Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 6/5: Hà Nội công bố kết quả giải trình tự gen SARS-CoV-2
D.Ngân - 06/05/2023 09:01
 
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần (từ ngày 29/4 đến 5/5), kết quả giải trình tự gen của 36 mẫu bệnh phẩm nhiễm virus SARS-CoV-2 cho thấy, 100% mẫu thuộc chủng Omicron, trong đó biến thể XBB.1.5 chiếm ưu thế (44,8%).

Như vậy, tính từ đầu tháng 4/2023 cho đến nay, Hà Nội đã lấy 58 mẫu bệnh phẩm nhiễm virus SARS-CoV-2 (gồm 40 mẫu bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, 18 mẫu cộng đồng) để tiến hành giải trình tự gen.

 Kết quả giải trình tự gen của 36 mẫu bệnh phẩm nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Hà Nội cho thấy, 100% mẫu thuộc chủng Omicron, trong đó biến thể XBB.1.5 chiếm ưu thế (44,8%).

Kết quả cho thấy, 100% mẫu thuộc chủng Omicron. Trong đó có 26 mẫu XBB.1.5 (chiếm tỷ lệ 44,8%), 11 mẫu XBB.1.9.1 (chiếm 19%), 10 mẫu XBB.1.11.1 (chiếm 17,2%), 4 mẫu XBL (chiếm 6,9%), 3 mẫu XBB.1.9.2 (chiếm 5,2%), 1 mẫu XBB.1.16 (chiếm 1,7%), 1 mẫu XBB.1.16 (chiếm 1,7%), 1 mẫu XBB.2.3 (chiếm 1,7%), 1 mẫu XBB.1.3.5 (chiếm 1,7%).

Trong tuần từ ngày 29/4 đến 5/5, trên địa bàn TP. Hà Nội ghi nhận 2.695 ca mắc Covid-19, tương đương so với tuần trước.

Theo Sở Y tế Hà Nội hiện các biến chủng qua giải trình tự gen tại Hà Nội cũng tương đồng như thế giới và cũng chưa có bằng chứng về sự gia tăng độc lực của các biến chủng mới. Các triệu chứng bệnh đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng nhưng khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng cũ.

Thời gian tới, TP tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát biến chủng của virus SARS-CoV-2. Cụ thể, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen.

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà, quản lý chặt chẽ đối tượng nguy cơ cao khi mắc Covid-19 để chuyển viện kịp thời, tránh để bệnh nặng mới chuyển viện.

Đồng thời, tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhóm đối tượng người từ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm chủng theo hướng dẫn và triển khai tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi khi có phân bổ vắc-xin của Bộ Y tế.

Tăng 40 lần số ca mắc thủy đậu tại Hà Nội

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhẹ, còn số ca tay chân miệng và thuỷ đậu đều giảm so với tuần trước đó. Tuy nhiên, con số này vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, Hà Nội ghi nhận 5 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 2 ca so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, TP đã có 232 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chưa có ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 27/30 quận, huyện, thị xã; 138/579 xã, phường, thị trấn.

Đối với bệnh tay chân miệng, trong tuần ghi nhận 35 ca mắc, giảm 6 ca so với tuần trước đó. 

Cộng dồn từ đầu năm đến nay TP đã ghi nhận 506 ca mắc tay chân miệng, tăng gấp 23 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chưa có ca tử vong. 

Về bệnh thuỷ đậu, trong tuần có 35 ca mắc, giảm 32 ca so với tuần trước đó. Tính từ đầu năm cho đến nay, Hà Nội có 1.385 ca mắc thuỷ đậu, tăng hơn 40 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chưa có ca tử vong.

Ngoài ra, các dịch bệnh khác như: Dại, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, viêm não Nhật Bản, liên cầu khuẩn lợn, uốn ván, trong tuần qua không ghi nhận ca mắc.

Theo CDC Hà Nội, trong thời gian tới, thành phố vẫn tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng, chống dịch, sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra. 

Cùng với đó, điều tra, xử lý triệt để các ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để dịch lây lan. Riêng với sốt xuất huyết, tiếp tục giám sát các ổ dịch cũ tại huyện Đan Phượng và huyện Thạch Thất.

Sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung khi khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ

Ngày 5/5, Bộ Y tế ban hành Thông tư 09/2023/TT-BYT (Thông tư 09) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 14/2013/TT-BYT (Thông tư 14) ngày 6/5/2013 của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe.

Theo đó, Thông tư 09 đã bổ sung việc khám chuyên khoa phụ sản đối với lao động nữ kèm theo mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ theo quy định mới. Cụ thể, tại sổ khám sức khỏe định kỳ, có danh mục tiền sử sản phụ khoa.

Danh mục khám chuyên khoa phụ sản trong khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ cũng được cụ thể hóa. Đặc biệt, trong danh mục này, lao động nữ còn được sàng lọc ung thư cổ tử cung, phát hiện sớm các tổn thương cổ tử cung. Ngoài ra, lao động nữ cũng được sàng lọc ung thư vú.

Theo Vụ Sức khỏe, bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành quy định, hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động và khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản.

Tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động cũng nêu rõ, khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành”. 

Nghị định này cũng phân công Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ.

Trước đó, Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 6/5/2013 của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe, trong đó có ban hành danh mục khám các chuyên khoa, chưa có danh mục khám chuyên khoa phụ sản. Do đó, việc bổ sung khám chuyên khoa phụ sản như Thông tư 09 rất hữu ích, bảo đảm được quyền lợi của lao động nữ.

Tin mới về dịch bệnh ngày 13/5: Nhiều vắc-xin mới về Việt Nam; Dừng xét nghiệm SARS-CoV-2 khi nhập cảnh
Hãng dược hàng đầu thế giới GSK cam kết cung ứng vắc-xin số lượng lớn và đưa thêm nhiều vắc-xin mới về Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư