Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Phải làm gì khi số ca mắc sốt xuất huyết tăng chóng mặt?
D.Ngân - 12/06/2022 07:24
 
Chuyên gia khuyến cáo người dân cần đặc biệt chú ý khi số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng hơn 53% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo thông tin mới nhất từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022, có tổng cộng 22 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó các trường hợp tử vong tại TP.HCM (6), Bình Dương (5), Tây Ninh (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1), Long An (1), Bình Phước (1).

Bộ Y tế cảnh báo số ca mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Bộ Y tế cảnh báo hiện đang là cao điểm mùa dịch, số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây. 

Dự báo số ca mắc trong khoảng thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp. Trong đó, số ca mắc và ca tử vong tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.

Tại TP.HCM, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong 5 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương tăng 7.039 ca mắc); trong đó, số ca mắc nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).

Phân tích số liệu cho thấy số ca mắc sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Tất cả các quận, huyện và TP.Thủ Đức đều có số ca mắc tăng cao. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cũng ghi nhận 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Các chuyên gia nhận định thông thường chu kỳ của một đợt dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh là từ 3 - 4 năm. 

Lần gần đây nhất, sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Việt Nam là năm 2019 với khoảng hơn 300.000 ca bệnh; riêng TP.HCM có khoảng 65.000 ca. Do đó, có khả năng năm 2022 có thể sẽ bắt đầu một đợt dịch sốt xuất huyết mới.

Có một thực tế đáng lo trong điều trị sốt xuất huyết hiện nay mà chuyên gia cảnh báo là, khi mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân có tâm lý chủ quan nên ở nhà tự uống thuốc và điều trị. Điều này dẫn đến không ít trường hợp bị sốc sốt xuất huyết, điều trị vô cùng khó khăn. 

PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. 

Nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. “Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà”, PGS.TS. Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

Với sốt xuất huyết, nhiều người sai lầm cho rằng, chỉ mắc sốt xuất huyết một lần trong đời. Tuy vậy theo chuyên gia, sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type ký hiệu: D1, D2, D3, D4.

Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng type riêng lẻ. Vì vậy, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 type virus khác nhau.

Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc-xin phòng bệnh. Do bệnh lây từ người sang người qua muỗi đốt nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi.

Nếu ở mức độ nhẹ, bệnh nhân hoàn toàn có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng để đưa bệnh nhân nhập viện.

Một số đối tượng nếu mắc sốt xuất huyết cần đặc biệt lưu ý là người đang có sẵn một tình trạng bệnh nào đó hoặc những người đang phải sử dụng thuốc corticoid. 

Sốt xuất huyết là một tình trạng gây rối loạn đông máu và suy tuần hoàn. Do đó, khi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết, nếu bệnh nhân đang có sẵn các bệnh nền, đặc biệt là bệnh liên quan tới tình trạng rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng các thuốc có ảnh hưởng tới đông máu thì cần nhập viện để theo dõi và điều trị.

"Đặc biệt, ở ngày thứ 3 đến thứ 7 khi mắc bệnh sốt xuất huyết, nếu bệnh nhân cảm thấy mệt hoặc không ăn, không chơi mặc dù nhiệt độ cơ thể đã hạ (đặc biệt ở trẻ nhỏ) là những dấu hiệu rất sớm cho thấy cần đưa người bệnh nhập viện", bác sĩ Cường nói. 

Còn ý kiến của bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, khi mắc sốt xuất huyết, chúng ta chỉ được phép sử dụng thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol. Bởi sốt xuất huyết bản chất là có thể gây tổn thương gan.

Sử dụng paracetamol không đúng chỉ định cũng có thể gây viêm gan, cộng thêm việc sử dụng cả Ibuprofen thì nguy cơ rất cao sẽ gây chảy máu ồ ạt. Đây là điểm rất khác trong việc chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết và bệnh nhân mắc bệnh sốt virus thông thường.

Bổ sung đủ nước khi mắc sốt xuất huyết là một điều cực kỳ quan trọng để ngăn bệnh chuyển nặng. Tuy nhiên, một sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết đó là bệnh nhân trông chờ vào việc truyền dịch.

"Ở trẻ nhỏ, việc bù nước khó khăn hơn do trẻ quấy khóc và thường không tự uống. Nếu cha mẹ không chú ý bù đủ nước cho con thì nguy cơ chuyển nặng sẽ rất cao", bác sĩ Hải nói. 

Các bác sĩ khuyến cáo vào mùa mưa, khi trong gia đình có người sốt liên tục từ 2 - 3 ngày, cần nghĩ đến sốt xuất huyết và đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Sau khi xác định mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân có thể theo dõi, chăm sóc tại nhà. nhưng phải nhập viện ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo như sốt li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, đau bụng nhiều, nôn ói liên tục, xuất huyết niêm mạc, nôn ra máu...

Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, người dân cần dọn dẹp sạch sẽ, tạo không gian thoáng đãng ở nơi làm việc, sinh sống từ trong nhà đến xung quanh nhà;
Không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi (lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối… để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng).
Người dân có thể sử dụng bình xịt, nhang muỗi, thuốc xịt hoặc thoa để xua muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.
Một số dấu hiệu gần giống nhau dễ khiến người dân nhầm sốt xuất huyết và Covid-19
Hai trường hợp đầu tiên trong năm 2022 tử vong vì sốt xuất huyết, chuyên gia chỉ rõ cách phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19, đồng thời khuyến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư