Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 26/7: Liên kết để phát triển ngành Dược liệu Việt
D.Ngân - 26/07/2023 08:19
 
Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới và được xếp hạng 16 trên thế giới về đa dạng nguồn gen. Trong đó, có rất nhiều nguồn gen được ứng dụng làm thuốc phòng và chữa bệnh.

Top 10 trung tâm đa dạng sinh học

Tại Diễn đàn kinh tế Dược liệu Việt Nam - Thế mạnh của kinh tế tập thể, hợp tác xã vừa diễn ra nhiều ý kiến đã nêu bật những tiềm năng và lợi thế của dược liệu Việt và cho rằng, muốn phát triển cần có sự liên kết chặt chẽ nhằm hình thành các chuỗi giá trị

Ảnh minh hoạ.

TS Trần Minh Ngọc, Phó cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế trong bài tham luận về chính sách phát triển dược liệu Việt Nam nêu rằng, Việt Nam đã bước đầu hình thành hệ thống "chuỗi giá trị" phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Việc phát triển này góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực triển khai dự án gấp hai lần so với thời điểm trước khi triển khai dự án. 

Hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo "chuỗi giá trị" theo ông Ngọc cần đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng, ý thức bảo tồn nguồn gien dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo phát triển bền vững.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam bày tỏ, chúng tôi hi vọng Diễn đàn lần này sẽ là sự chung tay của 4 nhà: Doanh nghiệp, quản lý, khoa học, người dân cùng nhau nỗ lực để đưa dược liệu Việt Nam phát triển và hội nhập toàn cầu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền và thuốc từ thảo dược để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu. 

Doanh thu hàng năm của thuốc từ dược liệu trên toàn thế giới đạt trên 100 tỷ USD và nhu cầu về dược liệu, thuốc từ dược liệu có xu hướng ngày càng gia tăng...

Những yếu tố từ thực tế cho thấy, đây là một trong những cơ hội lớn cho các hợp tác xã sản xuất dược liệu tại Việt Nam. 

Để phát triển thành công ngành dược liệu Việt Nam như kỳ vọng, chúng ta không thể bỏ qua vai trò to lớn của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, một mô hình kinh tế có thế mạnh thu hút, tập hợp được đông đảo người dân, nhất là người dân khu vực miền núi, dân tộc thiểu số tham gia.

Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tại Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể.

Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.

Ước tính có 3.830 loài cây dược liệu dùng làm thuốc, chiếm khoảng 36% trong số 10.500 loài thực vật bậc cao có mạch. So với 35.000 loài cây làm thuốc trên toàn thế giới, số loài cây thuốc Việt Nam được biết đến chiếm khoảng 11%.

Tai nạn bất ngờ vì vật nuôi, vật dụng trong nhà

Tai nạn do nuôi thú cưng trong nhà, tai nạn sinh hoạt luôn rình rập trẻ nhỏ trong những ngày hè. Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phẫu thuật cấp cứu cho trẻ bị chó cắn đứt xương hàm mặt, nguy kịch tính mạng.

Ngày 16/7, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp bé trai 3 tuổi ở Hà Nội nhập viện do vết thương chó cắn. Gia đình bệnh nhi chia sẻ đây là chú chó nhà người quen thuộc giống chó lai becgie.

Chú chó tương đối to (40kg) có sức cắn lớn làm tổn thương nặng vùng đầu mặt cổ. Các bác sĩ nhận định đây là ca cấp cứu phức tạp có nguy cơ đe dọa tính mạng cháu bé.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã tiên lượng và nhận định đây là trường hợp đa vết thương phần mềm phức tạp ở vùng quan trọng, cần được thăm khám, điều trị cấp cứu đa chuyên khoa song song kiểm tra tình trạng vết thương có đe dọa tính mạng bệnh nhi hay không.

Mới đây, Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E vừa cấp cứu và phẫu thuật thành công cho một cháu bé (nam, 3 tuổi, ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) bị dao sắc nhọn đâm mạnh vào gót chân cắt rách một đoạn dài và sâu, thậm chí đứt cả gân chân. 

Điều đáng nói, tai nạn này xảy ra do bất cẩn của người lớn khi dùng dao xong đã để luôn dưới sàn nhà, khiến cháu bé bị thương.

Bác sĩ chuyên khoa II Kiều Quốc Hiền, Trưởng Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cho biết, cách đây 3 ngày, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E tiếp nhận một bé nam mới 3 tuổi với vết thương ở mặt ngoài cổ chân phải rộng 5cmx2cm, vết cắt sâu tới tận xương và đang chảy máu rất nhiều.

Cháu bé nhập viện trong tình trạng vô cùng hoảng loạn. Các bác sĩ ngay lập tức tiến hành sơ cứu cầm máu tạm thời cho cháu bé. Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán vết thương của cháu bé là ở phần mềm vùng mặt ngoài cổ chân, đứt gân cổ chân phải. Sau khi có kết quả xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, các bác sĩ quyết định mổ cấp cứu xử lý tổn thương cho cháu bé.

Trước đó, bố của bệnh nhi có sử dụng dao (loại dao Thái sắc, nhọn) gọt hoa quả nhưng không để gọn mà để dưới sàn nhà, khiến cậu con trai, 3 tuổi đang chơi gần đó “đá” vào gây nên tai nạn sinh hoạt vô cùng nguy hiểm này.

Bác sĩ Kiều Quốc Hiền khuyến cáo, tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ thường đến bất ngờ, khó lường trước, gây ra những thương tổn trên cơ thể các em. Nhất là vào dịp nghỉ hè, các tai nạn sinh hoạt gây thương tích cho trẻ nhỏ thường gia tăng đột biến.

Vì thế, các bậc phụ huynh cần lưu ý đến tình huống nào có thể gây rủi ro cho trẻ như dao sắc nhọn, đồ vật thủy tinh, viên bi tròn…; các yếu tố nguy cơ gây bỏng như ổ điện, ấm nước sôi… cần phải tránh xa tầm với của trẻ.

Đối với trẻ lớn hơn, cần đào tạo, hướng dẫn cho trẻ có những kỹ năng để biết cách phòng chống những tai nạn thương tích trong sinh hoạt. Tuyệt đối không để trẻ ở một mình trong khi bơi, sống gần ao hồ; các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ; tránh để trẻ chơi với lửa, các vật dụng sắc, nhọn.

Phát hiện một ca dương tính với MERS tại Abu Dhabi

Ngày 24/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, một người đàn ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona gây Hội chứng Hô hấp cấp Trung Đông (MERS-CoV) tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).

Theo thông cáo của WHO, người bệnh (28 tuổi, sống tại thành phố Al Ain) đã nhập viện tháng trước.

Bộ Y tế UAE chưa phản hồi về thông tin nêu trên.

WHO cho biết, các nhà chức trách y tế đã kiểm tra 108 người có tiếp xúc với người đàn ông nêu trên, nhưng đến nay chưa phát hiện ca lây nhiễm thứ cấp nào.

Theo WHO, không có dấu hiệu cho thấy người đàn ông này đã tiếp xúc với lạc đà một bướu - vật chủ chính mang virus MERS-CoV và cũng là nguồn lây nhiễm MERS ở động vật sang người.

WHO không cung cấp thêm chi tiết về tình trạng hiện nay của người bệnh. MERS-CoV có thể gây sốt, ho và khó thở, trong một số trường hợp có thể dẫn đến viêm phổi.

Theo số liệu của WHO, các ca nhiễm loại virus này đã được ghi nhận tại 27 quốc gia kể từ năm 2012. Hơn 10 năm qua, thế giới đã ghi nhận 2.605 ca mắc MERS, trong đó có 936 trường hợp tử vong.

Gần 4% mẫu dược liệu được kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Trong năm 2022, tổng số mẫu dược liệu được lấy mẫu kiểm tra chất lượng là 2.224 mẫu, trong đó có 85 mẫu dược liệu không đạt tiêu chuẩn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư