Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 29/10: Có thể khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân
D.Ngân - 29/10/2023 08:40
 
Hiện nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên cả nước đã có thể triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip.

Theo quy định mới chính thức có hiệu lực từ ngày 3/12/2023, người dân có thể chỉ cần xuất trình căn cước công dân khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Điểm mới về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Ngày 19/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 75).

Theo quy định mới chính thức có hiệu lực từ ngày 3/12/2023, người dân có thể chỉ cần xuất trình căn cước công dân khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo đó, người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh hoặc căn cước công dân.

Trường hợp xuất trình thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử.

Thông tin từ Bộ Công an cho biết, đến nay, cơ quan này đã cấp hơn 83,76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip; thu nhận hơn 61,3 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt hơn 39,3 triệu tài khoản.

Chín tháng đầu năm 2023, cả nước có 91,465 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 92,4% dân số.

Trong thực tế hiện nay, người dân đã có thể xuất trình căn cước công dân để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Điều này mang lại nhiều lợi ích và thuận tiện hơn khi khám, chữa bệnh.

Cụ thể giúp người dân không phải mang nhiều giấy tờ; giảm quá trình chờ đợi trong khâu tiếp đón do căn cước công dân có tích hợp gắn chip, mã QR cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác.

Như vậy, theo quy định mới của Nghị định số 75 chính thức có hiệu lực từ ngày 3/12/2023 tới, người dân có thể chỉ xuất trình căn cước công dân khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tính đến ngày 16/10/2023, hệ thống đã xác thực được hơn 92,2 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, trong đó có khoảng 83 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 94,2% tổng số người tham gia với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời, hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ hơn 131,7 triệu lượt bản ghi thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đặc biệt, tính đến ngày 16/10/2023, toàn quốc đã có 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip nhằm đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân.

Qua đó, có gần 49,7 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Cẩn trọng khi chạy bộ trong thời tiết chuyển mùa, se lạnh

Dù có nhiều tác dụng với sức khoẻ song trên thế giới và Việt Nam, có không ít người tử vong khi hoạt động thể thao, chạy bộ, cả ở lứa tuổi thanh, thiếu niên và người cao tuổi.

Mới đây, tối 15/10, một người đàn ông khoảng 30 tuổi đang chạy bộ tại Công viên Thanh Xuân (Hà Nội) thì bất ngờ ngã gục, người xung quanh liền gọi cấp cứu, đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhưng không qua khỏi. Bệnh nhân được xác định đã tử vong ngoại viện.

Trước đó, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện E, cấp cứu một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch khi đang chạy bộ. Bệnh nhân là anh N.M.H (37 tuổi, trú tại Hà Nội) bị chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu và được sơ cứu tại bệnh viện gần điểm chạy, sau đó chuyển tới Bệnh viện E.

Tại đây, bệnh nhân H. có biểu hiện kích thích vật vã, được đánh giá mất nước, mạch nhanh, huyết áp tụt. Bác sĩ chẩn đoán sơ bộ anh bị sốc choáng, giảm khối lượng tuần hoàn do hoạt động thể lực quá sức.

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, bệnh nhân có dấu hiệu toan chuyển hóa, suy thận cấp, tăng CK máu (một loại enzyme xúc tác phản ứng sinh hóa của cơ thể). Bệnh nhân đã được bác sĩ chỉ định điều trị tích cực, lọc máu.

Theo bệnh nhân N.M.H, anh không có tiền sử bệnh tật, bản thân thường xuyên luyện tập.

Trước đó, bệnh nhân có bị sốt và khi hết sốt, anh H. nghĩ mình đã khỏe nên tiếp tục tham gia chạy bộ. Các bác sĩ cho rằng đây là sai lầm của bệnh nhân, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

ThS.BS Đỗ Quốc Phong, Phó Truỏng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện E, cho biết, mỗi năm khoa Hồi sức tích cực và Chống độc tiếp nhận 4 - 5 bệnh nhân vào cấp cứu do sốc, choáng khi gắng sức vận động.

Bất cứ ai khi tham gia hoạt động thể lực gắng sức đều có thể dẫn tới choáng, sốc, giảm thể tích tuần hoàn. Bệnh nhân sẽ có dấu hiệu choáng váng, mạch nhanh, ngất, nếu không được cấp cứu kịp thời thì có thể tử vong.

Bác sĩ Đỗ Quốc Phong cảnh báo, chạy bộ tốt cho sức khỏe nhưng việc chạy cần phù hợp với sức khỏe, không nên gắng sức để đạt mục tiêu của bản thân mà quên đi thể lực hiện tại. Trước mỗi cuộc chạy, chúng ta cần chuẩn bị tập luyện thật kỹ, nâng dần cường độ vận động và độ khó.

Khi tập thể lực, mọi người cần chú ý tới các dấu hiệu như khát nước liên tục dù đã uống nước, khi choáng, mệt thì cần dừng lại. Sau khi tập luyện, nếu có biểu hiện đau cơ kéo dài, mệt mỏi, nước tiểu ít, nước tiểu có màu đỏ thì cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để được bác sĩ can thiệp.

Các bác sĩ khuyên rằng, trước khi tập thể dục, người tập cần xây dựng kế hoạch luyện tập, xác định mức độ tập luyện phù hợp với tình trạng bệnh, đặc biệt là người có các bệnh lý liên quan tim mạch, hô hấp...

“Trước khi tập luyện thể dục thể thao, cần khởi động kỹ, tập xong phải thả lỏng, hồi phục cơ, bổ sung nước, chất điện giải để tránh mất nước”, chuyên gia khuyến cao.

Thu hồi trên toàn quốc lô kem chống nắng không đạt chất lượng

Cục Quản lý dược Bộ Y tế vừa ban hành một loạt thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc các lô sản phẩm mỹ phẩm không đạt chất lượng.

Các lô này bị thu hồi đều vì lý do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.

Sản phẩm đầu tiên là mỹ phẩm Asia Whitening Cream With SPF 50+PA+++, hộp 1 tuýp 50g, Số lô: 011122; sản xuất ngày 28/11/2022, hạn dùng 28/11/2025; số công bố: 147/22/CBMP-HD.

Sản phẩm này do Công ty cổ phần Công nghệ thảo dược Green Asia, địa chỉ phường Cẩm Thượng, TP.Hải Dương sản xuất. Công ty chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm là Công ty TNHH thương mại Thành Công, địa chỉ ở phường Trần Phú, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Sản phẩm thứ 2 bị đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc một lô là Gel vệ sinh phụ nữ Organic Lucky Rose - Chai 180ml. Số lô bị thu hồi là 080; sản xuất ngày 16/7/2022, hạn dùng 16/7/2025; Số công bố 3893/18/CBMP-HN.

Sản phẩm được Công ty TNHH dược phẩm Fusi, địa chỉ: Cụm công nghiệp Thanh Oai, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội, sản xuất. Công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm này ra thị trường là Công ty cổ phần đầu tư Kim Long, địa chỉ: Lô 2A, Khu Liên Cơ, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. 

Sản phẩm thứ 3 là nước tắm gội thảo dược Dr. Papie - Hộp 1 chai 230 ml. Số lô bị thu hồi là 082021; ngày sản xuất: 25/11/2021; hạn dùng 25/11/2024;

Trên nhãn ghi thông tin: Số công bố 5088/19/CBMP-HN; Công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường: Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Starmed, địa chỉ: C12-TT6, Khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội; Nhà sản xuất: Công ty cổ phần Grandstar Quốc tế, địa chỉ: BT 1.1 Khu đô thị Tây Mỗ, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội).

Từ hôm nay, chi phí khám chữa bệnh Covid-19 thay đổi thế nào?
Từ ngày 19/10/2023 trở về trước, toàn bộ chi phí khám, điều trị cho người mắc Covid-19 hoàn toàn miễn phí, do ngân sách Nhà nước chi trả. Từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư