Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Tiêm vắc-xin là vũ khí tối ưu để kiểm soát dịch sởi
D.Ngân - 16/09/2024 08:34
 
Vẫn còn đến 70% trẻ từ 1-5 tuổi và gần như toàn bộ nhóm trẻ từ 6-10 tuổi (thuộc diện cần tiêm trong chiến dịch) tại TP.HCM chưa được tiêm chủng.

Tại TP.HCM, chỉ 3 ngày sau khi Ủy ban nhân dân TP ban hành quyết định công bố dịch, chiến dịch tiêm chủng cho tất cả các trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vắc-xin sởi đã được triển khai trên phạm vi toàn Thành phố từ ngày 31/8/2024. 

Trong 10 ngày đầu (kể từ ngày 31/8/2024 đến hết ngày 09/9/2024), chiến dịch đã tiêm cho 19.821 trẻ từ 1 đến 5 tuổi (chiếm tỷ lệ 32,6%) và 5.260 trẻ từ 6 đến 10 tuổi (chiếm tỷ lệ 8.3%) trên tổng số trẻ thuộc diện phải tiêm. Như vậy vẫn còn đến 70% trẻ từ 1-5 tuổi và gần như toàn bộ nhóm trẻ từ 6-10 tuổi (thuộc diện cần tiêm trong chiến dịch) chưa được tiêm chủng. 

Vẫn còn đến 70% trẻ từ 1-5 tuổi và gần như toàn bộ nhóm trẻ từ 6-10 tuổi (thuộc diện cần tiêm trong chiến dịch) chưa được tiêm chủng. 

Trong khi đó, chỉ mới tuần đầu tiên của năm học, Thành phố đã ghi nhận 5 trường học tiểu học có ổ dịch sởi (từ 2 ca trở lên) tại 4 quận huyện. Dự kiến nhiều ổ dịch sởi mới sẽ tiếp tục xuất hiện tại trường học trong thời gian tới nếu chiến dịch tiêm vắc-xin không kịp thời bao phủ cho các trường hợp trẻ chưa có miễn dịch.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, TP cần đẩy mạnh tiến độ thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn và phải cơ bản hoàn thành trong tháng 9 để giảm sự lây lan của bệnh và sớm kết thúc vụ dịch.

Ước tính số trẻ thuộc diện cần tiêm trong chiến dịch khoảng 125.000 trẻ. Nhóm trẻ từ 1 đến 5 tuổi cần tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin và hoàn thành trong tháng 9, đồng thời toàn thành phố bắt đầu triển khai đồng loạt tiêm vắc-xin cho trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi ngay từ tuần thứ 3 của tháng 9/2024.

Sở Y tế vận động mọi người dân hãy khẩn trương đưa trẻ chưa tiêm đủ mũi đi tiêm vắc-xin sởi tại các trạm y tế, bệnh viện, trường học theo thông báo của y tế địa phương.

Bên cạnh đó, Sở này cũng đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực rà soát, lập danh sách trẻ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi phối hợp với trung tâm y tế, trạm y tế để đưa tổ chức tiêm chủng cho trẻ càng sớm càng tốt.

Đồng thời đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện tích cực rà soát, lập danh sách trẻ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi đang sống trên địa bàn và vận động gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng; ưu tiên rà soát tại những khu vực biến động dân cư, khu nhà trọ, nơi cưu mang những trẻ lang thang cơ nhỡ… không để bỏ sót trẻ trên địa bàn.

Các chuyên gia y tế cho rằng, sởi được coi là mối đe dọa toàn cầu bởi virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae có tính lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp từ người bệnh sang người khỏe mạnh trong cộng đồng hoặc thậm chí xuyên biên giới.

Sởi nguy hiểm bởi chúng không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn khiến người bệnh có nguy cơ viêm nhiễm hệ thống thần kinh, rối loạn hệ vận động, tổn thương đa cơ quan trong cơ thể, có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề, kéo dài thậm chí là suốt đời cho người bệnh như viêm não, viêm màng não, viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, mù lòa…

Bên cạnh đó, sởi còn đặc biệt nguy hiểm bởi có khả năng xóa trí nhớ miễn dịch, phá hủy trung bình khoảng 40 loại kháng thể có khả năng chống chọi lại các tác nhân gây bệnh.

Ở trẻ em, một nghiên cứu của nhà di truyền học Stephen Elledge tại Đại học Havard vào năm 2019 đã chỉ ra sởi loại bỏ từ 11% đến 73% kháng thể bảo vệ ở trẻ em.

Tức khi mắc bệnh sởi, hệ thống miễn dịch của người bệnh sẽ bị phá hủy và thiết lập trở lại trạng thái ban đầu non nớt, chưa hoàn thiện như đứa trẻ vừa sinh ra.

Để giảm thiểu rủi ro cũng như ngăn chặn dịch sởi quay trở lại, WHO nhấn mạnh tiêm chủng là biện pháp duy nhất để bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng này. Các quốc gia trên thế giới bắt buộc phải đạt được và duy trì tỷ lệ bao phủ trên 95% với 2 liều vắc-xin sởi.

Trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin sởi đầy đủ và đúng lịch để giúp cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu với virus sởi, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sởi và các biến chứng nặng nề, hiệu quả vượt trội đến 98%.

Bên cạnh đó, mỗi người cần chủ động vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước sát khuẩn mỗi ngày. Hạn chế tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với những người có biểu hiệu mắc bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời không dùng chung vật dụng cá nhân với người mắc bệnh. Giữ vệ sinh không gian sống và bổ sung thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Nếu thấy có các triệu chứng của bệnh sởi (sốt, chảy nước mũi, ho khan, mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng, phát ban khắp cơ thể), cần nhanh chóng đến các trung tâm hoặc cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư