Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 01 năm 2025,
Tin mới y tế 6/1: Kỹ thuật mới giúp tăng cơ hội cho bệnh nhân hiếm muộn
D.Ngân - 06/01/2024 07:05
 
Đông lạnh phôi bằng kỹ thuật thủy tinh hóa Cryotec RtU mới nhất hiện nay giúp tăng tỷ lệ thành công cho các cặp vợ chồng hiếm muộn điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.

Kỹ thuật mới giúp tăng cơ hội cho bệnh nhân hiếm muộn

Trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm, đông lạnh phôi là một trong những kỹ thuật quan trọng nhất. “Đông lạnh phôi” hay còn gọi là bảo quản lạnh phôi là một quá trình làm đông lạnh và lưu trữ phôi để sử dụng sau này.

ThS.Hồ Mạnh Tường đang làm việc tại phòng lab, Bệnh viện Mỹ Đức.

Kỹ thuật đông lạnh phôi thủy tinh hóa Cryotec RtU đạt tỷ lệ phôi sống sau rã đông lên đến 100% (1), cao nhất trong tất cả các kỹ thuật đông lạnh phôi trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại.

Ưu điểm của kỹ thuật này so với các kỹ thuật cũ là đảm bảo tỷ lệ phôi sống tuyệt đối 100% sau rã đông, giúp tăng cơ hội phôi sau bảo quản có thể hồi phục và phát triển tốt, đặc biệt ý nghĩa với những phôi có chất lượng kém ban đầu, dễ bị tổn thương trong quá trình bảo quản lạnh để sử dụng về sau.

Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức (IVFMD) là trung tâm IVF tiên phong áp dụng kỹ thuật thủy tinh hóa Cryotec RtU tại Việt Nam, giúp tăng tỷ lệ thành công cho các cặp vợ chồng hiếm muộn điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.

Hiệu quả mang thai giữa phương pháp chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh là tương đương nhau. Tuy nhiên, xu hướng điều trị hiếm muộn hiện nay thường ủng hộ kỹ thuật chuyển phôi đông lạnh hơn so với chuyển phôi tươi vì những ưu điểm như thời gian để chuẩn bị lớp nội mạc tử cung hoàn hảo nhất, tạo điều kiện tối ưu để đón nhận phôi vào làm tổ;

Tăng cơ hội chuyển phôi nhiều lần với các phôi còn dư từ đó tăng tỷ lệ có thai tích lũy sau các lần chuyển phôi; cho phép sàng lọc di truyền tiền làm tổ, tăng đáng kể cơ hội mang thai thành công và sinh ra trẻ khỏe mạnh;

Hạn chế được số lần kích thích buồng trứng, giúp đảm bảo về mặt sức khỏe, có thêm thời gian chuẩn bị, thu xếp công việc, tiền bạc và cuộc sống; đông lạnh phôi rất có lợi trong các trường hợp cơ thể người phụ nữ chưa hồi phục do quá sợ hãi, lo lắng sau quá trình chọc hút trứng, tâm lý chưa ổn định;

Đồng thời giảm thiểu rủi ro mang thai của chu kỳ IVF chuyển phôi tươi như chuyển dạ sinh non, sinh con nhẹ cân; phù hợp với các trường hợp không có chỉ định chuyển phôi tươi: Nhóm bệnh nhân có nguy cơ quá kích buồng trứng, ứ dịch buồng tử cung, nội mạc tử cung quá mỏng …

ThS.Hồ Mạnh Tường, Trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức, Bệnh viện Mỹ Đức cho biết, từ tháng 12/2023, hệ thống IVFMD là trung tâm IVF đầu tiên tại Việt Nam, triển khai kỹ thuật đông lạnh phôi Cryotec RtU.

Đây là hệ thống thuỷ tinh hoá do Tiến sĩ Kuwayama người Nhật sáng chế và ngày càng được sử dụng phổ biến tại Nhật Bản và trên thế giới.

TS.Kuwayama là nhà khoa học hàng đầu thế giới hiện nay về nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thuỷ tinh hoá trong trữ lạnh phôi và noãn người. Ưu điểm của kỹ thuật thủy tinh hóa Cryotec RtU là mang lại tỷ lệ noãn và phôi sống sau rã đông đạt tuyệt đối 100%.

Hiện tại chưa có bằng chứng khoa học nào kết luận chuyển phôi đông lạnh tác động trực tiếp lên nguy cơ mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần vận động của trẻ sau sinh.

Một số báo cáo trên thế giới và ở Việt Nam gần đây cho thấy thai kỳ từ phôi đông lạnh có ít nguy cơ sinh non hơn và trẻ sinh ra ít nguy cơ nhẹ cân hơn so với các chu kỳ chuyển phôi tươi, đồng thời sự phát triển về trí tuệ và thể chất của trẻ sinh ra từ phôi đông lạnh là tương đương với chuyển phôi tươi.

Khen thưởng đột xuất ê-kíp can thiệp tim ngay trong bào thai

 Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã gọi điện động viên và biểu dương ê-kíp cũng như chúc mừng Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã phối hợp tuyệt vời, cùng tạo nên kỳ tích trong công tác khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân trong những ngày đầu năm mới 2024.

Trước đó, lãnh đạo TP.HCM đã khen thưởng đột xuất ê-kíp phẫu thuật của 2 Bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1 đã thông tim xuyên tử cung, cứu sống bào thai 32 tuần bị dị tật tim bẩm sinh nặng.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn của ê-kíp 2 bệnh viện.

Theo ông Dương Anh Đức, đây là một bước tiến mới về kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước phát triển trong khu vực, cho thấy công tác đào tạo, chất lượng chuyên môn của ngành Y tế ngày càng nâng cao, giúp TP.HCM từng bước thành trở thành Trung tâm chăm sóc sức khoẻ khu vực ASEAN.

Theo bác sĩ Trịnh Nhựt Thư Hương, Trưởng Khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện tiếp nhận thai phụ D.D.L (sinh năm 1996).

Chị L. có bào thai mắc dị tật bẩm sinh không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải, nguy cơ tử vong trong bụng mẹ. Quá trình theo dõi, bác sĩ ghi nhận bất thường, tim thai có dấu hiệu trở nặng.

Ê-kíp Bệnh viện Từ Dũ hội chẩn với Bệnh viện Nhi Đồng 1 về ca này, khi thai 32 tuần 5 ngày. Các chuyên gia nhận định, đây là ca rất phức tạp. Nếu không can thiệp bào thai để nong van động mạch phổi thì khả năng cao em bé sẽ mất trong bụng mẹ. Nếu cho sinh ngay thì khả năng thai nhi sẽ tử vong khi sinh ra, do non tháng kèm bệnh tim nặng.

Sau đó các bác sĩ kết luận, can thiệp trong bào thai bán khẩn là giải pháp phù hợp nhất và cấp bách nhằm cứu sống thai nhi trong bụng mẹ.

Sáng 4/1, ê kíp hai Bệnh viện đưa kim 18G xuyên thành tử cung người mẹ vào tim của thai nhi để chỉnh sửa các dị tật, với nỗ lực đảm bảo chính xác ở mức tuyệt đối, không một sự cố nào xảy ra trong suốt quá trình can thiệp.

Sau can thiệp thông van tim, siêu âm ghi nhận dòng chảy qua van động mạch phổi của thai nhi tốt, không tràn dịch màng ngoài tim. Thai phụ tiếp tục được hai bệnh viện phối hợp theo dõi thai kỳ.

Theo các chuyên gia, đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện kỹ thuật thông tim ngay trong bụng mẹ. Khó khăn lớn nhất là bào thai đang ở trong bụng mẹ và không nằm im, bác sĩ không thể thấy được mạch máu ở đâu.

Trước đây, những ca mắc tim bẩm sinh tương tự đều phải chờ đến khi em bé ra đời mới can thiệp được. Một số trường hợp nặng, em bé tử vong trong bụng mẹ.

Trường hợp nhẹ, em bé vẫn sinh ra được, nhưng khi ra đời tim đã bị hỏng, dù có can thiệp cũng không thể trở lại bình thường. Việc này tạo ra gánh nặng lớn về chi phí y tế cho gia đình bệnh nhi và sức khỏe của trẻ. Khi can thiệp trong bào thai, do bào thai có tế bào gốc nên có thể tự sửa chữa được.

Được biết, cơ sở sản khoa cũng đã thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp bào thai là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư