Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 8/10: Kiểm soát kinh doanh oxy y tế; Cảnh báo lạm dụng tiêm giảm đau
D.Ngân - 08/10/2023 08:57
 
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM và các cơ sở sản xuất, kinh doanh oxy y tế về việc tăng cường quản lý đối với oxy y tế.

Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về khí oxy y tế

Theo Bộ Y tế, thời gian vừa qua, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh khí oxy y tế đã tích cực tham gia chuỗi cung ứng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu khí oxy y tế đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ công tác khám chữa bệnh của nhân dân, cũng như công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Bộ Y tế kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về khí oxy y tế.

Để chủ động đảm bảo kịp thời cung ứng đầy đủ khí oxy y tế đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định; đồng thời ngăn chặn, phòng ngừa việc sản xuất, buôn bán và sử dụng khí oxy không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đạt tiêu chuẩn chất lượng được dùng trong y tế, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải lập kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo cung ứng đủ khí oxy y tế đạt tiêu chuẩn chất lượng cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; tuyệt đối không được sản xuất, kinh doanh khí oxy y tế không đúng quy định.

Thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo và chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở sử dụng khí oxy y tế về công tác quản lý, thực hiện đúng các quy định hiện hành về sản xuất, kinh doanh, lưu thông phân phối, sử dụng khí oxy y tế. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh khí oxy y tế trên địa bàn. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Đối với Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, Bộ Y tế yêu cầu xây dựng kế hoạch lấy mẫu, sẵn sàng nhân lực, chất chuẩn, thiết bị và phương pháp phân tích để kiểm tra chất lượng khí oxy y tế đạt tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam và các Dược điển tham chiếu.

Cùng đó hướng dẫn, phối hợp với các Trung tâm kiểm nghiệm các tỉnh, thành phố thực hiện lấy mẫu, kiểm tra chất lượng đối với khí oxy y tế trên địa bàn.

Bộ Y tế yêu cầu Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM báo cáo kịp thời với Bộ Y tế (qua Cục Quản lý Dược) kết quả kiểm tra chất lượng trong trường hợp mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Về phía các cơ sở sản xuất, kinh doanh khí oxy y tế cần triển khai, duy trì việc đáp ứng các tiêu chuẩn trong toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo quản theo đúng quy định.

Thực hiện hệ thống quản lý để đảm bảo xác định được nguồn gốc xuất xứ, xác định được cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh, sử dụng trong chuỗi cung ứng.

Kiểm tra chặt chẽ chất lượng trong quá trình sản xuất, chỉ đưa ra lưu hành, phân phối, sử dụng khí oxy y tế đạt tiêu chuẩn chất lượng; khuyến khích các cơ sở tăng cường các biện pháp chống làm giả như sử dụng mã vạch, QR code...

Cùng đó rà soát kế hoạch sản xuất, chủ động bổ điều chỉnh nguồn cung ứng sung đảm bảo duy trì cung ứng đủ khí oxy y tế cho nhu cầu phòng, chữa bệnh; Báo cáo kịp thời khó khăn, vướng mắc về Bộ Y tế (qua Cục Quản lý Dược) để hỗ trợ xử lý.

200.000 người Việt tử vong vì bệnh tim mạch mỗi năm

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch. Số ca tử vong do các bệnh tim mạch cao hơn cả tử vong do ung thư, hen phế quản và đái tháo đường cộng lại.

Theo các chuyên gia, mô hình bệnh tật ngày càng có sự thay đổi. Lối sống công nghiệp, ô nhiễm môi trường, thừa cân, béo phì... đã khiến con người phải đối mặt với mô hình bệnh tật, đó là các bệnh không lây nhiễm, bệnh nội tiết, bệnh ung thư và đặc biệt là các bệnh lý tim mạch.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Trên thế giới, năm 2021, Covid-19 là nguyên nhân tử vong xếp hàng thứ 3, tử vong do tim mạch đứng đầu.

Tuy vậy một tín hiệu vui là hiện làm chủ rất nhiều kỹ thuật hiện đại trong tim mạch, tương đương các nước trên thế giới. Theo đó, với việc áp dụng các kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực tim mạch, các cập nhật về điều trị  giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn, giúp giảm chi phí điều trị.

Điều này mang đến trải nghiệm nhẹ nhàng cho bệnh nhân, bởi dù phải thực hiện các kỹ thuật can thiệp chuyên sâu nhưng người bệnh không phải nằm viện lâu.

PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đánh giá, tay nghề của bác sĩ Việt Nam trong lĩnh vực tim mạch cập nhật tốt các kỹ thuật hiện đại của thế giới.

Các bác sĩ Việt Nam không những có khả năng hòa nhập với sự phát triển của y học thế giới mà còn có thể tìm ra hướng đi mới, đóng góp cho sự phát triển của tim mạch học thế giới nói chung và tim bẩm sinh nói riêng.

Để phòng ngừa các bệnh tim mạch các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người cần thực hiện lối sống lành mạnh, hạn chế ăn đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, tăng cường rau xanh, trái cây, vận động đều đặn mỗi ngày, kiểm soát các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, đái tháo đường... để phòng ngừa bệnh tim mạch.

Lạm dụng tiêm giảm đau cột sống, một bệnh nhân nguy cơ liệt suốt đời

Thông tin từ các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, cơ sở vừa tiếp nhận một bệnh nhân vào viện vì đau bụng, bụng chướng dần, có biểu hiện nhiễm trùng đã được điều trị kháng sinh. Tuy nhiên, tình trạng đau bụng có xu hướng tăng dần.

Qua thăm khám và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, xác định bệnh nhân bị phình hình túi động mạch chủ bụng dưới thận nên cần phải phẫu thuật.

Phẫu thuật thắt động mạch chủ bụng và làm cầu nối ngoài giải phẫu khác so với phẫu thuật phình động mạch chủ bụng thông thường là chỉ cần thay đoạn mạch. Phẫu thuật này có rất nhiều nguy cơ như nhiễm trùng tái phát, tắc cầu nối sau vài năm và tăng tỷ lệ tử vong của bệnh nhân.

Như vậy việc tiêm giảm đau vào cột sống khiến bệnh nhân này đối mặt với nguy cơ tử vong và di chứng suốt đời. Hiện tại, sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, nhiễm trùng được kiểm soát, các cầu nối thông tốt.

Tuy nhiên bệnh nhân còn phải sử dụng kháng sinh dài ngày với nguy cơ nhiễm trùng tái phát bất kỳ lúc nào. Kèm theo đó là nguy cơ tắc cầu nối gây thiếu máu nuôi chi dưới cấp tính.

Khả năng bệnh nhân còn phải chịu một cuộc mổ nữa để lập lại lưu thông mạch chi dưới sau khi không còn tình trạng nhiễm trùng.

Trước thực tế trên, bác sĩ khuyến cáo người dân không tự ý đến các cơ sở y tế không đảm bảo hoặc tư nhân để tiêm vào các khớp nhằm mục đích giảm đau.

Đây là thủ thuật chuyên khoa phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm dưới sự định hướng của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh tại các bệnh viện lớn, có uy tín.

Tin mới về Covid-19 ngày 17/12: Nâng khả năng sản xuất, cung ứng ô-xy y tế; yêu cầu thần tốc tiêm vắc-xin
Trước việc số ca mắc Covid-19 tăng cao, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tăng cường sản xuất, cung ứng ô-xy y tế phục vụ phòng, chống dịch.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư