Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 22/1: Dấu hiệu sớm của ung thư đại tràng
D.Ngân - 22/01/2024 11:06
 
Ăn uống kém, khó tiêu, nôn ói, mệt mỏi một tháng nay, tưởng chán ăn do tuổi già, nhưng khi bác sĩ khám phát hiện bị ung thư đại tràng gây tắc ruột.

Cảnh báo các dấu hiệu sớm của bệnh

Bệnh nhân có các biểu hiện uống kém, khó tiêu, nôn ói, mệt mỏi. Nghĩ rằng chán ăn do tuổi già bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và các bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân có khối u đại tràng ngang kích thước 9 cm.

Ảnh minh hoạ.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hoá cho biết, u lớn khiến bệnh nhân tắc ruột, đại tràng bên phải giãn 8,5 cm, và giãn ruột non, khiến thức ăn không thể tiêu hóa, nôn ói sau khi ăn.

Bác sĩ Thái đánh giá bệnh nhân cần được giải quyết tình trạng tắc ruột càng sớm càng tốt để tránh biến chứng vỡ ruột, nguy hiểm đến tính mạng.

Do bệnh nhân tuổi cao, mắc nhiều bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, từng cắt túi mật. Các bác sĩ tìm phương án để phẫu thuật nhằm cứu sống nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sống cho bệnh nhân. Sau hội chẩn, ê kíp đề xuất hai phương án điều trị là phẫu thuật nội soi cắt trọn đại tràng có khối u hoặc mở hậu môn nhân tạo ra da.

Theo bác sĩ Thái, phương pháp mở hồi tràng ra da có thể giải quyết tắc ruột, bệnh nhân ăn lại được đường miệng nhưng về lâu dài có thể mất nước điện giải, viêm da, u xâm lấn hay di căn gây đau đớn, nhất là hiện tại u đã rất to, có biểu hiện thâm nhiễm xung quanh u.

Sau khi thảo luận với thân nhân, bác sĩ Thái quyết định phẫu thuật nội soi cắt trọn đại tràng có khối u và nạo vét hạch xung quanh. Ca mổ tiến hành trong gần ba giờ. Nếu thời gian phẫu thuật quá kéo dài có thể gây nguy hiểm cho người bệnh do biến chứng tim mạch, viêm phổi sau mổ trên bệnh nhân lớn tuổi.

Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe hồi phục, có thể ăn cháo, cơm, tự đi lại, xuất viện sau một tuần. Bà phục hồi nhanh chóng ngoài mong đợi của bác sĩ và gia đình.

Kết quả giải phẫu bệnh là ung thư giai đoạn 2B, chưa có dấu hiệu lan ra các hạch bạch huyết lân cận, và chưa di căn đến các vị trí xa. Bác sĩ phối hợp với chuyên khoa ung bướu để có phác đồ điều trị tiếp theo cho cụ.

Hiện chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ung thư đại tràng. Một số yếu tố nguy cơ như chế độ dinh dưỡng không khoa học, ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, hút thuốc lá, rượu bia, lối sống ít vận động, người lớn tuổi, từ 45 tuổi trở lên.

Bệnh thường không có dấu hiệu ở giai đoạn sớm. Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể gặp triệu chứng đau bụng, nôn ói, ăn không tiêu, mệt mỏi, giảm cân, thay đổi thói quen đi tiêu (táo bón, tiêu chảy), tắc ruột, đi tiêu ra máu. Tùy vào giai đoạn bệnh mà có mức độ nguy hiểm khác nhau. Phát hiện ung thư ở giai đoạn càng sớm thì khả năng điều trị khỏi càng cao.

Qua trường hợp ca bệnh nêu trên các bác sĩ tại đây khuyến nghị mọi người nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc ung thư, nhất là người ở tuổi 45 trở lên, gia đình có tiền sử ung thư đại tràng.

Vẫn thiếu máu ở Cần Thơ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Thiếu vật tư, hoá chất sinh phẩm tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Cần Thơ- nơi cung cấp máu cho Cần Thơ và 10 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, từ tháng 3/2023, dẫn đến tình trạng thiếu máu, buộc Trung tâm Máu Quốc gia và 2 bệnh viện tại TP.HCM phải hỗ trợ cung cấp cấp máu cho các bệnh viện hoạt động. Đến nay, bước sang năm 2024, khu vực này vẫn đang thiếu máu cho cấp cứu và điều trị, đặc biệt là dịp Tết cận kề.

TS.Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, trong 3 tháng Tết, Viện Huyết học cần 120.000 đơn vị máu cho cấp cứu và điều trị.

Đặc biệt, dịp này, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Cần Thơ vẫn chưa giải quyết được tình trạng tiếp nhận máu, nên Trung tâm mỗi tuần phải tiếp tục cung cấp 1.000 đơn vị máu cho Cần Thơ, vì vậy, nhu cầu máu tăng cao hơn các năm trước.

Nguyên nhân vì sao tại Cần thơ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long lại thiếu máu kéo dài? Theo TS.Trần Ngọc Quế, từ tháng 3/2023, Bệnh viện Huyết học -Truyền máu TP.Cần Thơ không đấu thầu được hoá chất, sinh phẩm và đến tháng 6 cùng năm không mua được túi máu,…nên không tiếp nhận được máu, dẫn đến tình trạng thiếu máu cung cấp cho các bệnh viện ở Cần Thơ và 74 bệnh viện trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế chỉ đạo Trung tâm Máu Quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Huyết học-Truyền máu TP.HCM cung cấp máu và các chế phẩm máu cho Cần Thơ.

Theo đó, tính từ tháng 3 đến tháng 12/2023, 3 đơn vị trên đã cung cấp cho Cần Thơ hơn 103.000 đơn vị máu và các chế phẩm máu. Riêng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cung cấp 50.000 đơn vị.

Sang năm 2024, Cần Thơ mới khắc phục được thiếu sinh phẩm, hoá chất, nhưng chưa đấu thầu được quà tặng cho người hiến máu và tiếp tục có công văn gửi Trung tâm Máu Quốc gia đề nghị hỗ trợ cung cấp máu đến tháng 3.

Theo Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, do Cần Thơ không tiếp nhận được máu, nên Viện phải giải quyết. Tuy nhiên, việc lấy máu hộ đã tạo ra nghịch lý khi chi phí vận chuyển máu, trang thiết bị bằng đường hàng không rất lớn.

Khan hiếm máu trong dịp Tết Nguyên đán, nếu chỉ trông chờ vào nguồn máu cung cấp từ nơi khác mà không khắc phục được tình trạng thiếu hoá chất, sinh phẩm để tiếp nhận máu, trong trường hợp có tai nạn hàng loạt, hoặc cấp cứu thảm hoạ, thì lúc đó sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Tại kho của Trung tâm Máu Quốc gia luôn dự trữ khoảng 12.000 -15.000 đơn vị máu, tuy nhiên, hiện nay số lượng đang sụt giảm vì hàng tuần vẫn phải cung cấp cho Cần Thơ 1.000 đơn vị.

Vì vậy, để đảm bảo cho cấp cứu và điều trị trong dịp Tết, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương kêu gọi người dân hãy đến các điểm hiến máu cố định để hiến máu, đặc biệt người có nhóm máu O, B vì đây là hai nhóm máu đang thiếu.

Bệnh viện đang tìm mọi cách làm sao tiếp nhận lượng máu nhiều nhất để điều tiết cho các khu vực, cung cấp đủ cho các vùng sâu, vùng xa vào dịp Tết. Đặc biệt, kêu gọi người dân hiến tiểu cầu vì tiểu cầu chỉ lưu trữ được 5 ngày.

“Trong 3 ngày, mùng 1, 2, 3 Tết, chúng tôi vẫn gạn tách tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị. Mỗi ngày, cả nước cần 5.500 người hiến máu, nhưng đến nay  mới chỉ đáp ứng được khoảng 80%, vì vậy rất cần và duy trì người hiến máu thường xuyên, người hiến máu nhắc lại”, TS.Quế kêu gọi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư