Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 25 tháng 10 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 20/6: Bộ Y tế yêu cầu báo cáo vướng mắc trong mua sắm, lựa chọn nhà thầu
D.Ngân - 20/06/2022 12:39
 
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế, yêu cầu báo cáo về rà soát, xử lý vướng mắc trong mua thuốc và vật tư y tế.

Số ca Covid-19 mới trong nước giảm còn 520; số ca khỏi bệnh gấp gần 20 lần số mắc mới

Tính từ 16h ngày 19/6 đến 16h ngày 20/6, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 521 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 520 ca ghi nhận trong nước tại 42 tỉnh, thành phố, có 432 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (-16), Tuyên Quang (-15), Lào Cai (-14). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hưng Yên (+14), Hải Dương (+14), Bạc Liêu (+9).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 710 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.738.161 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân cứ 1 triệu người có 108.405 ca nhiễm.

Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.730.394 ca, trong đó có 9.608.583 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.604.082), TP. Hồ Chí Minh (609.846), Nghệ An (485.312), Bắc Giang (387.692), Bình Dương (383.795).

9.770 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.611.400 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 36 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 27 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 5 ca; thở máy không xâm lấn: 1 ca; thở máy xâm lấn: 3 ca; ECMO: 0 ca

Từ 17h30 ngày 19/6 đến 17h30 ngày 20/6 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 0 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.083 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49, tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.514.281 mẫu tương đương 85.824.349 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 225.836.499 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 202.337.437 liều: Mũi 1 là 71.489.416 liều; Mũi 2 là 68.834.614 liều; Mũi 3 là 1.508.287 liều; Mũi bổ sung là 14.968.118 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 43.647.711 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 1.889.291 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.522.049 liều: Mũi 1 là 8.955.297 liều; Mũi 2 là 8.566.752 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 5.977.013 liều: Mũi 1 là 5.100.371 liều; Mũi 2 là 876.642 liều.

Huy động nguồn lực mua sắm thuốc, vật tư y tế

Theo nội dung Công văn số 3180/BYT-QLD gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế báo cáo về rà soát, xử lý vướng mắc trong mua thuốc và vật tư y tế.

Bộ Y tế yêu cầu không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh

Bộ này cũng đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện, đơn vị trực thuộc khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai việc mua sắm thuốc và vật tư y tế để bảo đảm tính sẵn sàng; 

Yêu cầu không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn và tại các đơn vị; bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời các vật tư y tế và thuốc thiết yếu, đặc biệt là các thuốc hiếm nguồn cung.

Trường hợp có tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế do khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác mua sắm, lựa chọn nhà thầu, sở y tế các tỉnh, thành phố báo cáo rõ nguyên nhân về Cục Quản lý dược, Bộ Y tế trước ngày 22/6. 

Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc và vật tư y tế phải bảo đảm việc tồn trữ, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh để sẵn sàng cung ứng thuốc và vật tư y tế kịp thời, đúng quy định.

Gia hạn đăng ký lưu hành 32 loại vắc-xin

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có quyết định ban hành danh mục 32 vắc-xin, sinh phẩm được cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Cũng theo Cục Quản lý Dược, sau 12 tháng (kể từ ngày 17/6), các vắc-xin, sinh phẩm được gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại có thay đổi về nội dung hành chính (bao gồm cả mẫu nhãn, tờ hướng dẫn sử dụng) phải sản xuất (đối với vắc-xin, sinh phẩm sản xuất trong nước), nhập khẩu (đối với vắc-xin, sinh phẩm nhập khẩu), lưu hành với các nội dung đã được phê duyệt thay đổi trong hồ sơ đăng ký gia hạn.

Tại quyết định, Cục Quản lý Dược nêu rõ, cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất, cung cấp thuốc vào Việt Nam theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.

Chấp hành đầy đủ pháp luật của Việt Nam và các quy định của Bộ Y tế về sản xuất, nhập khẩu thuốc và lưu hành thuốc tại Việt Nam, nếu có bất cứ thay đổi gì trong quá trình lưu hành thuốc ở nước sở tại và ở Việt Nam thì phải báo cáo ngay cho Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế.

Thực hiện việc cập nhật tiêu chuẩn chất lượng của thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc; 

Cập nhật nhãn thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày 17/6 theo hình thức thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BYT Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Sốt xuất huyết tăng hơn 97%

Hiện cả nước ghi nhận hơn 60.000 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 36 ca tử vong, chủ yếu ở khu vực phía Nam. 

Hiện số mắc mới sốt xuất huyết đang tăng mạnh, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Trung bình mỗi tuần có thêm khoảng 6.000-8.000 ca mắc mới.

Còn tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết chưa nhiều. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 93 ca (giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái). 

Song, không chủ quan với dịch sốt xuất huyết có thể quay trở lại theo chu kỳ, các bệnh viện đã chuẩn bị giường bệnh, cơ số thuốc, nhân lực… sẵn sàng cấp cứu người bệnh.

Tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết năm 2022 với chủ đề “Đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết” vừa diễn ra, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống sốt xuất huyết của người dân, cần kiên quyết xử phạt những cá nhân, tập thể không hợp tác, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Ông Chử Xuân Dũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội theo dõi chặt chẽ tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn về kiểm tra, giám sát, phát hiện nhanh và xử lý kịp thời đối với ổ dịch, ca bệnh. 

Riêng tại các cơ sở y tế phải bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, dịch truyền phục vụ công tác thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Mua sắm khó khăn, nhiều địa phương thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết
Số ca sốt xuất huyết đang ngày một gia tăng và chưa có chiều hướng giảm, song trang thiết bị chống dịch, hóa chất cũng như thuốc điều trị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư