Thứ Ba, Ngày 22 tháng 04 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 22/4: Bộ Y tế đề nghị các sàn thương mại điện tử siết chặt việc bán thuốc kê đơn, thuốc kiểm soát đặc biệt
D.Ngân - 22/04/2025 09:23
 
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn yêu cầu các nền tảng như Meta Platforms Inc., Shopee và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh dược phẩm.

Bộ Y tế đề nghị các sàn thương mại điện tử siết chặt việc bán thuốc kê đơn, thuốc kiểm soát đặc biệt

Theo đó, Cục Quản lý Dược cho biết, thời gian qua, các phương tiện truyền thông đã phản ánh tình trạng mua bán thuốc, bao gồm thuốc kê đơn và thuốc thuộc danh mục phải kiểm soát đặc biệt, diễn ra công khai trên các nền tảng trực tuyến.

Trước thực trạng này, Cục đã yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực dược.

Ảnh minh họa.

Đồng thời, nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng và cung ứng đầy đủ thuốc chất lượng cho người dân, Cục cũng đề nghị các Sở Y tế địa phương chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn.

Các nội dung cần chú trọng bao gồm: Đảm bảo các cơ sở kinh doanh thuốc thực hiện đúng quy định chuyên môn và pháp luật; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp bán lẻ thuốc tại địa điểm không đúng với thông tin ghi trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược;

Đặc biệt là các hành vi mua bán thuốc kê đơn, thuốc kiểm soát đặc biệt qua hình thức trực tuyến mà không tuân thủ quy định. Cục Quản lý Dược khẳng định sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó có cả việc sản xuất và buôn bán thuốc giả, sữa giả nếu được phát hiện đưa vào các cơ sở y tế.

Những năm gần đây, tình trạng buôn bán thuốc giả đã và đang gia tăng tại nhiều địa phương, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Mới đây, công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn, với hàng chục loại thuốc giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc được đưa vào thị trường.

Sử dụng thuốc giả có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người dùng. Các loại thuốc này thường thiếu hiệu quả điều trị, có thể dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng hơn hoặc gây ra tác dụng phụ nguy hiểm. Thậm chí, thuốc giả có thể chứa các thành phần độc hại, làm tổn hại cơ thể, thậm chí dẫn đến tử vong nếu sử dụng trong thời gian dài.

Ngoài ra, thuốc giả cũng làm ảnh hưởng đến nền kinh tế và uy tín của ngành dược phẩm, gây tổn hại đến niềm tin của người dân vào hệ thống y tế.

Cục Quản lý Dược khuyến khích người dân sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến để kiểm tra thông tin thuốc. Các bước tra cứu rất đơn giản và dễ thực hiện.

Bước 1: Truy cập vào hệ thống dịch vụ công của Cục Quản lý Dược.

Bước 2: Tra cứu số đăng ký thuốc hoặc thông tin thuốc cần tìm (theo tên thuốc, số đăng ký, cơ sở sản xuất…).

Bước 3: Đối chiếu kết quả tra cứu để kiểm tra thông tin về thuốc, bao gồm tên thuốc, số đăng ký, dạng bào chế, hàm lượng, cơ sở sản xuất và mẫu nhãn thuốc.

Khi tra cứu thông tin, hệ thống sẽ cung cấp đầy đủ các chi tiết liên quan đến thuốc như tên, số đăng ký, nhà sản xuất, và cả mẫu nhãn thuốc đã được Cục Quản lý Dược phê duyệt.

Các hướng dẫn được đưa ra bởi Cục Quản lý dược để không trở thành nạn nhân của thuốc giả là:

Chỉ mua thuốc tại các nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phép, có uy tín và địa chỉ rõ ràng. Người dân không nên mua thuốc từ các nguồn không rõ ràng như chợ, hàng rong hoặc qua các trang mạng xã hội, livestream, vì đây là các kênh có nguy cơ cao bán thuốc giả.

Bao bì của thuốc phải nguyên vẹn, không rách, mờ hoặc có dấu hiệu chỉnh sửa.

Kiểm tra các thông tin quan trọng như tên thuốc, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, số đăng ký, tên nhà sản xuất. Những thông tin này phải rõ ràng và không bị tẩy xóa.

So sánh với bao bì chính hãng (nếu có) để phát hiện sự khác biệt về màu sắc, chữ in hoặc logo.

Quan sát màu sắc, kích thước và ký hiệu trên viên thuốc, hộp thuốc. Nếu có sự khác biệt so với lần sử dụng trước, không nên sử dụng.

Sử dụng ứng dụng quét mã vạch hoặc mã QR (nếu có) để kiểm tra thông tin sản phẩm.

Khi mua thuốc, yêu cầu hóa đơn mua hàng để đảm bảo nguồn gốc. Hóa đơn cũng là cơ sở để khiếu nại nếu phát hiện thuốc giả.

Thuốc giả thường được bán với giá rẻ bất thường nhằm thu hút người mua. Nếu giá quá thấp so với thị trường, cần phải cẩn trọng, vì đây có thể là dấu hiệu của thuốc giả.

Trước khi mua thuốc, người dân nên tra cứu thông tin thuốc trên website của Cục Quản lý Dược (dav.gov.vn) hoặc các trang web uy tín của nhà sản xuất. Đồng thời, tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ, đặc biệt đối với các loại thuốc kê đơn. Đối với thuốc kê đơn, chỉ mua thuốc theo đơn thuốc của bác sỹ.

Từ ngày 1/7/2025, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược, chỉ một số thuốc không kê đơn mới được phép kinh doanh qua phương thức thương mại điện tử. Người dân cần chỉ mua thuốc trên các trang web được cấp phép bán thuốc trực tuyến. Không nên mua thuốc qua các nền tảng mạng xã hội hoặc từ người bán cá nhân không rõ danh tính.

Phát hiện ung thư Sarcoma mô bào cực hiếm sau chuỗi phẫu thuật tiết niệu kéo dài

Một phụ nữ 48 tuổi, quê ở Thái Bình, vừa được chẩn đoán mắc Sarcoma mô bào - một dạng ung thư hiếm gặp với tỷ lệ mắc chưa đến 1 người trên 1 triệu dân sau hơn một năm điều trị tại nhiều bệnh viện, trải qua hàng loạt phẫu thuật phức tạp liên quan đến hệ tiết niệu.

Trước khi đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân N.T.L. đã điều trị tại nhiều cơ sở y tế vì liên tục gặp phải các triệu chứng đau bụng, sốt cao và bất thường đường tiết niệu.

Thời gian đầu, chị được chẩn đoán ứ nước bể thận và theo dõi áp xe niệu quản. Từ đó, bệnh nhân liên tục phải thực hiện các thủ thuật và phẫu thuật như mổ nội soi bóc áp xe, đặt ống JJ niệu quản trái, và sau đó là mổ mở tạo hình niệu quản khi phát sinh biến chứng thủng niệu quản.

Sau ca phẫu thuật vào tháng 9/2024, tưởng chừng bệnh đã ổn định thì bệnh nhân bất ngờ tái phát các triệu chứng nặng hơn: bí tiểu, sốt liên tục ở mức cao 40 - 41°C dù đã sử dụng kháng sinh. Khi tình trạng không đáp ứng điều trị, chị được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốt kéo dài, nhiễm trùng tiết niệu nặng và có dấu hiệu nhiễm khuẩn huyết.

Kết quả siêu âm cho thấy đài bể thận và niệu quản trái giãn, trong khi vùng tiểu khung lệch trái xuất hiện khối tổn thương hỗn hợp âm có kích thước 49x36mm. Trên phim CT, phát hiện thêm một khối tăng tỷ trọng tại hố chậu trái với kích thước 51x60mm kèm theo dịch xung quanh.

Nhận định có khả năng khối u ác tính, các bác sỹ đã tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa và quyết định mổ mở cấp cứu để tìm đến tận cùng nguyên nhân bệnh.

Bác sỹ Trần Thượng Việt, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu và Nam học cho biết, bệnh nhân từng trải qua nhiều lần mổ nhưng triệu chứng vẫn tái diễn. Khi thăm khám, chúng tôi phát hiện khối u lớn ở cạnh tử cung trái. Mặc dù trước đó các cơ sở tuyến dưới đều nghi ngờ áp xe viêm, nhưng dựa trên tình trạng lâm sàng, chúng tôi quyết định phẫu thuật để lấy toàn bộ khối u và làm xét nghiệm giải phẫu bệnh, không để chậm trễ thêm.

Ca phẫu thuật kéo dài 2 tiếng. Trong quá trình mổ, bác sỹ phát hiện có hai khối u: một khối nằm ở buồng trứng trái khoảng 3cm, khối còn lại nằm phía sau tử cung, xâm lấn thành bàng quang, kích thước khoảng 4cm. Cả hai khối u cùng tử cung đã được cắt bỏ hoàn toàn. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, vết mổ khô và hồi phục tốt. Chị tiếp tục được chỉ định hóa trị để điều trị triệt để.

Tuy nhiên, bất ngờ thực sự chỉ đến khi mẫu bệnh phẩm được gửi đi phân tích tại khoa Giải phẫu bệnh. Sau ba lần phân tích kỹ lưỡng và nhiều cuộc hội chẩn chuyên sâu, bao gồm cả hội chẩn quốc tế, các bác sỹ xác định bệnh nhân mắc Sarcoma mô bào - một thể ung thư cực kỳ hiếm gặp và khó chẩn đoán.

Bác sỹ Vũ Xuân Ngọc, phụ trách khoa Giải phẫu bệnh cho biết, Sarcoma mô bào là một rối loạn thuộc nhóm histiocytis rất hiếm, có liên quan đến các bệnh lý ác tính về máu và có thể đi kèm u tế bào mầm. Bệnh này có tỷ lệ mắc cực thấp, chỉ khoảng 0,17 ca trên 1 triệu dân.

Do đặc điểm hình thái và miễn dịch học không điển hình, Sarcoma mô bào rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như lymphoma, ung thư biểu mô kém biệt hóa, u hắc tố hoặc các loại sarcoma khác. Việc chẩn đoán đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết và kinh nghiệm chuyên sâu.

Trường hợp của bệnh nhân N.T.L. là minh chứng điển hình cho tầm quan trọng của sự phối hợp đa chuyên khoa, sự kiên trì trong chẩn đoán và cả vai trò của hợp tác quốc tế trong các bệnh lý hiếm gặp. Việc phát hiện và xử lý sớm khối u ác tính đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện tiên lượng điều trị cho bệnh nhân.

Giải pháp mới mở ra hy vọng cho người bệnh mắc tim mạch

Một ca bệnh điển hình về tái hẹp động mạch vành sau đặt stent vừa được xử lý thành công bằng phương pháp can thiệp không dùng stent, mở ra một xu hướng điều trị hiện đại, hiệu quả và an toàn hơn cho người bệnh mạch vành.

Ông Ngô Văn S. (72 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau thắt ngực nghiêm trọng kéo dài gần một tháng, cơn đau xuất hiện ngày càng dày đặc, đặc biệt sau khi vận động, làm việc nặng hoặc leo cầu thang. Mỗi khi nghỉ ngơi, triệu chứng có thuyên giảm nhưng vẫn ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống.

Sau khi được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như xét nghiệm máu, men tim, siêu âm tim, điện tâm đồ và chụp CT động mạch vành bằng thiết bị CT hiện đại Somatom Force VB 30 có chế độ khử nhiễu, bác sỹ phát hiện ông Sáu bị hẹp nặng 80 - 90% ngay tại vị trí đặt stent cách đây 8 năm.

Tái hẹp trong stent là biến chứng không hiếm gặp sau can thiệp mạch vành. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim, gây đau ngực khi gắng sức, và nếu không điều trị kịp thời có thể gây nhồi máu cơ tim, suy tim hoặc đột quỵ.

ThS.Nguyễn Tuấn Long (Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, với các ca tái hẹp trên nền stent cũ, nếu tiếp tục đặt thêm stent sẽ khiến mạch máu trở nên xơ cứng, kém đàn hồi, làm tăng nguy cơ tái hẹp trong tương lai. Sau hội chẩn chuyên môn, ê-kíp quyết định sử dụng phương pháp can thiệp mới – nong bóng phủ thuốc, không đặt thêm stent.

Ca can thiệp bắt đầu bằng việc luồn dây dẫn từ động mạch quay đến vùng hẹp. Sau đó, sử dụng bóng có các lưỡi dao siêu nhỏ để cắt phá mảng xơ vữa vôi hóa - bước “dọn đường” cho bóng áp lực cao nong rộng mạch máu. Cuối cùng, bóng phủ thuốc được đưa vào tiếp xúc trực tiếp với thành mạch. Thuốc phủ có tác dụng ức chế sự tăng sinh quá mức của lớp nội mạc, từ đó ngăn ngừa tái hẹp hiệu quả.

Chỉ sau 1 giờ can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, hoàn toàn hết đau ngực và có thể xuất viện ngay ngày hôm sau. Theo bác sỹ Long, nong bóng phủ thuốc là xu hướng mới được các hiệp hội tim mạch hàng đầu như ESC (Châu Âu) và AHA (Hoa Kỳ) khuyến nghị áp dụng trong trường hợp tái hẹp trong stent. Phương pháp này mang lại hiệu quả tương đương đặt stent, đồng thời giúp giữ nguyên độ co giãn tự nhiên của mạch máu, giảm nguy cơ xơ cứng và đặc biệt là rút ngắn thời gian dùng thuốc chống đông, giảm nguy cơ chảy máu cho người bệnh.

Tuy nhiên, bác sỹ Long nhấn mạnh, không phải trường hợp nào cũng phù hợp với nong bóng phủ thuốc. Việc lựa chọn phương pháp cần được cá thể hóa, dựa trên đặc điểm tổn thương, tiền sử can thiệp và đánh giá toàn diện từ hội chẩn liên chuyên khoa.

Bệnh mạch vành hiện là nguyên nhân tử vong đứng thứ ba trên toàn cầu, chiếm khoảng 17,8 triệu ca tử vong mỗi năm. Riêng năm 2022, ước tính có 315 triệu người mắc căn bệnh này. Dù kỹ thuật đặt stent ngày càng hiện đại, tỷ lệ tái hẹp trong stent vẫn dao động khoảng 1- 2% mỗi năm.

“Những bước tiến trong kỹ thuật can thiệp như bóng phủ thuốc đang mở ra hy vọng mới, giúp người bệnh giảm nguy cơ biến chứng, phục hồi nhanh hơn và sống khỏe mạnh hơn”, bác sỹ Long chia sẻ.

Để phòng ngừa bệnh mạch vành và nguy cơ tái hẹp sau can thiệp, bác sỹ Long khuyến cáo người dân  cần khám sức khỏe và tầm soát tim mạch định kỳ. Ăn uống khoa học: giảm đường, muối, tránh đồ chế biến sẵn. Tăng cường rau xanh, cá béo, ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá. Tập thể dục đều đặn, kiểm soát cân nặng, giảm căng thẳng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư