Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Mua sắm khó khăn, nhiều địa phương thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết
D.Ngân - 15/06/2022 18:21
 
Số ca sốt xuất huyết đang ngày một gia tăng và chưa có chiều hướng giảm, song trang thiết bị chống dịch, hóa chất cũng như thuốc điều trị đang thiếu.

Bộ Y tế cảnh báo hiện nay đang là cao điểm mùa dịch số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây.

Dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Bệnh nhi sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận gần 53.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, có 29 trường hợp tử vong tại 11 tỉnh, thành phố.

So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 74,9% và tử vong tăng 24 trường hợp. Đặc biệt, tại khu vực miền Nam, số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua chiếm 83,3% số ca mắc cả nước. Đã có 29 ca tử vong, đều ở phía Nam.

Tỷ lệ số ca mắc/100.000 dân của khu vực miền Nam cũng cao nhất cả nước (103,6/100.000 dân).

Thông thường, theo khuyến cáo, cứ 5 năm, sốt xuất huyết lại bùng lên thành dịch một lần. Dịch sốt xuất huyết lớn nhất gần đây là vào năm 2017. Như vậy, nhiều khả năng sốt xuất huyết có thể lại gây ra trận dịch lớn vào năm nay, 2022.

Tình hình dịch đang rất căng thẳng, nhưng theo phản ánh của một số cơ sở y tế, việc phòng chống dịch đang gặp khó khăn do thiếu một số loại thuốc điều trị.

Đại diện Viện Pasteur TP.HCM cho biết, công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết của khu vực đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó thiếu kinh phí, hóa chất, thiết bị và thuốc là phổ biến.

Cụ thể, hóa chất, máy phun diệt muỗi, loăng quăng dự kiến không đủ cho khu vực phía Nam trong thời gian tới. Hầu hết, việc mua sắm hóa chất cho năm nay của các tỉnh đang còn nằm trên giấy, nếu dùng hết số hóa chất cũ thì sẽ khó khăn trong giai đoạn tới. 

Bên cạnh đó, các sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán bệnh cũng thiếu. Nhiều bệnh viện thiếu dịch truyền cao phân tử (tức dịch truyền) để điều trị bệnh nhân nặng do khó mua sắm.

Theo đại diện Sở Y tế An Giang, nơi số ca mắc tăng từ đầu năm tăng 387% so với cùng kỳ năm ngoái, trong thời gian chờ mua sắm hóa chất số lượng lớn, địa phương đề nghị các cơ sở chỉ định thầu rút gọn dưới 100 triệu đồng để giải quyết nhanh, nhưng các cơ sở cũng sợ sai phạm, nhiều nơi chưa thực hiện.

Về thuốc điều trị, theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhân sốc sốt xuất huyết nặng được truyền dung dịch cao phân tử gồm Dextran 40, Dextran 70, HES 200.000 dalton.

Tuy nhiên, 3 loại dịch truyền trên đều khan hiếm. Bộ Y tế cho phép cơ sở y tế sử dụng HES 130.000 dalton để thay thế. Tuy vậy, HES 130.000 không thể hiệu quả bằng Dextran 40, 70 và HES 200.000.

Sở Y tế TP.HCM đã đăng ký mua Dextran 40 cho các bệnh viện, nhưng phải chờ đặt hàng từ 6-8 tháng để đơn vị sản xuất cung ứng.

Trước thực tế nêu trên, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vừa gửi công văn phản hồi các sở y tế nhiều tỉnh, thành phố về những khó khăn trong việc cung ứng thuốc Dextran 40 Injection - dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị sốt xuất huyết. 

Cuối năm 2020, Cục đã cấp phép cho Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương (CPC1) nhập khẩu 50.000 túi thuốc Dextran 40 Injection để đáp ứng nhu cầu điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.

Đến nay, theo thông tin từ nhiều bệnh viện và sở y tế các tỉnh, thành, thuốc Dextran 40 Injection đã hết hạn sử dụng từ ngày 28/4/2022. Hiện tại, các bệnh viện không đặt được mặt hàng này do cơ sở nhập khẩu không có kế hoạch nhập khẩu tiếp. 

Nhằm tháo gỡ khó khăn chống dịch sốt xuất huyết, Viện Pasteur TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế có kế hoạch chi viện khẩn cấp cho các địa phương thiếu hóa chất, thành lập Ban Chuyên môn kỹ thuật phòng chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam, sớm phê duyệt kinh phí phòng chống dịch cho Viện và cấp kinh phí cho các bệnh viện tuyến cuối để đẩy nhanh các hoạt động. 

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ cùng Cục Dược đẩy nhanh giải quyết việc thiếu dung dịch cao phân tử. Riêng vấn đề phê duyệt kinh phí, mua sắm hóa chất, các địa phương phải tự chủ động.

Trước đó, để nâng cao hiệu quả, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị thành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương.

Đặc biệt là các tỉnh, huyện, vùng nóng ghi nhận số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao để tập trung hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và hóa chất, vật tư phòng dịch…

Với sốt xuất huyết, chuyên gia khuyến cáo người bệnh không được dùng aspirin, bởi trong sốt xuất huyết có hiện tượng chảy máu. Aspirin ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do sốt xuất huyết gây ra không cầm được (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa). Kết quả làm cho bệnh trầm trọng thêm.
Riêng với trẻ em càng đặc biệt chú ý việc cấm này vì aspirin là yếu tố thúc đẩy gây hội chứng Reye (phù não và suy gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tử vong khoảng 30-50%, nếu sống sót cũng để lại di chứng tổn thương não vĩnh viễn).
Bên cạnh đó, aspirin làm tăng độ acid (vốn thấp ở dạ dày trẻ), gây bỏng rát viêm đường tiêu hóa, nặng hơn gây xuất huyết đường tiêu hóa.
Chuyên gia cũng khuyến cáo người bệnh không dùng kháng viêm không steroid bởi việc này khiến cho quá trình chảy máu trong sốt xuất huyết không cầm được.
Phải làm gì khi số ca mắc sốt xuất huyết tăng chóng mặt?
Chuyên gia khuyến cáo người dân cần đặc biệt chú ý khi số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng hơn 53% so với cùng kỳ năm 2021.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư