Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 4/4: Số ca mắc thủy đậu, tay chân miệng tại Hà Nội tăng; TP.HCM triển khai đấu thầu thuốc tập trung
D.Ngân - 04/04/2023 09:52
 
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, từ ngày 24 đến 31/3, tại Hà Nội ghi nhận 8 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 9 ca so với tuần trước đó).

Hà Nội: Số ca mắc thuỷ đậu, tay chân miệng tăng

Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã có 197 ca mắc sốt xuất huyết (gấp hơn 19 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 26/30 quận, huyện, thị xã; 124/579 xã, phường, thị trấn.

Thành phố cũng ghi nhận 1 ổ dịch sốt xuất huyết mới với 3 ca bệnh tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố ghi nhận 9 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 1 ổ dịch đang hoạt động.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đề nghị các đơn vị trong ngành tiếp tục chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, đồng thời chủ động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy một cách triệt để, có hiệu quả.

Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 63 ca tay chân miệng (tăng hơn 1,8 lần so với tuần trước đó). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã ghi nhận 248 ca mắc tay chân miệng (trong khi cùng kỳ năm ngoái có 2 ca).

Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận 4 ổ dịch tay chân miệng ở trường mầm non, trong đó có 2 ổ dịch trên địa bàn quận Hoàng Mai (mỗi ổ 2 ca bệnh), 1 ổ dịch tại huyện Đan Phượng với 2 ca bệnh; 1 ổ dịch tại huyện Thạch Thất với 10 ca bệnh. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay thành phố ghi nhận 8 ổ dịch tay chân miệng, hiện còn 4 ổ dịch đang hoạt động.

Về tình hình dịch thuỷ đậu, từ ngày 24 đến 31/3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 166 ca mắc thủy đậu (tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó). Đặc biệt, xuất hiện một số chùm ca bệnh tại các trường mầm non, tiểu học.

Cụ thể, chùm ca bệnh tại Trường Mầm non Chu Minh, huyện Ba Vì với 12 trường hợp mắc thủy đậu; Trường Mầm non Trung tâm xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ có 9 trường hợp; Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì có 20 trường hợp; Trường Mầm non Hạ Bằng, huyện Thạch Thất có 12 trường hợp.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 800 ca mắc thủy đậu (trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 11 ca) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dự báo, thời tiết giao mùa như hiện nay, bệnh thủy đậu thường có xu hướng gia tăng. Do đó, số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Để phòng, chống bệnh thủy đậu hiệu quả, theo bác sĩ Phùng Quốc Toán, người dân cần đưa trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên tiêm vắc xin phòng bệnh. Bên cạnh đó, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày để tránh lây lan trong cộng đồng.

Người dân cũng cần chú ý thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, trường học. Khi trẻ có những biểu hiện sốt, mẩn nốt, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Dự báo, trong thời gian tới có thể vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã. Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tăng cường theo dõi sát tình hình, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

TP.HCM: Triển khai đấu thầu thuốc tập trung thay cho các trung tâm y tế quận, huyện tự đấu thầu

Bên cạnh các giải pháp giúp đổi mới hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình như cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường nhân lực chuyên môn cho trạm y tế, kết nối từ xa giữa các bác sĩ của trạm y tế với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện thành phố để được tư vấn, hỗ trợ chuyên môn, tập huấn chương trình WHO PEN cho các bác sĩ trạm y tế,…

Sở Y tế quyết tâm triển khai đấu thầu tập trung mở rộng hướng về y tế cơ sở nhằm tăng cường cơ số thuốc cho các trạm y tế, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế mở rộng danh mục thuốc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) dành cho trạm y tế.

Hiện nay, thuốc dùng cho tuyến y tế cơ sở bao gồm các phòng khám của trung tâm y tế quận/huyện, trạm y tế phường, xã trên địa bàn Thành phố được cung ứng từ nguồn thuốc phân bổ từ gói thầu tập trung cấp quốc gia, tập trung cấp địa phương (đấu thầu tập trung của Thành phố) và gói thầu do các trung tâm y tế quận/huyện tự tổ chức thực hiện.

Vừa qua, Phòng Nghiệp vụ Dược - Sở Y tế đã tổ chức đoàn đánh giá thực tế tình hình cung ứng thuốc tại các trạm y tế trên địa bàn đối với các trạm y tế đã được BHXH Thành phố ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.

Kết quả khảo sát cho thấy có sự khác biệt khá rõ về số loại thuốc được cung ứng đến các trạm y tế, sự khác biệt này tuỳ thuộc vào năng lực đấu thầu của các Trung tâm y tế quận/huyện, có thể chia làm 3 nhóm như sau: (1) Các trung tâm y tế hai chức năng (Cần Giờ, quận 3, quận 5, quận 10) có năng lực tự đấu thầu và cung ứng tương đối đủ thuốc cho các trạm y tế; (2) Các trung tâm y tế có hoạt động khám chữa bệnh ban đầu khá ổn định (Tân Phú, Cần Giờ, Tân Bình, Gò Vấp…) đã cung ứng được tương đối đủ thuốc cho nhu cầu; (3) Tuy nhiên, hầu hết các trung tâm y tế còn lại đang gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc.

Về nguyên nhân khó khăn trong công tác cung ứng cho trạm y tế, đoàn khảo sát ghi nhận như sau: một số trạm y tế do người dân đến khám chữa bệnh BHYT tại trạm còn ít nên nhu cầu sử dụng thuốc không nhiều…, năng lực thực hiện mua sắm đấu thầu thuốc của Trung tâm y tế còn yếu, và khó khăn trong dự báo nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong quá trình củng cố hệ thống y tế cơ sở sau đại dịch…

Bên cạnh nhóm bệnh thông thường hay gặp, nhóm các bệnh không lây nhiễm (đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi mạn tính, ung thư) đã được Sở Y tế xác định là ưu tiên cho công tác chăm sóc sức khoẻ người dân tại các trạm y tế vì đây là nhóm bệnh khá phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu tính trong dân số (chiếm 70% trong số tử vong của dân số).

Mở rộng danh mục thuốc khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế, nhất là các thuốc điều trị ngoại trú cho các bệnh không lây nhiễm là một yêu cầu vừa mang tính khoa học vừa mang tính thực tiễn.

Một khảo sát nhanh trước đó của Sở Y tế cho thấy hơn 80% người dân mắc các bệnh không lây nhiễm đều muốn được tái khám và nhận thuốc tại các trạm y tế thay vì phải mất nhiều thời gian và công sức đến các bệnh viện, nhưng với điều kiện là các trạm y tế có đủ thuốc giống như khi lãnh thuốc tại bệnh viện.

Ngoài ra, các đơn vị trong quá trình hoạt động và dự kiến phát triển của đơn vị, có thể bổ sung các loại thuốc khác cần thiết theo mô hình hoạt động, theo cơ cấu bệnh tật của người dân trên địa bàn quản lý, phù hợp phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế … để xây dựng nhu cầu mua sắm thuốc.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 20/2022/TT-BYT về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Theo đó, nhiều thuốc đã được bổ sung, là tiền đề vững chắc để đảm bảo quyền lợi về thuốc cho người bệnh bảo hiểm y tế khi đến điều trị bệnh lý mạn tính tại trạm y tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số thuốc cần thiết cho nhóm bệnh hen phế quản và COPD vẫn chưa có trong danh mục thuốc dùng cho trạm y tế, Sở Y tế tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế sớm mở rộng danh mục thuốc cho nhóm bệnh này.

Nhằm mục tiêu cung ứng đầy đủ thuốc thiết yếu cho trạm y tế, đảm bảo có sự tương đồng với danh mục thuốc tuyến trên, qua đó người bệnh có thể được quản lý điều trị tại trạm y tế sau khi được chẩn đoán và điều trị ổn định tại bệnh viện, Sở Y tế đang đề xuất UBNDTP cho phép bổ sung các thuốc dung tại trạm y tế vào danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương.

Việc đấu thầu tập trung cấp địa phương với danh mục thuốc mở rộng khi được triển khai sẽ giải quyết cơ bản các khó khăn gặp phải do thiếu nhân lực đấu thầu của các trung tâm y tế quận/huyện.

Hà Nội: Triển khai kế hoạch phòng, chống tác hại của rượu, bia

Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành y tế và người bệnh về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe, xã hội và kinh tế, Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 1350/KH-SYT về phòng, chống tác hại (PCTH) của rượu, bia năm 2023.

Kế hoạch đặt chỉ tiêu 100% các đơn vị trực thuộc ngành y tế tổ chức tuyên truyền, phổ biến luật và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật PCTH của rượu, bia.

100% các đơn vị đưa quy định thực thi Luật PCTH của rượu, bia vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện. 100% cán bộ y tế nghiêm túc thực hiện đúng quy định của luật  và các văn bản hướng dẫn thi hành, vận động tuyên truyền gia đình, người thân, nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa, hạn chế hoặc không uống rượu, bia trong việc cưới, tang, lễ hội trên địa bàn dân cư.

Trên 90% cơ sở y tế trong ngành thực hiện tư vấn về tác hại của rượu, bia; sàng lọc, phát hiện sớm và can thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tại cộng đồng; điều trị can thiệp, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh, rối loạn chức năng có liên quan đến uống rượu, bia; phòng, chống nghiện, tái nghiện và chăm sóc sức khỏe cho người nghiện rượu, bia tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

Nội dung thực hiện, các cơ quan, đơn vị căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ để đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng về PCTH của rượu, bia và thực hiện các quy định trong Luật PCTH của rượu, bia.

Thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo về PCTH của rượu, bia hoặc lồng ghép hoạt động PCTH rượu, bia trong nhiệm vụ của các ban, ngành, đoàn thể của cơ quan, đơn vị. Phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm Luật PCTH của rượu, bia, Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 10/3/2023 của UBND TP Hà Nội về PCTH của rượu, bia trên địa bàn thành phố đến toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động ngành y tế.

Các cơ quan, đơn vị đưa quy định cấm uống rượu, bia tại nơi làm việc; không uống rượu, bia ngay trước, trong thời gian làm việc và nghỉ giữa giờ làm việc; trước và trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, làm tiêu chuẩn xét thi đua, khen thưởng của các tập thể, cá nhân; tăng cường thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định; giám sát việc thực hiện; ký cam kết giữa cơ quan, đơn vị với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc thực hiện nghiêm quy định của luật.

Phối hợp với các ban ngành trong việc tuyên truyền triển khai các chương trình, hoạt động, mô hình PCTH của rượu, bia tại cộng đồng, trong trường học, nơi làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan tăng cường biện pháp kiểm soát, kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm đối với rượu, bia sản xuất trong nước, nhập khẩu và biện pháp phòng, chống rượu, bia nhập lậu, rượu bia giả không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thi hành luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCTH của rượu, bia tai các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố. Các đơn vị tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát các quy định về PCTH của rượu, bia trong cơ quan, đơn vị thuộc trách nhiệm quản lý. Kiên quết áp dụng biện pháp xử phạt cá nhân và cơ sở y tế vi phạm theo quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 15/11/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Cảnh báo bệnh thủy đậu vào mùa
Thời điểm này ở Hà Nội độ ẩm trong không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây bệnh thủy đậu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư