Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 4/2: Bệnh nhân nhập viện tăng tại nhiều cơ sở y tế
D.Ngân - 04/02/2023 10:18
 
Thông tin từ các bệnh viện cho hay, số người cao tuổi đến khám và điều trị sau Tết tăng cao so với trước Tết.

Người già nhập viện tăng cao

Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia y tế cho rằng do thời tiết lạnh sâu, sau đó mưa nồm ẩm; cộng với việc ăn uống không điều độ dịp nghỉ lễ khiến nhiều người già mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch, tiêu hóa.

Thông tin từ các bệnh viện cho hay, số người cao tuổi đến khám và điều trị sau Tết tăng cao so với trước Tết.

Theo thống kê từ Bệnh viện Lão khoa trung ương, số lượng người cao tuổi đến khám và điều trị sau Tết tăng khoảng 30% so với thời điểm trước Tết.

Hiện có 250 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại đây, phần lớn là bệnh nhân hô hấp, viêm phổi, đột quỵ... Trước đó, trong những ngày nghỉ Tết, bệnh nhân cũng nhập viện khá đông, khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực của bệnh viện luôn kín giường.

Tương tự, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa Hà Đông ghi nhận sau kỳ nghỉ Tết đơn vị đã tiếp nhận gần 3.000 trường hợp đến khám, tăng 20-30% so với trước Tết.

Các bệnh chủ yếu là rối loạn chuyển hóa (tiểu đường, tăng mỡ máu, bệnh gút), các bệnh về đường ruột, tiêu hóa gan mật (bệnh gan do rượu, viêm loét dạ dày, tá tràng) và đặc biệt là các biến chứng bệnh tim mạch (cơn đau thắt ngực, bệnh mạch vành, suy tim, tai biến mạch não).

Thời điểm trước, trong và sau Tết vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, tắc thận, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản liên quan đến rượu. 

Trước đó, những ngày trời lạnh sâu, Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ cấp cứu (tăng 100%) chủ yếu chuyển từ các tuyến và xung quanh bệnh viện. Do đã điều trị trước khi chuyển tuyến nên bệnh nhân đã mất đi “thời điểm vàng” trong điều trị.

Cẩn trọng với hen phế quản ở trẻ em

 Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 16 tuổi nhập viện trong tình trạng ngừng tim do lên cơn hen cấp.

Bệnh nhi N.P.A (15 tuổi, Thái Bình) được bệnh viện tuyến tỉnh chẩn đoán hen phế quản từ lúc 7 tuổi, tuy nhiên trẻ không điều trị dự phòng. Năm 2019, trẻ đến khám lại 1 lần ở Khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trẻ được đo chức năng hô hấp, thực hiện test lẩy da với các dị nguyên hô hấp và chẩn đoán xác định trẻ mắc hen phế quản chưa kiểm soát.

Các bác sĩ chuyên khoa đã kê đơn điều trị dự phòng và có phác đồ theo dõi chuẩn xác nhưng bệnh nhi không tuân thủ điều trị, không khám lại, tự sử dụng các thuốc giãn phế quản, khi lên cơn hen cấp theo đơn cũ.

Một tuần trước, trẻ ho nặng kèm theo khó thở, tuy nhiên chỉ ở nhà sử dụng thuốc xịt và thuốc khí dung cắt cơn hen cấp. Tuy nhiên, cơn hen cấp vẫn diễn biến nặng, không đáp ứng với các thuốc xịt và khí dung ventoline.

Hen ở trẻ em chủ yếu thuộc tuýp hen dị ứng, thường đáp ứng tốt với các thuốc điều trị dự phòng như corticosteroid dạng hít (ICS) hoặc corticosteroid dạng hít phối hợp với thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (ICS-LABA).

Hen phế quản trẻ em là bệnh lý đường hô hấp đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường thở, gây co thắt phế quản, phù nề và tăng tiết dịch nhầy làm cho trẻ khó thở. Bệnh hen nếu không được quản lý có thể gây nên các cơn hen cấp nguy hiểm.

TS. Lê Quỳnh Chi, Trưởng Khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, với mỗi bệnh nhi, các bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị cụ thể cho người bệnh theo giai đoạn và tình trạng bệnh.

Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám định kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá về chức năng hô hấp, đánh giá tình trạng kiểm soát hen, đồng thời nghe chuyên gia y tế tư vấn cho gia đình những căn nguyên thường gặp gây cơn hen cấp.

Mọi người có thể giúp con mình tránh khỏi nguy hiểm, bảo tồn chức năng phổi và nâng cao chất lượng cuộc sống của bé nếu chăm sóc đúng cách.

Cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan sử dụng theo đơn thuốc cũ hoặc tự thay đổi phác đồ điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, khiến tình trạng bệnh của trẻ ngày càng chuyển biến nặng.

Để đạt được kiểm soát thật tốt bệnh hen cha mẹ nên giúp con tuân thủ điều trị các thuốc dự phòng để ổn định bệnh, giảm tần suất lên cơn hen cấp và giữ chức năng phổi tốt.

Cần bảo đảm chất lượng môi trường, vệ sinh nhà cửa, trường học, lớp học để tránh những căn nguyên gây khởi phát cơn hen ở trẻ. Ngoài ra cha mẹ cũng cần biết cách xử trí khi con lên cơn hen cấp và đưa trẻ tái khám sớm hơn để được các bác sĩ đánh giá lại.

Mổ cắt khối u thận đa nang "khổng lồ" 2,8kg

Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa cho biết, Khoa Tiết niệu của bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 49 tuổi (Hà Nội) vào viện với triệu chứng đái máu kéo dài và đau vùng thắt lưng phải kéo dài hơn 1 tháng, tiền sử thận đa nang bẩm sinh 2 bên phát hiện nhiều năm, suy thận mạn giai đoạn cuối đã lọc máu chu kì 2 lần/ tuần.

Bác sĩ khám thấy bụng to căng chắc cả 2 bên, bên phải to hơn, ấn đau bên phải, thể trạng yếu, hội chứng thiếu máu, hình ảnh CT Scan hệ tiết niệu cho thấy thận bên phải có hình ảnh chảy máu trong nang, kích thước thận lớn 15 cm. Soi bàng quang có máu đỏ phun từ thận phải.  

Các bác sỹ đã hội chẩn và có chỉ định phẫu thuật. Ca phẫu thuật tiến kéo dài 60 phút, kích thước khối u lấy ra hơn 30 cm, nặng 2,8kg. Sau 7 ngày, bệnh nhân ổn định, ăn uống sinh hoạt bình thường, chuyển khoa lọc máu theo chu kì.

BS Trần Đức Dũng, Khoa Tiết niệu cho biết, cắt thận phải đa nang khổng lồ là phẫu thuật khó, đòi hỏi tỉ mỉ, tránh làm tổn thương ruột và hạn chế chảy máu, việc cầm máu trong mổ rất quan trọng vì sau khi lấy thận sẽ là 1 khoang trống rộng lớn, rất dễ chảy máu thứ phát khi bệnh nhân chạy thận nhân tạo sau mổ ngày thứ 2”.

BS cũng khuyến cáo, với người bệnh bị thận đa nang nên khám sức khỏe thường xuyên theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa thận để kiểm soát huyết áp, chế độ ăn ít muối, ít protein, uống đủ nước, uống thuốc kháng sinh khi có nhiễm khuẩn. Đặc biệt cân nhắc ghép thận trong tương lai.  

Bệnh thận đa nang là bệnh di truyền, có 2 loại: Di truyền theo tính trạng lặn hoặc trội. Bệnh di truyền theo tính trạng trội thường khởi phát bệnh ở tuổi trung niên, còn theo tính trạng lặn thường khởi phát ở tuổi thiếu niên.

Tuy nhiên, khởi phát bệnh thường là người lớn biểu hiện lâm sàng thường xuất hiện sau 30-40 tuổi, rất ít gặp khởi phát bệnh khi còn nhỏ.

Bệnh thận nang có thể kết hợp với nang gan cùng các bất thường tim mạch và thường dẫn tới suy thận giai đoạn cuối. Vì vậy, việc hiểu biết về bệnh và biết cách đề phòng biến chứng nguy hiểm là vô cùng quan trọng. Việc chẩn đoán dựa vào siêu âm ổ bụng, CT Scan và MRI.

Cảnh báo nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch nguy hiểm
Chỉ trong vòng 1 tuần, các y, bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận hàng chục ca bệnh tim mạch liên quan tới động mạch chủ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư