Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 23/7: Nhiều địa phương chưa gửi đăng ký nhu cầu vắc-xin
D.Ngân - 23/07/2022 11:03
 
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hiện vẫn còn 16 tỉnh, thành phố chưa gửi nhu cầu vắc-xin Covid-19 của 6 tháng cuối năm.

16/63 địa phương chưa gửi đăng ký nhu cầu vắc-xin 6 tháng cuối năm 

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hiện có 16/63 tỉnh, thành phố chưa gửi đăng ký nhu cầu vắc-xin của 6 tháng cuối năm theo yêu cầu của Bộ Y tế

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hiện vẫn còn 16 tỉnh, thành phố chưa gửi nhu cầu vắc-xin 6 tháng cuối năm.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 253 triệu liều vắc-xin Covid-19. Bộ Y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã ban hành 157 đợt quyết định phân bổ vắc-xin.

Cả nước còn gần 11 triệu liều vắc-xin Covid-19 chưa phân bổ (gồm hơn 7 triệu liều cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên và hơn 3,8 triệu liều cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi).

Ngoài ra, tại tuyến khu vực còn 5 triệu liều, tuyến tỉnh còn 5,6 triệu liều. Tổng cộng, nước ta đang còn 21,5 triệu liều, trong đó chủ yếu là vắc-xin Pfizer và Moderna, có 2,35 triệu liều Vero Cell hạn dùng tháng 10/2023. 

Do đó thời gian tới theo yêu cầu của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố cần quản lý vắc-xin chặt chẽ, phối hợp tốt để phân bổ vắc-xin phù hợp. Các đơn vị cần nỗ lực nhiều hơn nữa để tiêm cho nhóm 5 - dưới 12 tuổi.

Vẫn còn hơn 17 triệu người chưa xác thực thông tin để cấp hộ chiếu vắc-xin

Theo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), đến nay đã có hơn 40 triệu người có hộ chiếu vắc-xin. Việc triển khai cấp hộ chiếu vắc-xin bắt đầu từ tháng 4/2022, đến nay tiến độ cấp hộ chiếu vắc-xin được đánh giá không như kỳ vọng ban đầu.

Hiện còn 17 triệu người chưa được xác thực thông tin. Nguyên nhân khiến việc cấp hộ chiếu vắc-xin chậm trễ là do thông tin của người dân khai báo khi đi tiêm trước đây không chính xác, nhất là thời gian dịch bùng phát mạnh tại nhiều địa phương.

Việc này dẫn tới khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối sánh thông tin thực hiện quy trình cấp hộ chiếu vắc-xin sẽ không thực hiện được do sai thông tin.

Bên cạnh đó, nhân viên y tế phải phối hợp với tổ công tác Đề án 06 và Công an địa phương thực hiện xác minh lại rất khó. Ngoài ra, một số địa phương còn chậm trễ ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai cấp hộ chiếu vắc-xin theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Viettel xuất dữ liệu xác minh sai thông tin gửi Bộ Công an hỗ trợ việc làm sạch số dữ liệu trên sẽ hoàn thành trong tháng 7. Đồng thời tiếp tục tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện ký số và cấp hộ chiếu vắc-xin cho người dân.

TP. HCM thành lập Trung tâm cấp cứu cho người trầm cảm 

Sở Y tế TP. HCM sẽ triển khai thử nghiệm "cấp cứu trầm cảm" ngoại viện do Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đảm nhận.

"Cấp cứu trầm cảm" ngoại viện là một hoạt động mới được triển khai xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, đặc biệt là giai đoạn sau Covid-19. 

Đối với người bị trầm cảm, đặc biệt ở thể nặng thì việc tìm đến cái chết gần như là kết cục có thể đoán trước được. Do đó, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tự sát và kịp thời gọi đội cấp cứu đến hỗ trợ trở thành một hoạt động thiết thực cần được triển khai.

Các bệnh viện chuyên tiếp nhận và điều trị cho người bệnh có triệu chứng tâm thần gồm Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, 4 bệnh viện đa khoa, 3 bệnh viện chuyên khoa nhi với khoảng 90 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa tâm thần.

Là hoạt động mới, nên định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất, Sở Y tế TP. HCM sẽ sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm, từ đó nâng cao năng lực của các cơ sở y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh tâm thần, đảm bảo hỗ trợ tư vấn, chăm sóc và nâng đỡ tinh thần từ xa.

Ninh Bình: Số ca mắc sốt xuất huyết xuất hiện trên tất cả các huyện

Theo CDC Ninh Bình, tính đến ngày 21/7 địa phương này đã ghi nhận 32 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 ổ dịch với 7 bệnh nhân nội tỉnh, 25 ca xâm nhập từ tỉnh ngoài, 3 ổ dịch đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mới.

Để chủ động phòng dịch, tại các khoa tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân đầu tiên của các bệnh viện luôn đề cao công tác phòng chống dịch, thăm khám, khai thác kỹ thông tin. 

Đặc biệt lưu ý đến các trường hợp mới đi từ các vùng có dịch và các vùng lân cận, để kịp thời khám sàng lọc, phát hiện sớm ca bệnh. Trong trường hợp có bệnh nhân nghi lây nhiễm sốt xuất huyết chuyển ngay đến khoa Truyền nhiễm cách ly điều trị.

Ngành Y tế Ninh Bình đã phối hợp cùng các cấp ngành và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết đến mọi người dân, thực hiện các biện pháp phòng dịch như thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh,  lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng để tránh nước đọng. 

Khuyến cáo người dân, nếu có các dấu hiệu mắc bệnh như: sốt, đau đầu, phát ban… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp bệnh diễn biến nặng và tử vong do sốt xuất huyết.

Nâng tỷ lệ tiêm chủng để ứng phó với dịch bệnh
Bên cạnh dịch Covid-19, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè đang có nguy cơ bùng phát mạnh. Do vậy, tiêm chủng vẫn là biện pháp hiệu quả góp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư