Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 8/9: Tiêm ngừa mỗi năm để chủ động phòng bệnh cúm mùa
D.Ngân - 08/09/2022 08:53
 
Hội Y học Dự phòng Việt Nam và Sanofi-Aventis vừa phối hợp tổ chức hội thảo “Cập nhật diễn biến cúm mùa & biện pháp phòng bệnh”.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, dù cúm mùa vẫn nằm trong sự kiểm soát của ngành y tế nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, sự gia tăng số ca nhiễm cúm giữa mùa hè tại các tỉnh phía Bắc đã trở thành nỗi lo ngại “dịch chồng dịch” trong cộng đồng.

Nguyên nhân dẫn đến bất thường của số ca mắc cúm thời gian qua, giới chuyên gia cho rằng Việt Nam đang ở thời điểm giao mùa, độ ẩm cao tạo môi trường thuận lợi cho virus cúm hoạt động mạnh.

Cúm là bệnh hô hấp, lây qua giọt bắn, dịch tiết mũi họng, dễ lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp ở nơi đông người. Bên cạnh đó, thời điểm tựu trường cũng là lúc trẻ nhỏ, học sinh đến trường, thường xuyên tiếp xúc cộng đồng, khiến nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao.

Ảnh minh hoạ

Một nguyên nhân nữa là sự chủ quan của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh, từ đó dẫn đến lơ là phòng ngừa cúm trong sinh hoạt hàng ngày, không tiêm ngừa định kỳ để củng cố và duy trì lượng kháng thể. Từ đó dẫn đến nhiều ca biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp… phải thở máy và đối diện với nguy cơ tử vong.

Theo thống kê từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam ghi nhận 600.000-1 triệu ca cúm thường. Thời gian gần đây, tại một số địa phương, một số bệnh viện tuyến cuối ghi nhận sự gia tăng của bệnh cúm.

Virus cúm biến đổi liên tục hằng năm nên việc chủ động tiêm ngừa cúm mỗi năm một lần sẽ giúp đảm bảo độ tương thích của kháng thể với chủng virus cúm lưu hành thực tế.

Ngoài ra, người dân nên thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang khi tới nơi đông người; thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất và luyện tập thể thao để tăng cường đề kháng, nâng cao thể trạng.

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng dịch Covid-19 hữu hiệu nhất

Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng số mũi tiêm vắc-xin Covid-19 ở nước ta đến nay là 257.814.888 mũi tiêm. 

Nhóm từ 5-11 tuổi:

Tổng số mũi tiêm là 15.811.697. Trong đó mũi 1: 9.530.348 trẻ (85,2%) tăng 0,1%;

Tỉ lệ thấp: Quảng Trị (70,8%); Đà Nẵng (61%); TP. HCM (57%); BR-VT (67,5%); Bình Dương (60,6%).

Tỉ lệ cao: Bắc Giang (98,5%); Tuyên Quang (98,2%); Vĩnh Long (97,9%).

Mũi 2: 6.281.349 trẻ (56,2%) tăng 0,3%;

Tỉ lệ thấp: Đà Nẵng (21,9%); Quảng Nam (23,4%); Đắk Lắk (38,8%), TP. HCM (31%); Bình Dương (27,2%).

Tỉ lệ cao: Bắc Giang (90,6%); Sóc Trăng (94,8%); Cà Mau (86,2%).

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) là tổng số có 50.236.458 mũi tiêm (77%) tăng 0,1%, trong ngày có 32 tỉnh triển khai với 16.323 người được tiêm:

Tỉ lệ thấp: Bình Định (57,5%); Khánh Hòa (55,5%); Đồng Nai (52,8%); Đồng Tháp (58,7%); Bình Phước (58,6%).

Tỉ lệ cao: Thanh Hóa (95,7%); Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%).

Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 14.676.171 mũi tiêm (77,4%) tăng 0,3%.

Tỉ lệ thấp: Đà Nẵng (48,7%); Phú Yên (59,9%); TP. HCM (51%); Đồng Nai (55,2%); Tây Ninh (55,1%).

Tỉ lệ cao: Thanh Hoá (98,4%); Bắc Giang (99,2%); Bắc Kạn (99,1%).

Nhóm từ 12-17 tuổi:

Tiêm mũi 3: 4.660.460 trẻ (54%) tăng 0,1%.

Tỉ lệ thấp: Đà Nẵng (30,8%); Phú Yên (17,4%); BR-VT (16%); Đồng Nai (25,1%); Bình Dương (22,7%).

Tỉ lệ cao: Bắc Giang (93,5%); Kon Tum (90,1%); Sóc Trăng (91,2%).

Hà Nội: Xác thực, bổ sung thông tin dữ liệu tiêm Covid-19

Đến đầu tháng 9/2022, các đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ký xác nhận được hơn 12 triệu mũi tiêm (đạt 75,35%); hiện còn hơn 4,2 triệu mũi tiêm chưa ký xác nhận (chiếm 24,65%).

Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức truyền thông, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các trung tâm y tế, các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 cho người dân đảo bảo kịp thời, đúng quy định.

Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế phối hợp với Công an các cấp và đơn vị liên quan thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cập nhật vào nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia.

Kết quả, từ ngày 25/4 đến đầu tháng 9, toàn thành phố đã đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hơn 800.000 đối tượng lỗi về Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân.

Hiện còn 479.191 đối tượng chưa gửi sang cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do lỗi về Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân; 842.849 đối tượng sai họ tên, ngày sinh và thông tin khác cần phải “làm sạch.”

Từ nay đến cuối năm 2022, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng thực hiện rà soát, truy xuất dữ liệu chi tiết trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 về các đối tượng bị sai lệch, còn thiếu thông tin để lập danh sách, phối hợp với Công an các cấp xác thực, bổ sung thông tin.

Cập nhật các thông tin đã được xác thực, bổ sung lên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 để phục vụ kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thu hồi thuốc Pannefia-40 không đạt tiêu chuẩn chất lượng

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành văn bản số 3957/SYT/NVD về việc thu hồi thuốc Pannefia-40 do Công ty TNHH Dược phẩm Á Mỹ nhập khẩu, không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Sở Y tế thông báo thu hồi thuốc Viên nén Pannefia-40 (Pantoprazol natri 40mg), SĐK: VN-15243-12, Lô SX: BNT0321058, NSX: 12/3/2021, HD: 11/3/2024, Công ty Brawn Laboratories Ltd (India) sản xuất, Công ty TNHH Dược phẩm Á Mỹ nhập khẩu.

Mẫu thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu Tạp chất liên quan (vi phạm mức độ 2).

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hưng Lộc Phát - Đơn vị phân phối (Quầy 417 Hapu Medicenter, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) thực hiện thu hồi triệt để lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên, gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi theo quy định tại công văn số 8552/QLD-CL.

Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi thuốc Viên nén Pannefia-40 (Pantoprazol natri 40mg), SDK: VN-15243-12, L6 SX: BNT0321058, NSX: 123/2021, HD: 11/3/2024 của các đơn vị.

Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bản khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên.

Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa ban quản lý, tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đăng thông tin và phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng.

Tiêm vắc-xin cúm mùa nhằm hạn chế biến chứng nặng
Theo một số nghiên cứu, nếu một người đồng mắc cúm và Covid-19 nguy cơ với sức khỏe sẽ rất cao.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư