Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 22/5: Thiếu nhiều vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng
D.Ngân - 22/05/2023 09:41
 
Tình trạng thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hiện đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Thiếu trầm trọng vắc-xin tiêm chủng

Việc thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ làm gián đoạn lịch tiêm của trẻ, từ đó trẻ sẽ không được bảo vệ, dẫn đến dễ mắc bệnh do hệ miễn dịch giảm. Cùng với đó là nguy cơ bùng phát những dịch bệnh đã có vắc-xin. 

Ảnh minh họa.

Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, vừa qua các cơ sở tiêm chủng tại thành phố đã hết vắc-xin 5 trong 1 DPT-VGB-HiB (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) và vắc-xin 3 trong 1 DPT (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván hấp phụ). 

Bên cạnh đó, các loại vắc-xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm như: vắc-xin viêm gan B, viêm não Nhật Bản, lao (BCG), bại liệt (bOPV), sởi, uốn ván (VAT) và vắc-xin sởi và rubella (MR).

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại TP Hà Nội. Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ tháng 4 tới nay, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố rơi vào tình trạng thiếu vắc-xin “5 trong 1” và vắc-xin “3 trong 1” cũng còn rất ít do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung ứng đủ đáp ứng đến hết tháng 4.

Không chỉ thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mà vắc-xin dịch vụ tại một số nơi cũng khan hiếm. Tại đơn vị tiêm chủng dịch vụ của CDC Hà Nội phải tạm dừng hoạt hoạt động nhiều tháng, trong khi trước đó mỗi ngày có hàng trăm người tới tiêm dịch vụ.

Trước tình trạng nhiều địa phương thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Y tế trên cơ sở cân đối nguồn vắc-xin viện trợ, xem xét có phương án thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá để các địa phương có căn cứ mua sắm, không để thiếu vắc-xin cho tiêm chủng mở rộng.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nguyên nhân của tình trạng thiếu vắc-xin tiêm chủng do Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương để Bộ Y tế mua vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đang quyết liệt triển khai và phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng và thẩm định giá theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ.

Gần đây, Bộ Y tế nhận được ý kiến của một số địa phương đề nghị Bộ Y tế thực hiện việc đấu thầu tập trung mua sắm các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các thuốc ARV, vitamin A hoặc thực hiện đàm phán giá. Tuy nhiên, việc này là không khả thi do Chương trình mục tiêu y tế - dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên từ năm 2023.

Đối với đề xuất “Bộ Y tế tổ chức đấu thầu tập trung các vắc-xin sản xuất trong nước cho tiêm chủng mở rộng", theo bà Hồng do hiện nay các đơn vị sản xuất vắc-xin trong nước là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế nên không bảo đảm tư cách hợp lệ để tham gia đấu thầu.

Đối với việc đặt hàng vắc-xin sản xuất trong nước cho tiêm chủng mở rộng, hiện chưa có quy định của pháp luật cho phép Bộ Y tế đặt hàng tập trung để ký thỏa thuận khung, xác định giá thống nhất và các địa phương ký hợp đồng.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị các sở y tế khẩn trương xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; báo cáo UBND bố trí kinh phí địa phương và tổ chức mua sắm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm không để thiếu thuốc, vắc-xin cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Thêm trường hợp tử vong do bệnh dại

Tối 21/5, tin từ UBND xã Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa) cho biết, trên địa bàn vừa có một cháu bé bị chó dại cắn dẫn đến tử vong. Nạn nhân là Nguyễn Gia H. (SN 2020, trú thôn Thuận Hoan).

Theo người nhà nạn nhân, trước đó khoảng 1 tháng, cháu H. bị chó nhà nuôi cắn vào vùng mặt. Người nhà xích chó lại, sau 3-4 ngày chó tự chết. Tuy nhiên, gia đình không đưa cháu H. đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.

Khoảng 3 ngày gần đây, H. có biểu hiện sốt, nên được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Tuyên Hóa để khám và được chẩn đoán bị bệnh viêm ruột.

Đến tối 20/5, cháu H. lên cơn co giật, nói nhảm và có biểu hiện cào cấu, cắn người chăm sóc..., nên được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới khoảng 2h ngày 21/5. Sau đó cháu dần rơi vào hôn mê và tử vong lúc 9h10 cùng ngày.

Theo chẩn đoán của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, cháu H. tử vong do bệnh dại.

Cũng theo người nhà, ngoài H, một cháu SN 2017 cùng gia đình và một người anh em sinh đôi với H. cũng bị con chó nói trên cào vào mặt.

Sau khi cháu H. tử vong, ngày 21/5, gia đình đã đưa 2 cháu còn lại đến Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa để tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.

Phát hiện ung thư sau một tháng đau bụng âm ỉ

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận nam bệnh nhân trẻ vào viện khám vì rối loạn tiêu hóa, đau bụng hạ vị kéo dài, rối loạn đại tiện, người mệt mỏi. Ngày 16/5, các bác sĩ đã lấy mẫu sinh thiết và kết quả chẩn đoán anh bị ung thư đại tràng.

Khi nghe chẩn đoán ung thư, bệnh nhân đã sốc. Người bệnh không có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ, chủ quan nghĩ rằng mình còn trẻ không thể mắc ung thư.

Nội soi đại trực tràng cho thấy hình ảnh khối u đại tràng sigma, kết quả giải phẫu bệnh là tổn thương ác tính. Bệnh nhân bị ung thư đại tràng Sigma và phải nhập viện phẫu thuật.

Ngày 21/5, sau ca phẫu thuật, bệnh nhân ổn định và được chăm sóc hậu phẫu tại Khoa Ung bướu.

Ung thư đại trực tràng đa phần ban đầu chỉ là các tổn thương tiền ung thư, nếu được phát hiện sớm có thể chữa khỏi. Một số trường hợp ung thư đại trực tràng có tính chất gia đình.

Các bác sĩ khuyến cáo người thân của những bệnh nhân ung thư đại trực tràng nên khám tầm soát sớm, phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư để xử lý kịp thời.

Bộ Y tế lên tiếng về tình trạng thiếu vắc-xin
Liên quan tới việc thiếu vắc-xin Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa lên tiếng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư