Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 24 tháng 12 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 21/3: U tủy sống có triệu chứng khởi phát mơ hồ, dễ bỏ qua
D.Ngân - 21/03/2024 10:03
 
Người bệnh khi có các dấu hiệu nghi ngờ như tê yếu, mất cảm giác da vùng thân dưới, cần đến bệnh viện có chuyên khoa sâu thần kinh, phẫu thuật thần kinh để thăm khám.

Dấu hiệu của u tủy sống ngực

Một bệnh nhân có biểu hiện tê yếu nhiều ở hai chân, đi khám nhiều nơi không tìm ra nguyên nhân yếu liệt hai chân trong nhiều tháng, lần này bác sĩ phát hiện khối u tủy sống ngực 4 cm.

U tủy sống có triệu chứng khởi phát mơ hồ, dễ bỏ qua trong giai đoạn đầu.

Cách đây hơn 4 tháng, nam bệnh nhân ở Bình Phước bắt đầu có biểu hiện tê yếu nhiều ở hai chân. Gia đình đưa ông đi khám ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM, được chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ và thắt lưng, chỉ phát hiện thoái hóa cột sống cổ và thêm bệnh lao màng phổi.

Bệnh nhân được chỉ định điều trị lao màng phổi trước. Sau điều trị hai tháng, bệnh nhân bị liệt hai chân gần như hoàn toàn, cơ thể ngày một yếu dần.

BS.CKII Đặng Bảo Ngọc, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, bệnh nhân có biểu hiện của tổn thương ở vùng tủy ngực chứ không phải ở cổ và thắt lưng như các chẩn đoán của những bệnh viện trước đó. Triệu chứng điển hình là liệt hai chân, mất cảm giác da từ khoảng ngang rốn trở xuống.

Người bệnh được các bác sĩ chỉ định chụp MRI 3 Tesla cột sống ngực có tiêm thuốc tương phản. Kết quả, phát hiện khối u tủy nằm trong ống sống ở đoạn đốt sống ngực D8, kích thước 3x4cm, chiếm hết lòng ống sống, đẩy lệch tủy sống sang một bên.

Theo bác sĩ Ngọc, bệnh nhân từng chụp MRI cột sống cổ và thắt lưng ở khu vực trên và dưới khối u chỉ vài centimet, khối u bị khuất nên các bác sĩ khám trước đây không tìm ra bệnh.

Khối u tủy của ông bệnh nhân ở vị trí rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng quan trọng như gây liệt hoàn toàn hai chân, teo cơ hai chân, tê bì mất cảm giác da phần thân dưới và hai chân.

Bác sĩ Bảo Ngọc cho biết thêm, các khối u tủy sống, đặc biệt là tủy sống ngực, thường phát triển với triệu chứng khởi phát mơ hồ, dễ bị bỏ qua trong giai đoạn đầu. Bệnh cũng có thể gây nhầm lẫn do các nguyên nhân khác như thoái hóa cột sống, suy nhược.

Người bệnh khi có các dấu hiệu nghi ngờ như tê yếu, mất cảm giác da vùng thân dưới, cần đến bệnh viện có chuyên khoa sâu thần kinh, phẫu thuật thần kinh để thăm khám.

Nguy kịch do sử dụng thuốc nam chữa viêm gan B

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 45 tuổi (Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng suy gan nặng do tự ý bỏ thuốc kháng virus viêm gan B và chuyển qua dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Bệnh nhân có tiền sử viêm gan B cách đây 10 năm, đồng thời bị u lympho. Khoảng một năm trước, bệnh nhân bắt đầu điều trị thuốc kháng virus viêm gan B. Nhưng cách đây 3 tháng, bệnh nhân tự ý bỏ thuốc điều trị và chuyển sang uống thuốc nam (không rõ nguồn gốc).

Từ khi uống thuốc nam, bệnh nhân mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn, vàng da tăng dần kèm theo nôn. Bệnh nhân đi khám, được chẩn đoán suy gan cấp, ung thư mô liên kết Kaposi, hôn mê gan, được bác sĩ chỉ định nhập viện.

Sau khi được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, suy gan nặng, phải đặt ống thở máy. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện, tiên lượng nặng.

Sau khi được các bác sĩ giải thích về tình trạng của người bệnh, gia đình bệnh nhân xin đưa về chăm sóc tại nhà.

Theo Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đơn vị đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong tình trang suy gan và hôn mê gan rất nặng do tự ý bỏ thuốc kháng virus để dùng thuốc nam, thuốc bắc.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, đối với bệnh nhân viêm gan B, cần đi khám định kỳ để được điều trị theo phác đồ.

Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc kháng virus, không được tự ý bỏ thuốc, dễ dẫn đến nguy hiểm. Tuyệt đối không được dùng các loại thuốc nam, thuốc bắc, thực phẩm chức năng khi chưa có tư vấn của bác sĩ trong điều trị viêm gan B.

Hà Nội: Bệnh thủy đậu gia tăng, nhiều biến chứng nguy hiểm

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát TP.Hà Nội, trong những tuần gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận 20-30 ca thủy đậu/tuần.

Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội có 202 trường hợp mắc thủy đậu (giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái).

Thủy đậu là bệnh do vi rút varicella zoster gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm và tăng cao hơn từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm. Bệnh có khả năng lây lan cao, lên đến 90% đối với người chưa từng mắc hoặc chưa từng tiêm vắc xin.

Dấu hiệu nhận biết đặc trưng của thủy đậu là phát ban, nổi mụn nước nhỏ chứa đầy dịch, gây ngứa. Trong vài ngày, các mụn nước sẽ vỡ ra và rỉ nước, sau đó đóng vảy trước khi lành lại. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 10 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với người nhiễm vi rút.

Các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội những ngày gần đây ghi nhận nhiều ca mắc thủy đậu ở cả người lớn và trẻ nhỏ.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông hiện đang điều trị nội, ngoại trú cho gần 10 bệnh nhân mắc thủy đậu, bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ.nhiều trường hợp bệnh tưởng nhẹ nhưng lại rất nguy hiểm khi bị biến chứng, nhất là với những trường hợp chưa được tiêm vắc xin, không được chăm sóc, điều trị đúng cách.

Tương tự, từ đầu năm 2024 đến nay, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì đã điều trị nội trú cho 16 bệnh nhân mắc thủy đậu nặng và 58 ca điều trị ngoại trú, gồm cả người lớn và trẻ nhỏ.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ; sử dụng đồ dùng sinh hoạt riêng; vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Cùng với đó, tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 9 tháng tuổi để phòng bệnh, tránh lây lan. Tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà, tránh bệnh tiến triển nặng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư