Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 19/4: Kịp thời cứu sống bệnh nhân đột quỵ não
D.Ngân - 19/04/2024 08:24
 
Các bác sĩ hồi sức cấp cứu và phẫu thuật thần kinh Bệnh viện 19-8 Bộ Công an đã thành công cứu sống một bệnh nhân bị đột quỵ, xuất huyết não thoát khỏi “bàn tay tử thần”.

Bệnh viện 19-8 kịp thời cứu sống bệnh nhân đột quỵ não

Theo người nhà bệnh nhân P.Đ.T (55 tuổi) ở xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, khoảng 12h50 ngày 18/3/2024, ông T. đột ngột kêu đau đầu, sau đó nhanh chóng mất ý thức, được đồng nghiệp gọi xe 115 đưa vào Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu. Chỉ số huyết áp lúc đó lên cao 190/100 mmHg.

Bệnh nhân được các bác sĩ can thiệp, cứu sống thành công.

Rất khẩn trương, kíp trực đã nhanh chóng đặt ống nội khí quản kiểm soát đường thở, chụp phim cắt lớp vi tính sọ não.

Kết quả cho thấy bênh nhân T. bị chảy máu nhân xám kích thước lớn, đè đẩy đường giữa sang trái 8 mm, chảy máu não thất, giãn não thất.

Để loại trừ nguyên nhân dị dạng mạch máu não vỡ (phình động mạch não vỡ, thông động tĩnh mạch não vỡ), các bác sĩ đã cho bệnh nhân chụp thêm phim cắt lớp vi tính đa dãy dựng hình mạch máu não. Rất may, kết quả cho thấy không có dị dạng mạch máu não.

Ngay sau khi ổn định tình trạng cấp cứu cho bệnh nhân như: thở máy, an thần, hạ áp và có đầy đủ các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, phim chụp sọ não. Bệnh nhân P.Đ.T được các bác sỹ Khoa Điều trị tích cực và chống độc và Khoa Phẫu thuật Thần kinh nhanh chóng hội chẩn, quyết định mổ cấp cứu để đặt dẫn lưu não thất ra ngoài.

Bệnh nhân sau mổ tiếp tục được điều trị hồi sức tích cực. 12 giờ đồng hồ sau phẫu thuật, ông T được chụp cắt lớp vi tính kiểm tra lại. Kết quả chụp lần hai cho thấy, hình ảnh khối máu tụ không tăng thêm so với lúc đầu kiểm tra, thể tích vẫn khoảng 30mm3.

Điều này chứng tỏ, sau khi đặt dẫn lưu não thất, khối máu tụ chỉ dẫn lưu được ít, sau đó máu không ra nữa. Nhận định nhiều khả năng do bị tắc, não thất vẫn giãn, vẫn còn máu tụ.

Ngay lập tức bệnh nhân tiếp tục được Bệnh viện 19-8 hội chẩn với Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, cùng thống nhất tiến hành áp dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết qua dẫn lưu não thất bằng rt-PA theo phác đồ để tránh biến chứng tắc nghẽn và giãn não thất.

Sau phác đồ tiêm thuốc tiêu sợi huyết qua dẫn lưu vào não thất, lượng máu tụ đã tiếp tục được dẫn ra ngoài. Bệnh nhân được kiểm tra, đánh giá hàng ngày bằng tiến triển lâm sàng và đo áp lực nội sọ, chụp cắt lớp vi tính kết quả khối máu tụ giảm đi từng ngày, bớt giãn não thất.

Sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân P.Đ.T đã cai được thở máy, sau 25 ngày nhập viện, ông T được rút mở khí quản, ý thức dần khôi phục, nhưng tay trái vẫn còn yếu nhẹ. Sau khi xuất viện, bệnh nhân cần tiếp tục tập phục hồi chức năng.

Theo lãnh đạo Bệnh viện 19-8 Bộ Công an, tiêu sợi huyết não thất là kỹ thuật sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rt-PA) bơm vào não thất qua dẫn lưu não thất để làm tiêu nhanh cục máu đông trong não thất, tạo thuận lợi làm thông sớm hệ thống não thất phía dưới và từ đó tránh được biến chứng giãn não thất.

Sau ca bệnh nêu trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, để tránh hậu quả đáng tiếc, trước khi tập chạy hay chơi bất kỳ môn thể thao nào, đặc biệt đòi hỏi sức bền, người dân đều cần phải kiểm tra thể lực.

Cẩn trọng đột quỵ khi chạy thể thao

Sau một số ca tử vong do chạy thể thao vừa qua, chuyên gia khuyến cáo, để biết bản thân có tham gia được một bộ môn nào không, cụ thể là chạy bộ, mỗi người dân nên có ý thức đánh giá sức khỏe bản thân.

Bác sĩ Ngô Tiến Thái, Bệnh viện Bạch Mai, bất cứ vận động viên nào, dù phong trào hay chuyên nghiệp cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về sức khỏe và sự tập luyện trước cuộc thi để phòng rủi ro. Tập luyện sức khỏe là tốt, tuy nhiên cần phải có cường độ tập luyện phù hợp với từng cá nhân.

Mỗi người dân trước khi đến với một môn thể nào nên khám sàng lọc sức khỏe để biết tình trạng sức khỏe ra sao, tham vấn bác sĩ xem liệu khả năng sức khỏe có phù hợp với môn thể thao mình lựa chọn, tập luyện ở mức nào.

Bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, rủi ro trong thể thao luôn có nguy cơ xảy ra, ngay cả với vận động viên chuyên nghiệp. Do đó, ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong quá trình luyện tập, ngay trong cuộc đua, mỗi người cũng cần lắng nghe cơ thể, nhận biết các dấu hiệu bất thường để có sự điều chỉnh tốc độ chạy phù hợp với bản thân trong quá trình gắng sức.

Nếu trong quá trình chạy, thấy có những cơn đau tức ngực lạ thường, cảm giác mệt mỏi, ngưỡng gắng sức kém đi so với cùng mức độ tập luyện ở ngày thường... là những dấu hiệu cảnh báo người dân nên giảm tốc độ, báo y tế để được kiểm tra, theo dõi kỹ lưỡng.

Theo các chuyên gia y tế, một số hội chứng hay bệnh lý dễ gây ngừng tim khi gắng sức, ví dụ như hội chứng Brugada, hội chứng WPW, bệnh cơ tim phì đại....

Thực tế, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Có những người đã biết trước bệnh lý tim mạch, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần có kế hoạch tập luyện và chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khỏe trước các giải thể thao để đảm bảo an toàn, tránh những rủi ro. Đồng thời, không nên chạy theo trào lưu để đăng ký một cự ly vượt khả năng của bản thân.

Thực tế có nhiều người khi chơi thể thao không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó. Điều này có thể xảy ra chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp, thậm chí gây nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não, nhồi máu não...

Các bác sĩ lưu ý, trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào đều cần phải kiểm tra thể lực. Người dân có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như: bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp…

Theo chuyên gia, tập thể dục thường xuyên rất tốt cho sức khỏe, ngay cả người có bệnh tim vẫn được khuyên nên vận động nhưng phải lưu ý đúng cách, an toàn và có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Điều quan trọng mỗi người phải tập thể dục trong giới hạn của mình. Ngoài ra, trước bất cứ hoạt động thể dục, thể thao nào, mỗi người cần dành thời gian khởi động làm nóng cơ thể, để cơ thể có thời gian thích nghi với hoạt động gắng sức.

Trong khi tập luyện, hãy lắng nghe cơ thể, nếu thấy các dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, nhanh mệt, hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, huyết áp tăng, huyết áp tụt… phải đi khám và điều trị kịp thời.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư