Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 30/1: "Hãy hành động ngay: Chấm dứt bệnh phong"; Chế độ chăm sóc, vệ sinh răng miệng sau Tết
D.Ngân - 30/01/2023 09:17
 
Ngày Thế giới phòng, chống bệnh phong năm 2023 được tổ chức vào Chủ nhật cuối cùng của tháng 1.

Ngày quốc tế này là dịp để tôn vinh những người đã từng mắc bệnh phong, nâng cao nhận thức về căn bệnh này và kêu gọi sự chấm dứt sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến bệnh phong.

Bệnh phong có thể chữa khỏi bằng sự kết hợp của các loại kháng sinh được gọi là Liệu pháp đa thuốc. Điều trị này là có sẵn miễn phí trên toàn thế giới. Nếu bệnh phong không được điều trị, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Theo thống kê hiện nay cho thấy bệnh phong vẫn còn tồn tại. Khoảng 200.000 người được chẩn đoán mắc bệnh phong mỗi năm và hàng triệu người đang sống chung với các khuyết tật liên quan đến bệnh phong, đặc biệt là trên khắp châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.

Ngày Thế giới phòng, chống bệnh phong năm 2023 được tổ chức vào ngày 29/1/2023, Chủ nhật cuối cùng của tháng 1

Được biết bệnh phong đã có từ ít nhất 4.000 năm cách đây, điều này khiến nó trở thành một trong những căn bệnh lâu đời nhất mà loài người từng biết đến. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, chúng ta có thể là thế hệ cuối cùng chấm dứt việc lây truyền bệnh phong, hướng đến mục tiêu không còn lây truyền bệnh vào năm 2035.

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống bệnh phong năm 2023 là “Hãy hành động ngay: Chấm dứt bệnh phong”. Chủ đề năm nay kêu gọi sự chú ý đến 3 thông điệp chính:

1. Bệnh phong có thể được loại trừ: Chúng ta có sức mạnh và công cụ để ngăn chặn sự lây truyền và đánh bại căn bệnh này.

2. Hãy hành động ngay bây giờ: Chúng ta cần các nguồn lực và cam kết để chấm dứt bệnh phong và ưu tiên việc loại trừ bệnh phong.

3. Tiếp cận những người chưa được tiếp cận: Bệnh phong có thể phòng ngừa và điều trị được.

Chế độ chăm sóc, vệ sinh răng miệng sau Tết

Bữa ăn ngày Tết có thể diễn ra vào bất kể thời gian nào trong ngày, vô tình tạo ra "gánh nặng" cho sức khoẻ răng miệng lên gấp nhiều lần.

Với trẻ nhỏ, Tết là lúc được thoả mãn niềm yêu thích với đủ loại bánh - mứt - kẹo, đến nước ngọt, cùng với đó là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, a-xít hóa môi trường, phá hoại men răng dẫn đến sâu răng; trẻ đã bị sâu răng rồi thì tăng nặng.

Ở người lớn, cường độ ăn uống tăng đột ngột dẫn đến quá tải, có thể tạo thành "cú sốc" khiến môi trường trong khoang miệng không kịp thích ứng. Chưa kể, các loại đồ ăn đa dạng liên tục được nạp vào có thể gây kích ứng, dắt trong kẽ răng tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển. Không ít người gặp phải tình trạng đau răng, viêm chân răng, nhiệt miệng, ngoài ra, còn những vấn đề cấp tính như: mảng bám răng, hôi miệng... xuất hiện nhiều sau dịp Tết.

Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa răng - hàm - mặt Nguyễn Phú Hòa, giảng viên Bộ môn Phục hình răng, Viện Đào tạo Răng - Hàm - Mặt, trường Đại học Y Hà Nội phân tích, dịp Tết là khoảng thời gian không dễ dàng chăm sóc sức khỏe răng miệng một cách chu đáo.

Để bảo vệ răng một cách tốt nhất, phải lưu ý, khi ăn quá nhiều đồ ngọt dễ dẫn đến sâu răng; uống quá nhiều bia, rượu khiến men răng bị ảnh hưởng; ăn quá nhiều chất đạm tăng nguy cơ ê buốt, nhức mỏi răng. Vì vậy, hãy cân đối các nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn.

Bác sĩ Nguyễn Phú Hòa cũng đưa ra một số lời khuyên về chế độ ăn uống, vệ sinh răng miệng như sau:  

Không ăn quá nhiều: Liên tục ăn uống không chỉ gây áp lực cho cơ hàm và răng, tăng tình trạng đau răng mà còn dẫn đến nguy cơ rối loạn tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa. Điều chỉnh để các bữa ăn chính cách nhau 4 tiếng, bữa chính với bữa phụ cách nhau 2 tiếng.

Không chủ quan với răng miệng: Bạn cần chủ động thăm khám tại các cơ sở y tế ngay khi phát hiện triệu chứng bất thường liên quan đến răng miệng. Sự can thiệp của các biện pháp y tế sẽ giúp giải quyết nhanh gọn các bệnh răng miệng, ngăn tiến triển nặng hơn.

Cứu sống 1 người bệnh lóc tách động mạch chủ ngực vỡ, nhồi máu não đặc biệt nguy cấp

Trung tâm Tim mạch và Trung tâm Đột quỵ thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa phối hợp cứu sống thành công người bệnh lóc tách động mạch chủ ngực vỡ, nhồi máu não.

Người bệnh N.K.L. (61 tuổi, trú tại phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường. Người bệnh nhập viện vì lý do ý thức suy giảm.

Người nhà của người bệnh cho biết: Người bệnh ở nhà sức khỏe vẫn bình thường, có tiền sử phình động mạch chủ ngực trước đó 6 tháng không điều trị. Ngày vào viện, sau khi ăn bữa trưa với gia đình, người bệnh đang đi thì bị ngã và yếu dần đi, gia đình đã nhanh chóng đưa người bệnh đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu.

Người bệnh vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, kích thích nhiều, yếu tứ chi, tim nhịp nhanh, phổi có ral ẩm 2 bên. Qua thăm khám, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực và MRI sọ não, người bệnh được chẩn đoán lóc tách động mạch chủ ngực vỡ vào màng tim, nhồi máu não, viêm phổi trên nền bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường.

Trước tình trạng người bệnh với nhiều bệnh lý nguy hiểm, phải ưu tiên điều trị vấn đề nguy cấp nhất là lóc tách động mạch chủ ngực vỡ, mạch nhanh, huyết áp tụt. Người bệnh được xử trí đặt dẫn lưu màng tim, đặt ống nội khí quản để kiểm soát tuần hoàn và hô hấp.

Các bác sĩ Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực đã xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện, phối hợp với các chuyên gia của Bệnh viện Tim Hà Nội, phẫu thuật thay động mạch chủ ngực lên bằng mạch nhân tạo dưới tuần hoàn ngoại cơ thể.

Cuộc phẫu thuật thuận lợi, sau 3 ngày, người bệnh hoàn toàn ổn định về chuyên khoa mạch máu và được chuyển sang Đơn vị Cấp cứu - Điều trị tích cực thần kinh đột quỵ, Trung tâm Đột quỵ để điều trị tiếp.

Sau 4 ngày điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, người bệnh được rút ống nội khí quản. Sau 10 ngày điều trị, người bệnh đã tỉnh táo, vết mổ ổn định.

Bác sĩ Dương Xuân Phương, Trưởng đơn vị Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực cho biết: Đây là 1 ca bệnh đặc biệt, nặng và khó, chưa được triển khai tại bệnh viện trước đây. Trong tình thế không đủ điều kiện chuyển viện tuyến trên và nếu không mổ bệnh nhân sẽ tử vong.

BSCKII Bùi Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết: "Khi tiếp nhận người bệnh chuyển từ Trung tâm Tim mạch sang, tuy tình trạng tim mạch đã ổn định, nhưng người bệnh vẫn trong tình trạng rối loạn ý thức, thở máy qua ống nội khí quản, yếu tứ chi, tim nhịp nhiều, phổi có ran ẩm 2 bên. Chúng tôi đã cố gắng hết sức với ý chí quyết tâm cao mang lại sự sống cho người bệnh. Và cuối cùng điều kỳ tích đã đến, người bệnh đã được cứu sống".

Hơn 90% người dân Việt Nam gặp các bệnh lý về răng miệng
Theo thống kê mới nhất của Viện Răng Hàm Mặt Trung ương, hơn 90% người dân Việt Nam gặp các bệnh lý về răng miệng, chủ yếu tập trung ở các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư