Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 6/12: Cảnh báo tai nạn tại các công trình xây dựng
D.Ngân - 06/12/2023 10:56
 
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vừa tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân bị tai nạn lao động do thanh sắt đâm vào người.

Cảnh báo tai nạn lao động

Tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, nạn nhân là một nam thanh niên 26 tuổi, ngã từ giàn giáo cao gần 2 mét xuống, bị thanh sắt hàng rào dài 1.7 mét đâm xuyên từ hạ sườn phải lên ngực trái.

Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang phẫu thuật cho bệnh nhân bị tai nạn.

Ngay sau tai nạn, nạn nhân được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, với thanh sắt giữ nguyên vị trí, trong tình trạng nhợt nhạt, khó thở nhiều, hô hấp phổi trái mất toàn bộ.

Bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ: vết thương thấu bụng ngực do tai nạn lao động gây suy hô hấp, suy tuần hoàn. Các bác sĩ tại đây đã tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân.

Diễn biến sau mổ của bệnh nhân thuận lợi, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, huyết động ổn định, rút ống nội khí quản, tự thở tốt ngay sáng ngày hôm sau.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nam thanh niên ở huyện Thường tín (Hà Nội) bị ngã vào thanh sắt ở đầu cọc bê tông tại công trường xây dựng từ đêm, nhưng không ai phát hiện, nên đến sáng mới được người dân đưa đi cấp cứu.

Khi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang sáng 4/12, anh N.T.V, (SN 1988, trú tại Thường Tín, Hà Nội) rơi vào tình trạng sốc, đau nhiều do bị thanh sắt dài khoảng 40cm đâm từ vùng bẹn xuyên qua bờ trên khớp háng ra sau mông.

Toàn bộ kíp trực ngoại đã hội chẩn cấp cứu và tiến hành mổ khẩn cấp. Hai kíp phẫu thuật bố trí song song để xử lý tổn thương mạch máu ở vùng bẹn và đùi, đồng thời bảo vệ dây thần kinh và bao khớp phía sau.

Sau hơn 1h phẫu thuật, thanh sắt đã được rút ra, các mảnh rỉ sắt và các dị vật được lấy bỏ toàn bộ. Đến sáng 5/12, theo TS. Trần Trung Kiên, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh nhân đã thoát khỏi nguy hiểm, dự kiến khoảng 2 tuần nữa có thể xuất viện.

Với các trường hợp bệnh nhân bị tổn thương như trên, điều quan trọng là phải sơ cứu đúng cách, cố định tốt dị vật trong quá trình di chuyển bệnh nhân để các bác sĩ có thể xử trí tốt hơn, tuyệt đối không được tự ý rút bỏ các dị vật vì có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

“Bên cạnh đó cũng rất mong các công trường xây dựng cần có các biển báo, rào chắn cẩn thận để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc", TS. Kiên cho biết.

Dịch tay chân miệng có dấu hiệu khác thường

Thống kê cho thấy, tại 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam ghi nhận 124.345 ca mắc bệnh tay chân miệng, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, số ca mắc tay chân miệng ghi nhận tại TP.HCM là 44.467 ca, chiếm 35,7%. Như vậy, bệnh nhi tay chân miệng từ các tỉnh, thành phố khác đến thành phố điều trị chiếm 64,3%.

Còn theo số liệu từ 3 bệnh viện Nhi của TP.HCM, trong giai đoạn có ca tay chân miệng tăng cao ở khu vực phía Nam từ ngày 1/8 đến ngày 31/10/2023, thành phố tiếp nhận điều trị cho 4.392 trẻ có địa chỉ tại các tỉnh, thành phố khác, chiếm gần 70% số ca tay chân miệng nhập viện điều trị.

Theo Sở Y tế TP.HCM, diễn biến bệnh tay chân miệng năm nay khác biệt so với các năm trước đây. Nếu như các năm trước, dịch sau khi đạt đỉnh sẽ giảm dần sau đó.

Trong năm 2023, dịch bệnh tay chân miệng đạt đỉnh vào tuần 23-31 rồi giảm chậm, sau đó tăng lại vào các tuần 41-43. Sau tuần 43, tình hình dịch tiếp tục giảm chậm, nhưng số ca mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Nhận định tình hình dịch còn kéo dài, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các tỉnh thành khu vực phía Nam tiếp tục tăng cường hoạt động phòng chống dịch bệnh. Sở y tế các tỉnh, thành cần nâng cao năng lực điều trị tại địa phương, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh để bệnh nhi có thể được điều trị sớm nhất và thuận tiện nhất.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cũng lưu ý tăng cường truyền thông đến người dân về khả năng tiếp nhận điều trị bệnh tay chân miệng của bệnh viện tuyến tỉnh để người dân an tâm điều trị tại địa phương.

Nỗ lực giữ song thai cho sản phụ K vú

Mang trong mình căn bệnh ung thư vú đã điều trị cách đây 3 năm, tiền sử vô sinh 13 năm kết hôn không có con, nhiều lần vay mượn để làm IVF không thành công, chị Nguyễn Thị T., 38 tuổi đôi lúc mất hết niềm tin, hy vọng vào cuộc sống.

Sau nhiều năm tháng chờ đợi mong ngóng có con, khi thực hiện IVF thành công và những tuần giữa thai kỳ thì phát hiện có dấu hiệu bệnh đã tái phát, di căn, sản phụ Nguyễn Thị T. quê tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã nhập viện Bệnh viện K theo dõi, điều trị và kiên trì đến giây phút cuối cùng với hy vọng con ở trong bụng mẹ thêm được ngày nào thì tốt ngày đó.

Đến nay thai đã sang tuần 34, trước diễn biến phức tạp của bệnh nhân, sáng ngày 5/12, ekip các bác sĩ bệnh viện K, bệnh viện Phụ sản Trung ương đã quyết định mổ bắt con cho thai phụ.

Hai em bé gái song sinh nặng 1800gram chào đời trong cảm xúc vỡ òa của người mẹ khát khao mong ngóng con, dù phía trước là hành trình rất dài chị T. cần cố gắng vượt qua.

Trường hợp của chị T. là câu chuyện đầy xúc động về tình mẫu tử, nhưng dưới góc nhìn chuyên môn, các bác sỹ Bệnh viện K khuyến cáo với chị em đã điều trị ung thư, trong thời gian sau điều trị nên theo dõi sức khỏe của bản thân, tái khám đúng hẹn và đặc biệt là trao đổi với bác sỹ chuyên khoa ung bướu về nguyện vọng của bản thân để từ từng cá thể bác sỹ sẽ thăm khám, tư vấn và phối hợp các chuyên khoa khác đưa ra cho bạn lời khuyên hữu ích nhất đảm bảo về khoa học và ý nghĩa nhân văn. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư