Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 14 tháng 06 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 17/5: Kiểm soát huyết áp để có cuộc sống mạnh khỏe
D.Ngân - 17/05/2024 09:03
 
Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp (17-5) năm nay có chủ đề “Đo huyết áp đúng - kiểm soát huyết áp tốt - sống khỏe” nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc kiểm soát huyết áp để có cuộc sống khỏe mạnh hơn.

“Đo huyết áp đúng - kiểm soát huyết áp tốt - sống khỏe”

Trên thực tế, tăng huyết áp được xem là “kẻ giết người thầm lặng”, bệnh thường không biểu hiện triệu chứng nên nhiều người chủ quan, lâu ngày dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận.

Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp (17-5) năm nay có chủ đề “Đo huyết áp đúng - kiểm soát huyết áp tốt - sống khỏe” 

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2023, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở khu vực châu Á, bao gồm Việt Nam, lên tới 28,3%. Tuy nhiên, có tới 50% người bệnh chưa có nhận thức tốt về tăng huyết áp.

Một nghiên cứu về bệnh tăng huyết áp trong cộng đồng tại Việt Nam được thực hiện với 23.307 người từ 18 tuổi trở lên cũng cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân bị tăng huyết áp chiếm hơn 33%, trong đó chỉ có hơn 52% người biết mình bị bệnh. Ngoài ra, có hơn 20% người bệnh không điều trị tăng huyết áp và hơn 41% chưa kiểm soát huyết áp.

Theo các chuyên gia y tế, biến chứng của tăng huyết áp thường rất nặng nề, để lại những di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Thế nhưng, số liệu nghiên cứu cho thấy, có khoảng 50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp.

Thực tế là nhiều người còn chủ quan, chưa chú trọng đến việc đo huyết áp và chủ động tầm soát. Điều đó khiến cho số người bệnh được chẩn đoán vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Khi người bệnh mắc tăng huyết áp nếu không được điều trị và kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tổn thương nặng các cơ quan đích và gây ra biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, phình tách thành động mạch chủ, suy tim, suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong.

Để quản lý tăng huyết áp toàn diện, theo các bác sĩ, cần có sự phối hợp của nhân viên y tế, bệnh nhân và việc quản lý của bệnh viện.

Đối với nhân viên y tế, đầu tiên là phải đo huyết áp chính xác. Không chỉ khoa, phòng tim mạch mà nhân viên y tế của các chuyên khoa khác cũng cần phải nắm được các phân độ tăng huyết áp và huyết áp mục tiêu.

Riêng đối với bác sĩ điều trị phải được đào tạo, hiểu biết sâu rộng về tăng huyết áp và hệ lụy của nó; đồng thời liên tục cập nhật kiến thức và sử dụng các thuốc phối hợp để nâng cao tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu.

Đối với bệnh nhân, người bệnh phải tuân thủ việc thăm khám thường xuyên; uống thuốc đúng toa, đủ liều, đều đặn mỗi ngày. Ngoài ra, người bệnh cần nhận thức được các con số huyết áp, chủ động liên hệ với nhân viên y tế khi huyết áp bất thường. Về phía bệnh viện phải bảo đảm cung ứng đủ thuốc và mở rộng các dịch vụ chăm sóc, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh tăng huyết áp.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp năm nay, tại nhiều bệnh viện trên cả nước triển khai chiến dịch truyền thông và đo huyết áp miễn phí cho người dân với thông điệp “Huyết áp trên 140/90, đừng “lười” hỏi bác sĩ”.

Thông điệp này nhằm nhắc nhở người dân, bệnh nhân về tầm quan trọng của việc đo huyết áp, nắm được chỉ số huyết áp của bản thân để chủ động chia sẻ với bác sĩ trong các lần thăm khám nếu huyết áp đo được lớn hơn 140/90mmHg. Từ đó, bệnh nhân phối hợp nhịp nhàng hơn với bệnh viện trong quá trình quản lý bệnh và kiểm soát huyết áp chặt chẽ hơn.

Đặc biệt, những bệnh nhân bị tăng huyết áp cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ, tái khám định kỳ và không được tự ý bỏ thuốc.

Dấu hiệu của u tuyến ức

Dù không có triệu chứng bất thường, vùng xương ức không đau, không khó thở, không nuốt nghẹn hay ho, nhưng tình cờ đi khám sức khỏe, chụp CT ngực một bệnh nhân ở TP.HCM thì được chẩn đoán u tuyến ức kích thước 65 x 37 x 63 mm.

Khối u nằm ngay trước tim, sát động mạch chủ, nếu bóc tách không khéo sẽ làm tổn thương những cơ quan này, để lại biến chứng nặng nề sau phẫu thuật.

Ths Lê Chí Hiếu, Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thông tin, tuyến ức nằm phía sau xương ức, đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của các tế bào bạch cầu chống lại nhiễm trùng gọi là tế bào lympho T (tế bào T).

Tuyến ức bao gồm hai loại tế bào: Tế bào biểu mô và tế bào lympho. U tuyến ức và ung thư biểu mô tuyến ức đều là khối u biểu mô tuyến ức (TET), nhưng u tuyến ức lành tính (phát triển chậm và hiếm khi lan ra ngoài tuyến ức) còn ung thư biểu mô tuyến ức ác tính (phát triển nhanh và có nhiều khả năng di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể).

Hầu hết bệnh nhân có u tuyến ức không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi khối u tác động đến các cơ quan trong lồng ngực (đẩy lệch khí quản gây khó thở, đẩy lệch thực quản gây khó nuốt, tổn thương dây thần kinh quặc ngược gây khàn tiếng, chèn ép tĩnh mạch chủ gây ra hội chứng tĩnh mạch chủ trên…).

Khối u tuyến ức có thể được loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật mở hoặc nội soi. Nếu kết quả giải phẫu u ác tính, bệnh nhân tiếp tục được hóa trị, xạ trị, sử dụng liệu pháp miễn dịch hoặc trúng đích để tiêu diệt tế bào ung thư. Trường hợp u lành tính, bệnh nhân không cần điều trị thêm nhưng cần tái khám định kỳ để phát hiện sớm bất thường nếu có.

Ung thư chỉ ở tuyến ức có tỷ lệ sống sót cao hơn ung thư đã lan rộng. Tỷ lệ sống sau 5 năm đối với trường hợp ung thư chỉ ở tuyến ức là 95%, ung thư lây lan đến các cơ quan lân cận là 78%, và chỉ 38% bệnh nhân ung thư tuyến ức sống trên 5 năm nếu tế bào ác tính đã di căn sang các bộ phận khác.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư