Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 11 tháng 02 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 11/2: Mỗi năm có gần 200 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
D.Ngân - 11/02/2025 10:16
 
Tính đến nay, số người tham gia bảo hiểm y tế đã tăng 13,4 lần so với năm 1995, tương ứng với hơn 94,2% dân số.

Mỗi năm gần 200 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Tỷ lệ và số người tham gia bảo hiểm y tế đã tăng nhanh, tiến gần tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Tính đến nay, số người tham gia bảo hiểm y tế đã tăng 13,4 lần so với năm 1995, tương ứng với hơn 94,2% dân số. Mỗi năm, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam xử lý gần 200 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Mỗi năm, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam xử lý gần 200 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo thống kê, hiện tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đã tăng nhanh qua các năm. Số người tham gia Bảo hiểm xã hội đã tăng 8,9 lần so với năm 1995, đạt 42,71% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã thu hút khoảng 2,311 triệu người, vượt chỉ tiêu của Nghị quyết 28 của Đảng.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã đạt trên 94% dân số, một con số ấn tượng, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mỗi năm, ngành Bảo hiểm xã hội giải quyết hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội, gần 200 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin cũng được ngành Bảo hiểm xã hội đẩy mạnh. Năm 2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một trong 7 cơ quan hoàn thành 100% phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, xếp thứ 3 trong khối các Bộ, ngành về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Những thành tựu này là minh chứng cho sự cống hiến không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ngành không chỉ tạo ra giá trị thiết thực mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy phát triển bền vững.

Những kết quả đạt được trong 30 năm qua là động lực mạnh mẽ để ngành Bảo hiểm xã hội tiếp tục đổi mới, sáng tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống an sinh xã hội vững mạnh, toàn diện và nhân văn.

Xuất hiện chùm ca bệnh sởi với 16 ca mắc tại Quảng Ninh

Theo cơ quan chức năng, một chùm ca bệnh sởi đã được ghi nhận tại khu tái định cư làng chài (phường Hà Phong, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) với 16 ca mắc.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, đơn vị đã giám sát 50 ca sốt phát ban nghi mắc sởi, trong đó 32 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với virus sởi. Riêng tại TP. Hạ Long, tính đến hết ngày 7/2, đã ghi nhận chùm ca bệnh tại khu tái định cư làng chài (khu 8, phường Hà Phong) với 16 ca dương tính với virus sởi.

Trước tình hình này, CDC Quảng Ninh đã chỉ đạo và hướng dẫn Trung tâm Y tế TP. Hạ Long cùng Trạm Y tế phường Hà Phong triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch sởi. Cụ thể, Trạm Y tế phường Hà Phong đã tiến hành rà soát và lập danh sách những trẻ từ 9 tháng đến dưới 16 tuổi đủ điều kiện sống tại khu 8 để tiêm vaccine phòng bệnh.

Hiện nay, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và dễ lây lan qua đường hô hấp, qua các giọt bắn từ người mắc bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh, đặc biệt là tại những nơi tập trung đông người như trường học, nơi công cộng.

Do đó, các bậc phụ huynh cần chú ý đưa trẻ đi tiêm đủ liều vaccine đúng lịch để giúp tạo miễn dịch phòng bệnh, hạn chế nguy cơ mắc sởi và phòng ngừa diễn tiến bệnh nặng.

Bệnh nhân viêm gan B tự ý ngừng thuốc, suy gan cấp và hôn mê gan

Mới đây, Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân L.V.T, 51 tuổi, từ Kiến An, Hải Phòng, trong tình trạng vàng da nặng và suy gan cấp. Nguyên nhân chính là bệnh nhân đã tự ý ngừng thuốc điều trị viêm gan B.

Hai năm trước, bệnh nhân L.V.T được chẩn đoán mắc viêm gan B mạn tính và được chỉ định dùng thuốc kháng virus để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân không tuân thủ điều trị, uống thuốc không đều đặn và đặc biệt đã tự ý dừng thuốc hơn một tháng trước khi nhập viện.

Sau khoảng 2 tuần ngừng thuốc, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng và sợ dầu mỡ, nhưng đã chủ quan không đi khám. Đến tuần thứ ba, bệnh nhân xuất hiện vàng da rõ rệt, nước tiểu sậm màu, phân bạc màu và bụng chướng lên do cổ trướng. Đến tuần thứ tư, bệnh nhân phù toàn thân, xuất huyết dưới da, nhận thức giảm dần và phản ứng kém.

Gia đình đã đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế trong tình trạng vàng da nặng, cổ trướng lớn, tiếp xúc chậm và có dấu hiệu suy gan tiến triển. Mặc dù bệnh nhân đã được lọc máu và lọc huyết tương hai lần tại cơ sở y tế trước đó, tình trạng vẫn không cải thiện. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục điều trị.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán mắc suy gan cấp, xơ gan, viêm gan B mạn tính, hôn mê gan độ 2 và có nguy cơ tiến triển nhanh lên độ 3-4 nếu không kiểm soát kịp thời.

Chỉ số bilirubin của bệnh nhân tại thời điểm nhập viện lên tới hơn 400 µmol/L (bình thường dưới 17 µmol/L), mặc dù đã được lọc huyết tương 2 lần.

Chỉ số prothrombin của bệnh nhân chỉ còn dưới 30% (bình thường trên 70%), gây rối loạn đông máu, xuất huyết dưới da nghiêm trọng. Bệnh nhân cũng có dấu hiệu suy thận do hội chứng gan-thận, với chỉ số creatinine tăng hơn 50% so với bình thường và lượng nước tiểu giảm mạnh.

Theo bác sỹ Đới Ngọc Anh, Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khi bệnh nhân viêm gan B mạn tính tự ý ngừng thuốc, virus có thể tái hoạt động mạnh mẽ, gây viêm gan cấp và làm tổn thương gan nghiêm trọng.

Ban đầu, bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy mệt mỏi, ăn kém, đầy bụng và vàng da chưa rõ rệt. Tuy nhiên, sau 2-3 tuần, vàng da và vàng mắt sẽ bắt đầu xuất hiện, nước tiểu sậm màu, bụng chướng do tích tụ dịch ổ bụng. Khi bệnh trở nặng hơn, bệnh nhân có thể phù toàn thân, xuất huyết dưới da và có dấu hiệu hôn mê gan (bệnh não gan), mất tập trung và dễ lú lẫn.

Bác sỹ Ngọc Anh cho biết, bệnh hôn mê gan (bệnh não gan) là biến chứng nguy hiểm của suy gan cấp. Khi gan không còn khả năng loại bỏ độc tố, các chất độc tích tụ trong máu gây rối loạn thần kinh.

Bệnh này có 4 mức độ, từ lú lẫn nhẹ đến hôn mê sâu. Nếu không kiểm soát kịp thời, bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê gan độ 4, suy đa tạng và tử vong. Trong trường hợp này, nếu không đáp ứng điều trị nội khoa, bệnh nhân có thể cần ghép gan để duy trì sự sống.

Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan. Nhiều bệnh nhân nghĩ rằng khi dùng thuốc kháng virus, họ sẽ không có nguy cơ mắc ung thư gan, nhưng thực tế, ngay cả khi điều trị, nguy cơ này vẫn tồn tại.

Quan trọng nhất là bệnh nhân cần khám định kỳ 3-6 tháng/lần để kiểm soát bệnh và sàng lọc ung thư gan bằng siêu âm và xét nghiệm chuyên sâu. Đặc biệt, khi ngừng thuốc, virus có thể bùng phát nhanh chóng, thúc đẩy quá trình xơ gan và ung thư gan tiến triển nhanh hơn.

Bác sỹ Ngọc Anh nhấn mạnh, việc khám định kỳ giúp phát hiện sớm ung thư gan. Nếu khối u được phát hiện ở giai đoạn đầu, điều trị sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với khi bệnh đã tiến triển nặng.

Do đó, mỗi bệnh nhân viêm gan B cần có ý thức bảo vệ sức khỏe, tuân thủ phác đồ điều trị và chủ động theo dõi sức khỏe định kỳ, không tự ý dừng thuốc để tránh các biến chứng nguy hiểm và cải thiện chất lượng sống.

Kỳ vọng những tiến bộ trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2025
Năm 2025, ngành Y tế Việt Nam đang chứng kiến những bước tiến vượt bậc trong công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mang đến nhiều thuận lợi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư