Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 26/5: Hy vọng mới cho ngành giải mã gen tại thị trường Việt Nam
D.Ngân - 26/05/2023 10:20
 
Việc hợp tác chiến lược giữa GeneStory và Beehive Asia đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc mang tới cho người Việt cơ hội trải nghiệm sản phẩm xét nghiệm di truyền.
TIN LIÊN QUAN

Nhiều cơ hội

Theo đó, Beehive Asia sẽ trở thành đơn vị hỗ trợ khai thác thương mại và truyền thông, nhằm góp phần đưa ứng dụng của công nghệ giải mã gen của GeneStory đến gần hơn với người tiêu dùng là các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu và trải nghiệm phương thức chăm sóc sức khỏe dự phòng dựa trên khoa học. 

Ảnh minh họa.

Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, chăm sóc sức khỏe không chỉ dừng lại ở việc có bệnh mới chữa mà việc phòng bệnh hơn chữa bệnh mới là hướng đi đúng đắn, y học dự phòng trở thành xu hướng tất yếu của nền y tế mỗi quốc gia. 

Thông qua sự hợp tác chiến lược này, hai công ty mong muốn thực hiện sứ mệnh thúc đẩy nền y học dự phòng nước nhà, nâng cao kiến thức và ý thức của người dân về việc chăm sóc sức khỏe chủ động, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ, hoạt động y tế cộng đồng với người Việt.

Ông Nguyễn Đức Long, Tổng Giám đốc kiêm đồng sáng lập GeneStory khẳng định, GeneStory tham vọng đưa các công nghệ hiện đại trong y học dự phòng đến đông đảo người Việt, với các thiết bị máy móc tối tân nhất, phòng lab đạt chuẩn quốc tế, được Sở y tế cấp phép hoạt động đặt ngay tại Việt Nam với chi phí hợp lý và độ bảo mật cao. 

Theo ông Long, việc bắt tay với Beehive Asia khiến doanh nghiệp có thể hiện thực hóa mong muốn phổ cập dịch vụ giải mã gen, truyền thông sâu rộng hơn đến đại chúng về vai trò của y học dự phòng, góp phần thay đổi thói quen chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm bớt gánh nặng chi phí y tế cho mỗi gia đình Việt.

Với nguồn dữ liệu gen người Việt quy mô, công nghệ vượt trội, GeneStory sẽ cung cấp các thông tin toàn diện về nguy cơ một số bệnh phổ biến và bệnh do di truyền như ung thư vú, ung thư đại trực tràng, bệnh tim mạch…, cung cấp các chỉ số dự báo về sức khỏe thể chất, tinh thần, đánh giá nhu cầu dinh dưỡng… nhằm xây dựng lộ trình chăm sóc sức khỏe tối ưu cho người dân.

Đặc biệt, với gói giải mã gen cho trẻ em, các bậc cha mẹ có thể biết được khuynh hướng nhu cầu dinh dưỡng của con mình, một số đặc điểm tính cách và tâm lý theo gen, cũng như dự báo những tiềm năng nổi bật, khuynh hướng phát triển tố chất về học thuật, sáng tạo, giúp cha mẹ nuôi con thuận bộ gen, xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp cho trẻ. 

Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh phổi giai đoạn muộn

Theo TS. Nguyễn Huy Bình, Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương, khảo sát tại Khoa tại bệnh viện thì bên cạnh ung thư và tim mạch thì bệnh phổi là nguyên nhân gây tàn tật và tử vong hàng đầu trên thế giới (13,5%).

Trong số các bệnh nhân được quản lý điều trị tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, có khoảng 6,7% dân số mắc bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính và có khoảng 6-7% người mắc bệnh phổi mô kẽ 6-7%. Bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, phải điều trị suốt đời.

Hiện các phương pháp điều trị hiện nay chỉ cải thiện triệu chứng, nhưng không thay đổi diễn biến tự nhiên của bệnh và sửa chữa tái tạo cấu trúc phổi. Việc kết hợp nhiều thuốc, kéo dài dẫn đến người bệnh phải chịu đựng nhiều tác dụng phụ. 

“Người bệnh được chỉ định ghép phổi khi các phương pháp khác không có hiệu quả. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể chờ đợi có được phổi hiến phù hợp để ghép, hoặc chịu được áp lực về mặt tài chính để được kéo dài sự sống nhờ ghép phổi”, bác sĩ Bình cho hay.

Khi các phương pháp điều trị cho người bệnh phổi giai đoạn muộn ít hoặc không còn hiệu quả, việc sử dụng y học tái tạo ở cả cấp độ tế bào với hy vọng cải thiện tối đa cho người bệnh phổi.

Thời gian qua, ngoài việc triển khai thành công đề án ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đã có sự chuẩn bị đồng bộ, sẵn sàng cho lĩnh vực y học tái tạo ở cả cấp độ tế bào.

Bệnh viện đã xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, cùng hệ thống trang thiết bị y tế tiên tiến nhất, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đạt các chứng chỉ quốc tế về lĩnh vực y học tái tạo.

Bệnh viện đã phối hợp với nhiều đơn vị khác để tiến hành nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và thu được những kết quả ban đầu rất tích cực, đặc biệt là đề tài “Ứng dụng tế bào gốc trung mô đồng loài trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” và hiện đang triển khai đề tài “Đánh giá tính an toàn, hiệu quả ghép tế bào gốc trung mô đồng loài từ dây rốn trong điều trị xơ phổi”.

Theo TS. Bình, liệu pháp tế bào thu hút nhiều quan tâm do có khả năng chống viêm và giảm xơ phổi. Trong đó, tế bào gốc trung mô đang được nghiên cứu nhiều nhất.

Nhiều thử nghiệm lâm sàng cho thấy sau khi sử dụng tế bào gốc trung mô có hiệu quả trên một số bệnh như: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); Bệnh phổi mô kẽ (ILD).

Kết quả của nghiên cứu sẽ là cơ sở để bệnh viện tự tin hơn trong triển khai và tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật sử dụng tế bào gốc, tế bào miễn dịch trong điều trị các bệnh phổi giai đoạn muộn.

Trên thế giới, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, y học tái tạo đã và đang có những bước phát triển vượt bậc.

Cùng với xu hướng của tương lai, Bệnh viện Phổi Trung ương mong muốn sẽ tạo nên những đột phá mới ở lĩnh vực này, giúp những bệnh nhân mắc bệnh phổi giai đoạn muộn tưởng chừng như vô vọng, được nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài sự sống. Người dân Việt Nam có nhiều cơ hội được tiếp cận với kỹ thuật y khoa tiên tiến nhất ngay tại đất nước của mình.

“Liệu pháp tế bào gốc và tế bào miễn dịch một trong các lựa chọn giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân bệnh phổi giai đoạn muộn. Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ về nhân lực và cơ sở vật chất để triển khai và tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật sử dụng tế bào gốc, tế bào miễn dịch, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh”, TS. Bình nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư