Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 2/4: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; TP. HCM phòng, chống sốt xuất huyết và bệnh Marburg
D.Ngân - 02/04/2023 10:04
 
Bộ Y tế vừa ban hành công văn số 1758/BYT-KCB về việc thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Thực hiện Nghị quyết số 30 và Nghị định số 07 về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Trong thời gian qua, một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp khó khăn trong việc cung ứng thuốc, vật tư y tế cho người bệnh. Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế. Các văn bản này đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế.

Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng lượng khám, chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thực hiện các việc sau:

Khẩn trương tổ chức triển khai Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; Nghị định số 07/2023/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và các văn bản sửa đổi liên quan để sớm khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Ảnh minh hoạ

Tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP, báo cáo về Bộ Y tế để kịp thời giải quyết.

Đơn vị có khó khăn, vướng mắc phải công khai, minh bạch với người bệnh và không để còn tình trạng người bệnh, người nhà người bệnh phải đi mua thuốc, vật tư y tế ngoài bệnh viện. Rà soát, sử dụng các thuốc, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế... sẵn có tại bệnh viện và tại các khoa, phòng, trung tâm thuộc bệnh viện để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế.

Tăng cường triển khai thực hiện tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện và đẩy mạnh khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế.

Sở Y tế, Thủ trưởng các đơn vị đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP , báo cáo kết quả về Bộ Y tế.

Trên đây là các chỉ đạo của Bộ Y tế, đề nghị Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương và nghiêm túc thực hiện. 

TP. HCM: Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết

UBND TP. HCM vừa có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.

Trong năm 2022, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) cả nước và TP. HCM diễn biến phức tạp. Cả nước ghi nhận hơn 360.000 ca mắc SXH, riêng tại TP. HCM ghi nhận 81.878 ca mắc.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, số ca mắc SXH cả nước tăng 2,3 lần; TP. HCM tăng 1,47 lần so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, với diễn tiến bệnh SXH hàng năm thì số ca mắc, tử vong có khả năng tăng cao trong thời gian tới.

Sở Y tế TPHCM cho biết, tính từ đầu năm đến 17/3/2023, TPHCM đã có 5.488 ca mắc SXH, tăng hơn 74% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng đã có khoảng 287 ổ dịch SXH xuất hiện rải rác tại các phường, xã. Địa phương có số ca mắc SXH cao nhất là huyện Bình Chánh (588 ca), TP Thủ Đức (568 ca), quận Bình Tân (507 ca), Quận 12 (356 ca), quận Bình Thạnh (341 ca).

Nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống SXH trước các tháng cao điểm năm 2023, UBND TP yêu cầu Sở Y tế chủ động tham mưu cho UBND TP các giải pháp kiểm soát dịch bệnh SXH hiệu quả, khả thi và bền vững. 

Sở Y tế phối hợp với các ban ngành đoàn thể triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp xử lý các vật chứa, ổ lăng quăng trên địa bàn TP. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân SXH; lấy mẫu giám sát huyết thanh, tác nhân gây bệnh theo quy định.

Đảm bảo đầy đủ thuốc men, dịch truyền, vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch bệnh SXH và điều trị bệnh nhân. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh của TP; xây dựng và tham mưu kế hoạch tổ chức thực hiện chiến dịch hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” lần thứ 13 trên địa bàn TP.

UBND TP yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí TP chủ động thông tin về các biện pháp phòng, chống SXH và các biện pháp chế tài đối với những tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế hoặc Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương.

Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường tại các trạm trung chuyển chất thải lớn của TP. Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận huyện, TP. Thủ Đức tăng cường phối hợp với các Trung tâm Y tế quận huyện, TP. Thủ Đức giám sát các trạm trung chuyển chất thải rắn, bãi đất trống, khu quy hoạch, nơi công cộng và lồng ghép trong các hoạt động tập huấn, tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Thành Đoàn TP. HCM phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường vận động đoàn viên, thanh niên xung kích tham gia vệ sinh môi trường, truyền thông phòng, chống SXH tại khu dân cư, cơ quan, xí nghiệp, trường học.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học trên địa bàn TP thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh SXH. Đưa nội dung phòng, chống dịch bệnh SXH vào chương trình sinh hoạt của các trường học nhằm xây dựng ý thức tự giác phòng bệnh cho các em học sinh và qua đó truyền thông đến phụ huynh học sinh.

UBND TP đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP và các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội có chỉ đạo xuyên suốt từ cấp TP đến cấp cơ sở về việc lồng ghép nội dung phòng, chống muỗi đốt, diệt lăng quăng phòng bệnh SXH vào nội dung sinh hoạt, truyền thông định kỳ; đồng thời có biện pháp giám sát việc chấp hành của đoàn viên, hội viên trong tổ chức.

UBND các quận huyện và TP. Thủ Đức chỉ đạo, điều hành và tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội liên quan trong công tác xử lý và kiểm soát điểm nguy cơ. Đẩy mạnh việc xử phạt theo Nghị định 117 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế” đối với các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng bệnh. 

Các Trung tâm Y tế quận huyện, TP. Thủ Đức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại từng địa phương; phát hiện và xử lý các ca bệnh, ổ dịch kịp thời, đúng kỹ thuật, không để dịch bệnh lan rộng. Đối với các ổ dịch ở khu vực giáp ranh giữa các phường xã, thị trấn; quận huyện, TP. Thủ Đức, cần phối hợp giữa các địa phương để triển khai các biện pháp can thiệp hiệu quả. 

Xây dựng và tham mưu kế hoạch tổ chức thực hiện chiến dịch hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” của địa phương.

TP. HCM: Yêu cầu sẵn sàng ứng phó dịch bệnh Marburg

UBND TP. HCM ban hành văn bản khẩn, yêu cầu tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg. 

Bệnh Marburg là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra. Ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả, bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người; từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch...) hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc/chết do virus Marburg.

UBND TP. HCM yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức và thủ trưởng các sở, ngành liên quan triển khai các biện pháp giám sát, phòng, chống, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế tập trung giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế, từ đó phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ (lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch ở châu Phi trong vòng 21 ngày).

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc phối hợp với Viện Pasteur TP. HCM lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây ra cộng đồng.

Ngoài ra, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố, không để bị động; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị và phòng chống dịch.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện các trường hợp có biểu hiện các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu và có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết thì cần phải điều tra dịch tễ, khai thác tiền sử tiếp xúc để phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và lấy mẫu kịp thời.

Đảm bảo nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị kịp thời khi có các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp trở nặng và tử vong.

Các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức phối hợp ngành y tế xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, không để bị động.

Tin mới về y tế ngày 3/3: Bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Công văn số 544/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Công an...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư