ly, xét nghiệm và điều trị. Đồng thời, thực hiện khử trùng tàu bay theo quy định. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tiếp tục điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần để hướng dẫn và kịp thời xử lý, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Theo Sở Y tế TP.HCM, nhờ có sự chủ động ứng phó của ngành y tế và ý thức tốt của người bệnh nên trường hợp đậu mùa khỉ thứ hai này đã được cách ly và xử lý phòng chống lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, tuyệt đối không để lây lan trong cộng đồng.

Kích hoạt báo động đỏ khi có ca sốt xuất huyết nặng

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố về việc triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue.

Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố nghiêm túc, khẩn trương và tuyệt đối tuân thủ chỉ định hội chẩn theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue được ban hành theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22/8/2019 của Bộ Y tế.

Tuyệt đối tuân thủ phân tầng quản lý điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue của Sở Y tế, tuân thủ nguyên tắc phối hợp giữa các tầng, đảm bảo chuyển viện an toàn, đảm bảo người bệnh tiếp tục được cấp cứu kịp thời ở tầng sau.

Khi người bệnh sốt xuất huyết Dengue nặng trong tình trạng nguy kịch, có nguy cơ đe dọa tính mạng, cơ sở y tế phải kích hoạt quy trình thực hiện báo động đỏ đối với người bệnh sốt xuất huyết Dengue nội viện hoặc liên viện để kịp thời cấp cứu người bệnh.

Quy trình báo động đỏ nội viện/ liên viện đối với bệnh nhân sốt xuất huyết dengue nặng được kích hoạt khi có một trong các điều kiện sau:

Người bệnh sốt xuất huyết Dengue ngưng tim, ngưng thở đột ngột.

Người bệnh sốt xuất huyết Dengue nặng có suy hô hấp, suy tuần hoàn nhưng không thể tiếp cận đường thở/ mạch máu.

Người bệnh sốt xuất huyết Dengue nặng (sốc sốt xuất huyết, suy đa tạng) không đáo ứng điều trị hồi sức tích cực hoặc vượt khả năng điều trị nhưng không thể chuyển viện an toàn.

Người bệnh sốt xuất huyết Dengue nặng có xuất huyết nặng (thường gặp xuất huyết tiêu hóa ồ ạt) trong tình trạng nguy dịch không đáp ứng điều trị nội khoa (truyền dịch, truyền máu và các chế phẩm máu), cần phải can thiệp cầm máu (nội soi, DSA, phẫu thuật) khẩn cấp nhưng ngoài khả năng của bệnh viện và có nguy cơ tử vong nếu chuyển viện.

Tùy vào tình huống và năng lực điều trị của bệnh viện để kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện hoặc liên viện hoặc cả 2 nhằm đảm bảo kịp thời cứu sống bệnh nhân.

Phẫu thuật cắt dạ dày để điều trị béo phì

Béo phì là một bệnh cần phải được điều trị bằng cách thay đổi lối sống, dinh dưỡng khoa học, tập luyện, thậm chí điều trị thuốc. Nhưng có nhiều trường hợp các can thiệp trên không mang lại hiệu quả, không có tác dụng về mặt lâu dài.

Với trường hợp có chỉ số béo phì vượt quá lớn, các bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt dạ dày để điều trị béo phì cho bệnh nhân.

Đây là phương pháp cắt bỏ một phần dạ dày theo chiều dọc để giảm nhu cầu ăn uống, giảm cảm giác đói cho người bệnh. Nhờ đó, người bệnh không chỉ giảm cân, mà các bệnh liên quan chuyển hóa đi kèm như cao huyết áp, tiểu đường, đau khớp, gan nhiễm mỡ cũng được cải thiện.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là cơ sở đầu tiên trong cả nước thực hiện phẫu thuật điều trị béo phì từ năm 2005. Đến nay, các bác sĩ của bệnh viện đã phẫu thuật hơn 200 ca béo phì. Cân nặng trung bình của mỗi người sau phẫu thuật một năm giảm khoảng 35 kg. Đặc biệt, có trường hợp từ 160kg giảm xuống còn 78kg sau một năm.

Nhiều người sau phẫu thuật giảm béo cũng thoát khỏi các bệnh phối hợp như đái tháo đường, cao huyết áp, mỡ máu, rối loạn kinh nguyệt… Một số bệnh nhân nữ bị béo phì lập gia đình nhiều năm không có con nhưng đã được làm mẹ sau 2 năm phẫu thuật điều trị béo phì.

Nghệ An: Bệnh nhi nhập viện  do các bệnh hô hấp gia tăng

Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, trong những ngày qua do thời tiết chuyển mùa nên số lượng bệnh nhi mắc các bệnh hô hấp tăng đột biến. Số lượng điều trị tại khoa nhi luôn xấp xỉ 200 bệnh nhân mỗi ngày.

Đa số các trẻ mắc các bệnh hô hấp như: viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, hen phế quản, viêm phổi và viêm phổi nặng…, có nhiều trẻ bệnh nặng phải thở ôxy.

Thời điểm giao mùa như hiện nay, môi trường và độ ẩm thay đổi đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển. Một yếu tố nữa là do sau khi trẻ nhiễm Covid-19, sức đề kháng của trẻ ít nhiều bị suy giảm, do đó rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh lý về đường hô hấp… Một phần cũng do sự chủ quan của các bậc phụ huynh.

Theo các chuyên gia y tế, khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp, các biểu hiện khởi phát là hắt hơi, chảy mũi (giống như cảm lạnh thông thường), trẻ chán ăn, bỏ ăn, bỏ bú, thở nhanh, khó thở, ít vận động hơn.

Do phụ huynh không phát hiện kịp thời, bệnh có thể sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu hơn như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi… hoặc biến chứng gây suy hô hấp ở trẻ em, nặng hơn sẽ dẫn tới tử vong.

Khi trẻ có các biểu hiện mắc bệnh phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế, các bệnh viện chuyên khoa nhi để được khám và điều trị, tuyệt đối không tự ý ra các quầy thuốc mua thuốc tự điều trị cho trẻ.

Để phòng bệnh cho trẻ nói chung và bệnh lý về hô hấp nói riêng, cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ theo từng lứa tuổi; thực hiện giữ ấm cho trẻ khi thời tiết thay đổi, trở lạnh;

Hạn chế cho trẻ ra ngoài, nếu bắt buộc phải ra ngoài cần cho trẻ đeo khẩu trang, giữ ấm cho trẻ ở vùng cổ, lòng bàn tay, lòng bàn chân; hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc với những trẻ đang mang bệnh.

Bộ Y tế thông tin về ca đậu mùa khỉ đầu tiên
Ngày 3/10/2022, Bộ Y tế nhận được báo cáo của Sở Y tế TP. HCM về ca đậu mùa khỉ đầu tiên và xác định đây là ca bệnh có nguồn gốc từ nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư