Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tin mới y tế 16/4: Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu
D.Ngân - 16/04/2024 09:44
 
Tăng cường phối hợp, trao đổi để chủ động tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu.

Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu

Ngày 15/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp rà soát khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu dược liệu theo Công điện số 35/CĐ-TTg ngày 10/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa.

Theo đại diện Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, sau khi nhận được công văn của UBND tỉnh Lào Cai đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xuất khẩu tinh dầu quế cho các doanh nghiệp, Bộ Y tế ban hành Công văn số 1371/BYT-QLD ngày 22/3/2024 gửi UBND tỉnh Lào Cai và các đơn vị có liên quan để hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng ban hành văn bản số 1757/BYT-QLD ngày 7/4/2024 gửi Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, Hiệp hội Tinh dầu hương liệu, mỹ phẩm Việt Nam để triển khai trên toàn quốc việc xuất khẩu tinh dầu quế.

Cũng về vấn đề này, tại cuộc họp đại diện Tổng cục Hải quan cho biết Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ xuất khẩu tinh dầu quế.

Theo đó, tại Công văn số 1584/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan tỉnh Lào Cai ngày 12/4/2024 về việc xuất khẩu tinh dầu quế, Tổng cục Hải quan nêu rõ: Trường hợp doanh nghiệp khai báo mặt hàng tinh dầu quế xuất khẩu để làm dược liệu thì thực hiện theo quy định pháp luật dược;

Trong trường hợp doanh nghiệp khai báo tinh dầu quế xuất khẩu làm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm hoặc mục đích khác thì đối chiếu quy định của pháp luật an toàn thực phẩm và các lĩnh vực liên quan để xác định chính sách quản lý tương ứng và giải quyết thủ tục theo quy định.

Tham dự cuộc họp, đại diện UBND tỉnh Lào Cai cho biết khó khăn của tỉnh Lào Cai liên quan đến việc xuất khẩu tinh dầu quế đã được tháo gỡ.

Hà Nội: Kiểm soát hiệu quả bệnh dại trên địa bàn

UBND TP.Hà Nội vừa có Công văn số 1082/UBND-KTN về công tác phòng, chống bệnh dại. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dại động vật tại các quận, huyện, thị xã.

Sở chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y tiếp tục hướng dẫn các quận xây dựng và duy trì vùng an toàn dịch bệnh dại; điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại động vật, đồng thời báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các quận, phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp quản lý đàn chó, mèo nuôi và giám sát bệnh dại động vật; phối hợp các ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội kịp thời chia sẻ thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên người theo quy định.

Tổ chức tiêm phòng và điều trị dự phòng bệnh dại đầy đủ cho người bị động vật cắn, bảo đảm đủ vắc-xin và huyết thanh kháng dại đã được cấp phép sử dụng.

Kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn.

Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng các cấp về kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh dại trên người; tập huấn, tuyên truyền cho người dân biết cách xử lý khi bị chó, mèo cắn.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tổ chức xây dựng, thực hiện ngay kế hoạch truyền thông học đường về phòng, chống bệnh dại trong hệ thống trường phổ thông theo chỉ đạo của UBND thành phố.

UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện phòng, chống bệnh dại ở động vật trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố giao.

Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên hệ thống phát thanh của địa phương về dấu hiệu nhận biết, mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại; tuyên truyền các quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh, nhất là việc tiêm vắc-xin và phòng, chống bệnh dại cho chó, mèo; thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng bệnh dại khi bị động vật, đặc biệt chó, mèo cắn.

UBND thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm việc quản lý đàn chó, mèo nuôi; cập nhật thông tin và lập sổ quản lý chó, mèo nuôi trên địa bàn theo quy định; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thành lập, duy trì, tăng cường hoạt động có hiệu quả các đội bắt chó thả rông và có cơ chế, chính sách cho đội bắt chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị.

Tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng hoặc đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ theo quy định đảm bảo tỷ lệ trên 90% tổng đàn.

Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc-xin dại; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh dại và quản lý chó, mèo nuôi.

Thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo UBND các cấp làm trưởng đoàn phối hợp với các đơn vị chuyên môn, như thú y, y tế để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại tại các địa phương, nhất là các khu vực có nguy cơ cao.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư