Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 22/2: Phát hiện ung thư nhờ khám sức khỏe tổng quát
D.Ngân - 22/02/2024 07:46
 
Dẫn vợ đi khám sức khỏe tổng quát, anh T. khám theo và phát hiện ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm.

Phát hiện sớm ung thư nhờ khám sức khỏe

Vợ chồng anh T.V.T. (54 tuổi, Việt kiều Mỹ) về Việt Nam để đón Tết Nguyên Đán 2024 sau 5 năm xa quê. Thấy Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nên vợ anh đến khám sức khỏe tổng quát và anh đi cùng vợ. Kết quả xét nghiệm ghi nhận sức khỏe của vợ anh T. bình thường.

Ảnh minh họa.

Trên đường ra đón taxi từ bệnh viện về nhà, nghe vợ khuyên, anh đến bệnh viện rồi thì khám sức khỏe luôn cho tiện, chứ qua Mỹ đặt hẹn rất khó, lại tốn nhiều tiền.

Lúc đầu, anh T. không muốn khám vì thấy sức khỏe mình nhiều năm nay bình thường. Anh chơi đủ các môn cầu lông, đá bóng 2 -3 lần/tuần, đi bộ, ăn uống ngon miệng. Nhưng thấy vợ cằn nhằn, anh đồng ý trở vào bệnh viện khám cho chị an tâm.

Kết quả siêu âm tuyến giáp ghi nhận anh T. bị đa nhân giáp 2 thùy. Trong đó, thùy trái có nhân kích thước 3cm, phân loại TIRADS 4A (khả năng ác tính khoảng 5%-10%).

Người bệnh được chọc hút bằng kim nhỏ (FNAC) dưới hướng dẫn siêu âm, ghi nhận các tế bào biểu mô tuyến giáp tăng sản, tạo thành đám cấu trúc dạng nhú. Kết quả sinh thiết khẳng định anh T. bị ung thư tuyến giáp dạng nhú.

Nhìn kết quả chẩn đoán ung thư, mặt anh T. tái nhợt, ngồi sụp xuống ghế. Chị N. đặt tay lên vai anh, động viên chồng bình tĩnh, đừng quá lo lắng. “Tôi chưa từng bị cảm giác nuốt khó hay khó thở, mọi sinh hoạt bình thường, không hiểu sao bị ung thư”, anh T. nói.

Thạc sĩ bác sĩ CKII Đoàn Minh Trông, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, trấn an người bệnh, ung thư tuyến giáp vẫn ở giai đoạn sớm, kích thước nhỏ, điều trị sớm thì cơ hội sống trên 5 năm lên đến hơn 90%.

Nếu phát hiện muộn, ung thư di căn hạch, thậm chí lan đến phổi, xương… gây khó khăn trong việc điều trị, suy kiệt thể chất, tinh thần và tốn kém nhiều chi phí.

Ông T. được chỉ định phẫu thuật cắt 2 thùy tuyến giáp. Tuyến giáp nằm phía trước cổ, dính liền là 2 tuyến cận giáp trên và 2 tuyến cận giáp dưới; phía sau tuyến giáp là dây thần kinh quặt ngược thanh quản (chi phối giọng nói).

Trên thùy trái tuyến giáp có nhân kích thước 3cm như trên siêu âm, giới hạn rõ, chưa xâm lấn. Thùy phải tuyến giáp có nhân 1cm, chưa xâm lấn. Ê-kíp khéo léo đưa dao siêu âm Harmonic cắt toàn bộ tuyến giáp.

Sử dụng dao siêu âm (Harmonic Scaple) giúp giảm tỉ lệ chảy máu, ít gây tổn thương mô xung quanh và rút ngắn thời gian phẫu thuật chỉ còn 60 phút so với phương pháp mổ với dao thông thường (khoảng 2 - 3 tiếng). Kết thúc cuộc phẫu thuật, ê kíp khâu đóng vết thương, may thẩm mỹ cho người bệnh, đường vết sẹo nhỏ như cọng tóc.

Bác sĩ Trông đánh giá, phẫu thuật tuyến giáp nếu không cẩn trọng dễ gây khàn giọng vĩnh viễn, tê tay (do tác động đến tuyến cận giáp), tụ dịch dẫn đến sưng phù nề vùng cổ. Phẫu thuật viên nếu không khéo léo sẽ để lại vết thương dài trước cổ, ảnh hưởng đến thẩm mỹ ở người bệnh.

8 tiếng sau phẫu thuật, anh T. được xuất viện, các chỉ số huyết áp, nhịp thở, SpO2 (độ bão hòa oxy máu) đạt mức bình thường (98%). Kết quả giải phẫu bệnh ghi nhận ung thư chưa xâm lấn, anh T. không cần điều trị hỗ trợ thêm với phương pháp uống i-ốt phóng xạ. Tuy nhiên, do đã cắt toàn bộ tuyến giáp, anh T. cần uống hormon tuyến giáp bổ sung suốt đời.

Bác sĩ Minh Trông cho biết, ung thư tuyến giáp gồm 2 loại: ung thư tuyến giáp biệt hóa tốt (carcinom tuyến giáp dạng nhú, dạng nang) và ung thư tuyến giáp kém biệt hóa (carcinom tuyến giáp dạng tủy, kém biệt hóa, không biệt hóa).

Trong đó, ung thư biểu mô tuyến giáp dạng nhú chiếm 80% – 85% số ca ung thư tuyến giáp. Loại ung thư này có tiên lượng điều trị tốt, hơn 90% người mắc ung thư tuyến giáp dạng nhú sống 10-20 năm sau điều trị.

Tuy nhiên, ung thư biểu mô tuyến giáp dạng nhú xâm lấn, di căn đến hạch bạch huyết lân cận. Khoảng 10% bệnh nhân có thể biểu hiện bệnh di căn hạch ở lần khám đầu tiên.

Các yếu tố khiến loại ung thư này có tiên lượng xấu hơn là những trường hợp mà người bệnh lớn hơn 55 tuổi, khối u lớn, tế bào ác tính đã di căn phổi, xương.

Ở giai đoạn sớm, ung thư tuyến giáp nói chung và ung thư tuyến giáp thể nhú thường không có triệu chứng hoặc xuất hiện khối u, nốt sần trên cổ. Đa phần các trường hợp được phát hiện qua khám sức khỏe tổng quát. Ở giai đoạn trễ, người bệnh bị giảm cân, nuốt nghẹn, vướng ở cổ…, khi khám đã phát hiện di căn phổi, xương.

Người dân nên khám tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, điều trị kịp thời, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

Hà Nội ghi nhận ca mắc liên cầu lợn đầu tiên trong năm 2024

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận ca mắc liên cầu lợn đầu tiên trong năm 2024.

Bệnh nhân là người đàn ông 67 tuổi, nghề nghiệp bảo vệ (ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Trước khi nhập viện 2 ngày, bệnh nhân khởi phát bệnh với các triệu chứng: Sốt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng đau đầu nhiều, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chậm chạp. Xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy cho kết quả, dương tính với liên cầu lợn (S.Suis).

Trước đó, vào dịp giáp Tết Nguyên đán, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do ăn tiết canh lợn. Đó là nam bệnh nhân 50 tuổi (ở Giao Thủy, Nam Định), có tiền sử khỏe mạnh.

Ba ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có mổ lợn, chế biến tiết canh liên hoan tất niên cùng bạn bè. Sau liên hoan 1 ngày, bệnh nhân thấy đau mỏi người, đi ngoài phân lỏng 2 lần, kèm sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái.

Các bác sĩ chẩn đoán, nam bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, theo dõi do liên cầu lợn (Streptococcus suis). Dù được chăm sóc, điều trị tích cực, nhưng bệnh nhân đã tử vong do sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn có suy đa tạng, toan chuyển hóa - rối loạn đông máu nặng.

Liên cầu lợn là một vi khuẩn cư trú tự nhiên ở đường hô hấp trên, đặc biệt là amidan, khoang mũi, đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh hoặc bị bệnh. Bệnh lây nhiễm sang người qua tiếp xúc với vết thương hở trên da, ăn đồ tái sống...

Theo các chuyên gia y tế, thời gian ủ bệnh liên cầu khuẩn, tính từ khi phơi nhiễm đến khi phát bệnh thông thường từ vài giờ đến 3 ngày, nhưng cũng có thể lâu hơn, kéo dài đến 7-10 ngày. Các biểu hiện chính của bệnh là sốt cao, có những cơn rét run; nôn và buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy; đau đầu dữ dội.

Trường hợp bệnh nặng, nguy kịch sẽ xuất hiện các rối loạn thần kinh như: Lơ mơ, lú lẫn, hôn mê, co giật… hoặc tổn thương các dây thần kinh trung ương như điếc, mắt mờ; rối loạn tuần hoàn.

Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện rối loạn hô hấp như: Khó thở, viêm phổi, suy hô hấp; suy chức năng gan; suy chức năng thận; xuất huyết dưới da toàn thân dưới dạng mảng bầm tím; xuất huyết niêm mạc; xuất huyết nội tạng và nhiều rối loạn khác.

Khi phát hiện một trong những triệu chứng trên, nhất là ở những người có tiền sử tiếp xúc thường xuyên với lợn hoặc ăn tiết canh, thịt lợn thì cần khẩn trương đưa người bệnh đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế.

Để tránh mắc bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, những người chăn nuôi và giết mổ, chế biến thịt lợn cần nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, vệ sinh khi tiếp xúc, giết mổ chế biến thịt lợn như mặc quần áo bảo hộ, đi ủng, đeo găng tay; thường xuyên phun khử khuẩn chuồng trại, nơi giết mổ.

“Tuyệt đối không giết mổ, không ăn thịt lợn bệnh, lợn chết, tiết canh lợn, thịt lợn sống, thịt lợn tái chưa nấu chín kỹ. Lợn bệnh, lợn chết phải được tiêu hủy, chôn, phun thuốc khử trùng theo đúng quy định. Người tiêu dùng nên lựa chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y”, các bác sĩ nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư