Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 21/2: Số ca đột quỵ tăng vọt trong dịp Tết Nguyên đán 2024
D.Ngân - 21/02/2024 08:51
 
Trong 7 ngày nghỉ tết Nguyên đán (8/2 đến 15/2/2024), Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận 68 bệnh nhân đột quỵ cấp cứu và chuyển tuyến đến điều trị với số lượng rất lớn.

Số ca đột quỵ tăng vọt dịp Tết Nguyên đán

Theo số liệu tổng hợp, tổng bệnh nhân nhập viện cấp cứu là 68 bệnh nhân (ngày cao điểm nhất đã thu dung 15 bệnh nhân - mùng 4 tết), tăng 20-30% so với ngày thường.

Trong đó có 28 bệnh nhân bệnh nhân cần can thiệp nội mạch cấp cứu (16 ca nhồi máu não sớm can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, 12 ca xuất huyết dưới nhện can thiệp nút túi phình động mạch), và 05 bệnh nhân cần phẫu thuật giải áp kết hợp đặt dẫn lưu não thất mở cấp cứu (xuất huyết não lớn hoặc xuất huyết dưới nhện có lụt máu não thất).

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Khoa Đột quỵ não đã phối hợp cùng nhóm đột quỵ - mạch máu não tổ chức cấp cứu và điều trị bệnh nhân đột quỵ, trong đó đa số là cấp cứu tối khẩn cấp và bệnh nhân nặng chuyển tuyến từ các bệnh viện tuyến dưới ở khu vực miền Bắc.

Bệnh nhân đột quỵ não tăng vọt dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

TS.BS Nguyễn Văn Tuyến, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ não, Phó Viện trưởng Viện thần kinh - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, những dịp lễ tết thường số lượng bệnh nhân đến cấp cứu đột quỵ rất đông do tuyến dưới chuyển tuyến nhiều hơn, tuy nhiên chưa năm nào tăng đột biến như năm nay, tình trạng quá tải xảy ra ngay từ những ngày đầu tết Nguyên đán.

Khí hậu thay đổi thất thường là một trong những nguyên nhân gây ra đột quỵ, một số bệnh nhân dừng không uống thuốc điều trị huyết áp (đặc biệt là bệnh nhân trẻ) hoặc không tuân thủ các thuốc điều trị huyết áp như ngày thường.

TS. Tuyến cũng khuyến cáo, những ca cấp cứu đột quỵ tăng đột biến kể trên là con số khuyến cáo đến người dân nói chung, kể cả người trẻ tuổi có bệnh nền nên thực hiện lối sống lành mạnh và đặc biệt tuân thủ chế độ dùng thuốc khi điều trị bệnh nền như tăng huyết áp không chỉ trong dịp tết nguyên đán mà tất cả các dịp lễ hội khác, để tránh hậu quả khôn lường đến từ nguy cơ đột quỵ não.

Suýt liệt hai chân vì chủ quan với thoát vị đĩa đệm

Anh Nguyễn Đức, ngụ Bình Thuận, từng đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám cách đây hai năm trong tình trạng đau lưng nhiều, đau lan xuống chân và đi khập khiễng. Lúc đó, bác sĩ chẩn đoán anh bị thoát vị đĩa đệm và chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, anh Đức lo sợ biến chứng nên từ chối. Gần đây, anh không đi lại được, chỉ cần ráng đi khoảng 2m là phải nằm xuống nghỉ.

Ngày 19/2, BS.CKI Vũ Ngọc Bảo Quỳnh, Khoa Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết người bệnh tái khám với tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.

Kết quả chụp chiếu ghi nhận thoát vị đĩa đệm đốt sống lưng L4L5 và L5S1. Nhân nhầy đĩa đệm ở vị trí L5S1 đã tách khỏi bao xơ và vỡ ra thành các mảnh rời. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật giải áp dây thần kinh và bắt vít, thay đĩa đệm.

Thách thức đặt ra lúc này là người bệnh không điều trị trong thời gian dài nên các mảnh vỡ đĩa đệm bị viêm và dính vào dây thần kinh. Trong quá trình bóc tách các mảnh vỡ đĩa đệm có thể làm rách hoặc tổn thương dây thần kinh, dẫn đến liệt. Nhưng nếu không phẫu thuật, tình trạng của người bệnh sẽ diễn tiến nghiêm trọng và có nguy cơ liệt cao hơn.

Trước tiên, ê kíp tiến hành giải áp dây thần kinh bằng cách tách và loại bỏ những mảnh vỡ đĩa đệm. Sau đó thay đĩa đệm nhân tạo vào vị trí đốt sống L5S1 và bắt vít hàn xương làm cứng cột sống thắt lưng. Ca phẫu thuật kết thúc sau 3 giờ, trong khi các ca phẫu thuật giải áp dây thần kinh thường quy chỉ diễn ra khoảng 30 phút.

12 giờ sau ca phẫu thuật, chân người bệnh hết đau hoàn toàn, cử động thoải mái. Một ngày sau, người bệnh có thể tự đi lại nhẹ nhàng.

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý cơ xương khớp xảy ra ngày càng phổ biến. Nguyên nhân do tai nạn hoặc thói quen sinh hoạt không đúng như ngồi lâu, ít vận động, nâng nhấc vật nặng sai tư thế…

Khi đĩa đệm nằm giữa các đốt sống bị hư hại, trượt ra khỏi vị trí ban đầu sẽ chèn ép lên tủy sống và các dây thần kinh trong ống sống. Lúc này, người bệnh cảm thấy đau nhức, rối loạn cảm giác tại chỗ. Về lâu dài, có thể gây khó cử động cổ, tay, chân, thậm chí tàn phế.

Người bệnh nên chủ động thăm khám khi phát hiện các dấu hiệu bất thường và tuân thủ hướng dẫn điều trị, nhất là khi đã có chỉ định phẫu thuật của bác sĩ. Bác sĩ Quỳnh cho biết, nhiều người có xu hướng lựa chọn điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu vì lo ngại các biến chứng sau phẫu thuật như lời đồn.

Tuy nhiên, các phương pháp điều trị bảo tồn chỉ hiệu quả với những trường hợp bệnh nhẹ và vừa. Khi đã có chỉ định phẫu thuật, trì hoãn điều trị càng lâu, nguy cơ biến chứng càng cao và khả năng phục hồi hoàn toàn các chức năng của cơ thể càng thấp. Người bệnh cũng cần đến các cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, máy móc hiện đại… để đạt hiệu quả cao trong điều trị.

Mới 15 tuổi cũng bị đột quỵ
Một bệnh nhân 15 tuổi, bị xuất huyết não do vỡ khối dị dạng mạch máu 0,5 cm, được bác sĩ mổ cứu kịp thời.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư