Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 27/9: Bệnh viện Vinmec Times City cứu bệnh nhân vỡ tim; Hà Nội nhiều nơi thờ ơ chống dịch
D.Ngân - 27/09/2023 09:29
 
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City chạy đua với thời gian để cứu sống bệnh nhân 62 tuổi bị vỡ tim, hai lần ngừng tuần hoàn.

Cấp cứu thành công ca vỡ tim sau 2 lần ngưng tuần hoàn

Thông thường, hầu hết các ca tương tự đều tử vong nếu không được phẫu thuật kịp thời, ngay cả khi được phẫu thuật, cũng chỉ 50% được cứu sống và thường có những di chứng thần kinh. Trong trường hợp này, bệnh nhân đang hồi phục hoàn toàn một cách kỳ diệu.

Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City trao đổi về tình hình bệnh nhân.

Bệnh nhân Đ.T.N (62 tuổi) nhập viện vì các cơn khó thở, đau ngực. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp ST không chênh trên điện tâm đồ , thang điểm GRACE>140 cho thấy nguy cơ thiếu máu tim cục bộ cao nên có chỉ định can thiệp mạch vành sớm trong vòng 24 giờ .

Trong lúc chuẩn bị để đưa vào phòng can thiệp, bệnh nhân đột ngột ngừng tuần hoàn (tim ngừng đập). Ngay lập tức, bác sĩ điều trị tiến hành sơ cứu xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo đồng thới kích hoạt CODE BLUE - mã báo động khi người bệnh ngừng tuần hoàn, tât cả các thành viên của đội nhanh chóng có mặt và dưới sự điều hành của bác sỹ hồi sức tích cực, đã thực hiện hồi sinh tim phổi, khôi phục được nhịp tim và giữ huyết áp ổn định cho bệnh nhân sau chưa đầy 5 phút ngừng tim.

Một cuộc hội chẩn khẩn cấp ngay tại giường bệnh được tiến hành trong lúc vẫn hồi sức tim phổi đã thống nhất xác định nguyên nhân do vỡ thành tim (vỡ thất) gây tràn máu màng ngoài tim dẫn đến chèn ép tim cấp. Vỡ thất trái sau nhồi máu cơ tim là một trong những biến chứng cơ học rất nặng, chiếm khoảng 1% trong những bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp và chiếm 8% trường hợp tử vong do nhồi máu cơ tim cấp.

Nguyên nhân do cơ tim bị hoại tử gây nứt thành tim, tràn máu ra khoang màng ngoài tim, quả tim bị máu chèn ép không bóp hiệu quả dẫn tới ngừng tuần hoàn và Phẫu thuật là biện pháp duy nhất mới có thể cứu sống bệnh nhân.

Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển vào phòng mổ tim đã được chuẩn bị sẵn sàng để mở ngực nhanh nhất giải phóng chèn ép tim trước tiên, và sau đó mới xử lý vở thủng cơ tim.

Thế nhưng xuất hiện cơn ngừng tim lần hai, lúc này cuộc chạy đua của ekip phẫu thuật vừa bóp tim đảm bảo máu cung cấp cho não vừa nhanh chóng tiến hành cưa xương ức và mở màng tim để giải phóng chèn ép quả tim, sau đó vá lỗ thủng thành thất.

Phẫu thuật viên TS.BS Đặng Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm và  Ekip gây mê phẫu thuật thuộc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City đã hoàn thành phẫu thuật một cách kịp thời và chuẩn xác.

"Để cấp cứu thành công những trường hợp nguy kịch như thế này, quan trọng nhất là yếu tố thời gian. Phòng mổ, kíp mổ phải sẵn sàng ngay lập tức bởi sự sống của bệnh nhân đang được tính theo từng phút, từng giây. Các thao tác phải thật nhanh và chính xác thì mới có cơ hội cấp cứu thành công”, TS.BS Đặng Quang Huy chia sẻ.

Ca mổ gần bốn giờ đồng hồ đã diễn ra thành công. Sau phẫu thuật một ngày, bệnh nhân đã tỉnh, bỏ được máy thở, chức năng tim tốt và được theo dõi trong phòng hồi sức tích cực.

Hiện nay, sau chưa đầy một tuần, người bệnh đã được lên bệnh phòng, tự đi lại sinh hoạt như trước mổ. Đặc biệt, người bệnh không có bất kỳ di chứng thần kinh nào mặc dù đã được cấp cứu ngừng tuần hoàn tới hai lần. Dự kiến trước khi ra viện bệnh nhân sẽ được làm MSCT mạch vành để đánh giá thương tổn động mạch vành và lên  kế hoạch can thiệp điều trị tiếp theo.

Theo y văn thế giới, biến chứng nhồi máu cơ tim thường có tỉ lệ tử vong rất cao nếu không được phẫu thuật kịp thời. Ngay cả khi mổ, cũng chỉ khoảng 50% được cứu sống và thường để lại các di chứng thần kinh do thiếu máu não.

Để có cơ hội được cứu sống, ngay khi phát hiện người bệnh nhồi máu cơ tim cấp cần được tiếp cận với các bệnh viện có khả năng cấp cứu hồi sức , trình độ can thiệp cao xử lý các thương tổn vành phức tạp , đặc biệt có kíp phẫu thuật tim có kinh nghiệm xử trí các vấn đề tim mạch phức tạp sẵn sàng có mặt tại bệnh.

Ngoài ra, việc được cấp cứu ngừng tuần hoàn trong thời điểm vàng cũng rất quan trọng trong việc tăng cơ hội sống, hạn chế biến chứng thần kinh cho bệnh nhân. “CODE BLUE” là một trong số các mã khẩn cấp bệnh viện Vinmec đã áp dụng thường quy trong quy trình cấp cứu người bệnh đang nằm viện đột ngột ngưng tim, ngưng thở hoặc đột ngột trở nên nguy kịch đe doạ tính mạng.

Hệ thống y tế Vinmec đã triển khai áp dụng Code Blue toàn hệ thống từ ngay khi đi vào hoạt động, một ngày làm việc sẽ có 2 kíp trực trong giờ hành chính và buổi đêm nhằm đảm bảo năng lực cấp cứu người bệnh có ngừng tuần hoàn 24/7.

Trong những năm vừa qua, CODE BLUE tại Vinmec được hoàn thiện theo tiêu chuẩn JCI (Mỹ), cụ thể tất cả các thành viên trong đội CODE BLUE được đào tạo bài bản và được nhận chứng chỉ ACLS (Hồi sinh tim phổi người lớn nâng cao và PALS (hồi sinh tim phổi nhi nâng cao) của AHA (Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ) và được tái cập nhật 2 năm 1 lần.

Việc áp dụng các mã khẩn cấp bệnh viện nằm trong quy trình tiếp nhận và xử trí các bệnh nhân cấp cứu nói chung và đặc biệt trong các cấp cứu nặng, phức tạp giúp ekip cấp cứu sẽ xuất hiện trong thời gian ngắn nhất và đúng nơi cần trợ giúp để hỗ trợ người bệnh sớm nhất.

Nhiều mục tiêu quan trọng về kháng thuốc

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1121/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chiến lược phấn đấu đến năm 2045 kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc, có hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh hoạt động hiệu quả tương đương với các nước phát triển.

Từ nay đến năm 2030, Chiến lược đề ra 4 mục tiêu cụ thể: Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc; Củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật; Giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm; Sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Cụ thể, về phối hợp hành động và đáp ứng liên ngành để phòng, chống kháng thuốc: Xây dựng Khung hành động chung làm nền tảng cho sự hợp tác đa ngành, điều phối, triển khai, giám sát các hành động theo trách nhiệm cụ thể của mỗi ngành; xây dựng và triển khai kế hoạch hành động cho từng lĩnh vực y tế, nông nghiệp, môi trường, công thương để giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc trong các lĩnh vực tương ứng.

Về chính sách, pháp luật, quy định chuyên môn: Rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, chẩn đoán và điều trị, sử dụng thuốc kháng vi sinh vật, an toàn sinh học trong y tế, nông nghiệp;

về thực hành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; quản lý, xử lý chất thải của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở chế biến thực phẩm để kiểm soát dư lượng kháng sinh và các vi sinh vật kháng thuốc…

Về thông tin, truyền thông và vận động xã hội: Truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về các nguyên nhân gây kháng thuốc, hậu quả của kháng thuốc và các biện pháp phòng, chống kháng thuốc; duy trì cam kết của cá nhân và xã hội đối với thay đổi hành vi để sử dụng thuốc kháng vi sinh vật có trách nhiệm, ngừng lạm dụng và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật sai mục đích;

Thúc đẩy các hành vi lành mạnh để ngăn ngừa nhiễm trùng và sự lây lan của chúng, trong đó chú trọng nhân viên y tế, thú y, người chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản…

Giải pháp để tăng cường hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật ở người, động vật, môi trường và thương mại: Củng cố năng lực hệ thống giám sát kháng thuốc ở người, động vật và tại cộng đồng; giám sát sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật để làm bằng chứng xây dựng, điều chỉnh hướng dẫn và các hoạt động can thiệp kịp thời ở cấp quốc gia và cấp cơ sở.

Rà soát, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm, sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật lựa chọn ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe con người; kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát sự đề kháng, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật.

Phát triển công tác dược lâm sàng, triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh, quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn; thực hiện giám sát bán thuốc kháng sinh theo đơn tại các cơ sở bán lẻ thuốc.

Chiến lược thực hiện 3 Đề án trọng điểm: Đề án về nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong y tế giai đoạn 2024 - 2030 do Bộ Y tế xây dựng và triển khai;

Đề án về nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường Hệ thống giám sát quốc gia về sự kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong thú y giai đoạn 2024 - 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai;

Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường giai đoạn 2024 - 2030 do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai.

Hà Nội: Xử nghiêm vi phạm về chống dịch

Chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh trên người với các quận, huyện, thị xã diễn ra chiều 26-9, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, tốc độ các ca bệnh sốt xuất huyết đang tăng rất nhanh trên địa bàn thành phố, nhưng, qua kiểm tra tại một số quận, huyện, việc xử lý ổ dịch chưa triệt để.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong khi số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM và một số địa phương đang giảm, thì tại Hà Nội lại gia tăng nhanh chóng.

Trong 3 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần, thành phố ghi nhận 2.000 ca mắc. Lũy tích từ đầu năm 2023 đến ngày 24-9, toàn thành phố ghi nhận 12.776 ca mắc tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 547/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 94,5% số xã, phường, thị trấn). Đặc biệt, đã có 3 trường hợp tử vong tại các quận, huyện: Hà Đông, Hoàn Kiếm và Quốc Oai.

Tính đến nay, toàn thành phố ghi nhận 870 ổ dịch, trong đó 613/870 ổ dịch (chiếm 70%) đã được khống chế, còn 257 ổ dịch đang hoạt động. Hiện, tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện là 2.286, trong đó có 9 bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Nhận định về tình hình dịch sốt xuất huyết hiện nay, ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, biện pháp phòng, chống tập trung vào hai nội dung chính, đó là diệt bọ gậy và xử lý ổ dịch triệt để.

Nhưng, qua kiểm tra, công tác xử lý ổ dịch sốt xuất huyết của các đơn vị còn chậm, chưa quyết liệt, triệt để và hiệu quả không cao. Cụ thể là việc khoanh vùng phun hóa chất còn hẹp, tỷ lệ phun thấp; bỏ sót ổ bọ gậy, dẫn tới chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ.

Vùng nguy cơ cao có dịch sốt xuất huyết là vùng có chỉ số bọ gậy - BI từ 20 trở lên. Theo kết quả giám sát công tác xử lý ổ dịch sốt xuất huyết do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thực hiện (từ ngày 15-8 đến 24-9), 10/11 ổ dịch của 4 quận, huyện gồm: Thạch Thất, Đan Phượng, Cầu Giấy, Đống Đa có chỉ số BI gấp từ 2-4 lần như: Thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có BI = 75; cụm 5, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng BI=80; khu ngõ Đền, cụm 3, quận Đống Đa BI= 50…

“Việc huy động lực lượng thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy chưa hiệu quả, thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Thêm vào đó, kinh phí hỗ trợ cho lực lượng xung kích vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và công nhân phun hóa chất diệt muỗi còn thấp, thanh toán chậm dẫn đến họ không nhiệt tình trong công việc”, ông Vũ Cao Cương thông tin.

Do công tác xử lý dịch bệnh chưa hiệu quả dẫn đến một số ổ dịch vẫn diễn biến phức tạp kéo dài. Đơn cử tại hai xã: Phùng Xá và Hữu Bằng của huyện Thạch Thất, dịch xảy ra từ tháng 5 đến nay vẫn diễn biến phức tạp.

Đại diện huyện Thạch Thất cho rằng, cơ quan chức năng của địa phương đã rất tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Thế nhưng, ý thức người dân chưa cao. Khi mắc bệnh, người dân tự điều trị, không báo với y tế cơ sở. Thậm chí, khi lực lượng phun hóa chất đến nhà, người dân đóng cửa không cho vào phun vì lo hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe…

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, thời tiết hiện nay mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26-32°C, là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch, nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều điểm vượt ngưỡng dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh… Thêm vào đó, hiện nay, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học cũng tạo điều kiện để lây lan dịch bệnh.

Tại Việt Nam hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, việc chống dịch phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác, sự phối hợp của người dân trong hoạt động diệt bọ gậy, diệt muỗi truyền bệnh.

Theo ông Vũ Cao Cương, để công tác phun hóa chất đạt hiệu quả, phải bảo đảm phun trong bán kính 200 m, tính từ ổ dịch đến các khu vực xung quanh. Ngoài ra, phải bảo đảm 95% hộ gia đình trong ổ dịch được phun hóa chất. Ông Cương cũng đề nghị cần phải áp dụng nghiêm việc xử phạt vi phạm hành chính với những hộ gia đình không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

Còn theo lãnh đạo CDC Hà Nội, các địa phương phải tiến hành phòng, chống sốt xuất huyết một cách bài bản, hiệu quả, đi từng ngõ, gõ từng nhà. Trước khi triển khai chiến dịch cần tuyên truyền, thông báo để người dân cùng vào cuộc. Đội xung kích có nhiệm vụ hướng dẫn người dân.

Sau mỗi chiến dịch vệ sinh môi trường phải có đội giám sát xem hiệu quả đến đâu. Riêng với việc phun hóa chất phải bảo đảm an toàn cho người dân là số 1.

Trước khi phun, thông báo cho người dân che đậy các vật dụng và ra khỏi nhà trong 15 phút. Với những người không chấp hành việc phun hóa chất, cần phải xử phạt nghiêm.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà nhấn mạnh, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, dự báo, số ca tiếp tục tăng với nhiều ca nặng.

Các nhà chuyên môn cho rằng, đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 10, 11, do đó, các sở, ngành, các cấp cùng các địa phương cần nhận thức rõ để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đồng bộ và quyết liệt hơn nữa.

Để kiểm soát tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, theo bà Vũ Thu Hà, trước tiên cần nâng cao nhận thức của người dân. “Chính người dân phải nhận thức được nguy cơ để tự bảo vệ bản thân và gia đình”, bà Hà nhấn mạnh.

Bà Vũ Thu Hà cho biết, thành phố sẽ ban hành kế hoạch cao điểm về truyền thông phòng, chống dịch sốt xuất huyết và đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch tuyên truyền với nội dung thiết thực, hiệu quả để nâng cao hơn nữa ý thức người dân.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố, trong đó, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách từng địa bàn và tiến hành kiểm tra, giám sát.

Thông tin về công tác tổ chức đợt tổng kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết, Phó chủ tịch Vũ Thu Hà nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất và thường xuyên hơn. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các đơn vị đã được thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh song vẫn không có sự chuyển biến…

Cụ thể, các địa phương cần tập trung cao hơn nữa các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Nếu làm tốt, triển khai hiệu quả các giải pháp sẽ bảo vệ sức khỏe của người dân và sớm chấm dứt dịch bệnh.

Chuyên gia lo ngại sốt xuất huyết diễn biến bất thường
Số bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nằm tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tăng nhanh trong thời gian gần đây, lên tới hàng trăm ca...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư