Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 16/9: Triển khai tiêm vắc-xin sởi miễn phí cho trẻ từ 1-10 tuổi
D.Ngân - 16/09/2024 09:59
 
Sở Y tế TP.HCM đã khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi trên toàn Thành phố cho trẻ từ 1-10 tuổi. Ước tính có gần 125.000 trẻ thuộc diện cần tiêm trong chiến dịch.

Triển khai chiến dịch tiêm miễn phí vắc-xin trên diện rộng

Hệ thống tiêm chủng VNVC bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin phòng sởi miễn phí tại 39 trung tâm tiêm chủng trên toàn TP.HCM từ ngày 16/9. Công tác tiêm chủng được diễn ra vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật.

Ước tính có gần 125.000 trẻ thuộc diện cần tiêm trong chiến dịch.

Với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc-xin sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi và các đối tượng nguy cơ cao để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, Sở Y tế TP.HCM đã khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi trên toàn thành phố cho trẻ từ 1-10 tuổi. Ước tính có gần 125.000 trẻ thuộc diện cần tiêm trong chiến dịch.

Tuy nhiên, tính đến ngày 10-9, Thành phố mới chỉ thực hiện tiêm được cho hơn 25.000 trẻ, tương đương gần 70% trẻ từ 1-5 tuổi. Gần như toàn bộ nhóm trẻ từ 6-10 tuổi chưa được tiêm; trong khi đó sởi liên tục gia tăng ca mắc, bắt đầu xuất hiện các ổ dịch ở trường học dù chỉ mới vào năm học mới.

Với thế mạnh là hệ thống trung tâm tiêm chủng dịch vụ lớn nhất Thành phố với gần 40 trung tâm, gần 2.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, công suất phục vụ lên đến hàng chục nghìn lượt tiêm mỗi ngày, VNVC có thể tổ chức hàng trăm đội tiêm lưu động đến các trường học, khu dân cư với quy trình tiêm chủng an toàn cao nhất.

Chính vì vậy, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã gửi văn bản đến Sở Y tế thành phố mong muốn tham gia chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi miễn phí cho trẻ theo hướng dẫn của ngành Y tế và đã được đồng thuận.

Để bảo đảm chiến dịch diễn ra an toàn, VNVC đã tối ưu hóa và gia tăng hàng trăm số bàn khám, bàn tiêm tại mỗi trung tâm, đồng thời huy động hơn 1.200 bác sĩ, điều dưỡng và 500 nhân viên y tế tham gia.

Từ ngày 16/9, Hệ thống tiêm chủng VNVC bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin phòng sởi miễn phí tại 39 trung tâm tiêm chủng trên toàn thành phố Hồ Chí Minh. Vắc-xin sử dụng trong chiến dịch này là loại phòng sởi - rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất, nguồn vắc-xin từ ngân sách của Thành phố và Bộ Y tế cấp.

Đối tượng tiêm là tất cả trẻ em từ 1-10 tuổi chưa được tiêm vắc-xin sởi đủ 2 mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Người dân có thể đưa trẻ đến bất kỳ trung tâm tiêm chủng nào của VNVC trên địa bàn để được tiêm miễn phí.

Toàn bộ quá trình tiêm chủng cho trẻ theo diện miễn phí sẽ tuân thủ quy trình an toàn 8 bước từ đăng ký, khám sàng lọc, tiêm chủng đến theo dõi sau tiêm.

Theo ghi nhận tại VNVC, kể từ khi thành phố Hồ Chí Minh công bố dịch sởi và các địa phương ghi nhận nhiều ca mắc sởi, số lượng người (kể cả người lớn và trẻ em) đến tiêm chủng phòng bệnh đã gia tăng. Từ 1-9 đến 14-9, riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, số lượt tiêm tăng 300% so với cùng kỳ tháng trước.

Bên cạnh hỗ trợ chiến dịch tiêm vắc-xin sởi, VNVC cũng nỗ lực cung ứng đầy đủ các loại vắc-xin trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình mưa lũ khiến nhiều dịch bệnh như: Cúm, thủy đậu, bạch hầu, ho gà, uốn ván… có nguy cơ bùng phát.

Trẻ hóa bệnh nhân suy thận

Thời gian gần đây, số trường hợp được chẩn đoán mắc suy thận ngày càng gia tăng, điều đáng lo ngại là trong số này có tỷ lệ không nhỏ là người bệnh trẻ tuổi.

Thời gian gần đây, số trường hợp được chẩn đoán mắc suy thận ngày càng gia tăng, điều đáng lo ngại là trong số này có tỷ lệ không nhỏ là người bệnh trẻ tuổi.

Khuynh hướng về bệnh thận ở Việt Nam diễn biến theo 2 hướng rất đáng lo ngại, đó là số bệnh nhân suy thận tăng đều ở người lớn tuổi và cả người trẻ. Điều này gây ra gánh nặng về y tế cũng như kinh tế.

Cũng theo các bác sỹ, hiện nay khoảng 6-8% người Việt có khả năng mắc các vấn đề về thận. Hầu hết trong số đó biết mình mắc bệnh khi đã ở giai đoạn muộn. Rất nhiều người bệnh của tôi biết mình bị suy thận cũng là lúc họ phải cấp cứu chạy thận.

Việc phát hiện bệnh lý thận ở giai đoạn sớm không thể dựa trên dấu hiệu lâm sàng. Người bệnh khi xuất hiện dấu hiệu lâm sàng đồng nghĩa với việc bệnh đã tiến triển nặng.

Cách duy nhất phát hiện bệnh thận sớm là xét nghiệm định kỳ 1 lần/năm. Hiện nay, chi phí này rơi vào khoảng 150.000 đồng.

Đây là khoản đầu tư có lợi cho sức khỏe, giúp phát hiện và điều trị bệnh sớm nếu không may mắc phải. Thông thường, nhiều người chỉ phát hiện mắc bệnh thận khi đã ở giai đoạn muộn, phải chạy thận. Một lần chạy thận, người bệnh tốn trung bình 600.000 đồng/lần, tổng cộng khoảng 1,8 triệu đồng/tuần. Trong khi đó, chi phí tầm soát chỉ khoảng 150.000 đồng/năm.

Ngoài ra, bác sỹ cũng khuyến cáo mọi người nên thực hiện các biện pháp sau để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh thận cần ăn giảm mặn, uống nhiều nước, hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu bia, đặc biệt là hút thuốc lá, tập thể dục đều đặn hàng ngày

Không tự ý dùng lâu dài các loại thuốc khi chưa có ý kiến của bác sỹ, phòng bệnh béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp Ngoài ra, mọi người nên rèn thói quen quan sát nước tiểu ngay sau khi đi vệ sinh để phòng ngừa và phát hiện sớm các dấu hiệu thận bất thường.

Nếu nước tiểu có màu bất thường như đỏ máu, có bọt nhiều bất thường, mọi người nên đi tầm soát ngay để được chẩn đoán sớm bệnh thận. Trong trường hợp nước tiểu có màu vàng, người dân nên uống thêm nước để đảm bảo sức khỏe thận.

Bệnh viện quá tải vì sốt xuất huyết, sởi

Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trong thời gian gần đây số trẻ nhập viện tại các khoa cũng tăng mạnh. Cụ thể, tại Khoa truyền nhiễm, 2 tháng qua luôn có 100 bệnh nhân nội trú, 1 nửa trong số đó là sốt xuất huyết. Trong khi sức chứa tối đa của Khoa khoảng 170 giường bệnh kể cả kê hành lang.

Còn tại Khoa nhi Tổng hợp, từ đầu tháng 9 đến nay có 50 ca bệnh sởi nhập viện. Riêng sốt xuất huyết, thời điểm đỉnh cao có lúc Khoa điều trị 60 ca.

Các bác sỹ tại đây khuyến cáo, đối với sởi thì các ông bố bà mẹ nên kiểm tra lại sổ tiêm phòng cho con, nếu chưa tiêm phòng thì đi tiêm phòng ngay.

Đối với sốt xuất huyết thì không có muỗi đốt thì không có sốt xuất huyết, đặc biệt các cháu còn nhỏ thì rất nhiều cách để tránh muỗi đốt vì năm nay bệnh nhân mắc nhiều và bệnh nhân nặng rất nhiều. Như vậy tránh muỗi đốt và tiêm chủng sởi là hai biện pháp tốt nhất để tránh 2 bệnh này.

Theo số liệu thống kê của Sở y tế tỉnh Đắk Lắk, đến ngày 12/9, tỉnh ghi nhận hơn 3.100 bệnh nhân sốt xuất huyết và 115 ca bệnh sởi. Bệnh tập trung vào tháng 9 với hơn 2 nghìn người bị sốt xuất huyết và hơn 100 ca sởi.

Theo đại diện Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian tới, 2 bệnh này sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khả năng số ca mắc sẽ tăng. Điều này sẽ gây áp lực không nhỏ cho các bệnh viện.

Để hạn chế nguy cơ bùng phát bệnh, Sở y tế đã ban hành nhiều văn bản và cuộc họp để chủ động các kịch bản đối phó với diễn biến của bệnh. Đồng thời đẩy mạnh chiến dịch truyền thông phòng chống sốt xuất huyết cũng như vận động phụ huynh đưa con đi tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi:

Dịch bệnh hiện đang ở mức kiểm soát được, nhưng trong thời gian tới dịch có thể bùng phát. Sở y tế cũng đã chỉ đạo bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột phải chuẩn bị tinh thần ứng phó với dịch. Nếu cấp độ bình thường thì chuẩn bị khu cách ly điều trị 30 giường, nếu trung bình là 60 giường và nếu nặng hơn là 100 giường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư