
-
Người Việt chi khám chữa bệnh do thuốc lá nhiều gấp 5 lần thuế thu từ thuốc lá
-
Nhức nhối thuốc giả, sữa giả
-
Bổ sung nguồn vốn ngân sách triển khai mua sắm thiết bị y tế cho Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2
-
Kết nối VNeID giúp người dân an tâm mua thuốc: Hơn 100.000 lượt truy cập chỉ sau hơn 3 tháng
-
Tin mới y tế ngày 22/4: Bộ Y tế đề nghị các sàn thương mại điện tử siết chặt việc bán thuốc kê đơn, thuốc kiểm soát đặc biệt -
Vụ sữa giả vào bệnh viện: Chấn chỉnh tình trạng kê đơn sữa, thực phẩm chức năng tại cơ sở y tế
Sốc nhiễm khuẩn vì liên cầu khuẩn: Cảnh báo biến chứng nguy hiểm từ cúm mùa
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận và cấp cứu thành công một trường hợp sốc nhiễm khuẩn nặng do liên cầu khuẩn nhóm A. Bệnh nhân là nữ sinh 22 tuổi, không có bệnh nền, được đưa đến trong tình trạng suy hô hấp, tụt huyết áp, rối loạn ý thức và tổn thương đa cơ quan.
![]() |
Ảnh minh họa |
Trước đó, bệnh nhân khởi phát với các biểu hiện rất giống cảm cúm thông thường như sốt cao, đau họng, ho khan và mệt mỏi. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 24 giờ, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng. Bệnh nhân bắt đầu khó thở, tím môi, tụt huyết áp nhanh chóng và rơi vào hôn mê nhẹ.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được đưa thẳng vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng, viêm phổi cấp lan tỏa và suy đa tạng. Các bác sỹ đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hồi sức tích cực gồm: thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục, dùng kháng sinh phổ rộng theo phác đồ, cùng với thuốc vận mạch để duy trì huyết áp.
Sau 5 ngày điều trị khẩn trương và tích cực, bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng sốc, phổi cải thiện rõ rệt và dần tỉnh táo trở lại. Hai tuần sau, bệnh nhân đã có thể tự thở, ăn uống và trò chuyện bình thường.
Theo các chuyên gia, liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus pyogenes) là vi khuẩn phổ biến gây viêm họng, nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp, vi khuẩn này có thể tấn công sâu, gây nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm độc - tình trạng có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Đáng lưu ý, đối tượng mắc biến chứng nặng không chỉ giới hạn ở người có bệnh nền hay sức đề kháng yếu, mà cả người trẻ, khỏe mạnh cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các bác sỹ cảnh báo, đây là lời nhắc nhở không nên chủ quan với những triệu chứng hô hấp tưởng chừng đơn giản, đặc biệt trong thời điểm giao mùa, khi virus và vi khuẩn có xu hướng hoạt động mạnh. Người dân cần theo dõi sát diễn biến bệnh và đi khám sớm khi thấy có dấu hiệu bất thường như sốt cao kéo dài, khó thở, lừ đừ hoặc tím tái.
Nguy cơ đột quỵ do biến chứng tăng huyết áp
Anh Q., 53 tuổi, ngụ tại TP.HCM, được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau đầu dữ dội, chóng mặt, cổ gượng, lừ đừ… Sau nhiều ngày tự điều trị tại nhà vì nghĩ rằng chỉ bị “trúng gió”, anh được chẩn đoán mắc xuất huyết dưới nhện, một dạng đột quỵ não cực kỳ nguy hiểm, nguyên nhân do huyết áp tăng vọt không kiểm soát.
Trước đó, anh Q. bắt đầu xuất hiện các cơn đau đầu từng cơn ở vùng đỉnh và hai bên thái dương, kèm theo cảm giác sốt nhẹ, choáng váng.
Người thân cho rằng anh bị trúng gió và đã tiến hành cạo gió tại nhà. Tuy nhiên, vài giờ sau, triệu chứng không thuyên giảm, anh được đưa đến bệnh viện địa phương. Tại đây, bác sỹ ghi nhận huyết áp của anh tăng cao đến mức nguy hiểm: 218/130 mmHg. Sau khi được dùng thuốc hạ áp, huyết áp tạm ổn định, anh được cho xuất viện và về nhà tiếp tục dùng thuốc theo chỉ định.
Dù huyết áp đã giảm xuống mức 140/90 mmHg, nhưng cơn đau đầu vẫn kéo dài và ngày càng nghiêm trọng. Lo lắng, anh Q. được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM để kiểm tra lại.
Lúc này, huyết áp lại tăng vọt lên 200 mmHg và không đáp ứng với điều trị thông thường, dù đã sử dụng tới 4 loại thuốc khác nhau. Hình ảnh chụp CT não không cản quang ban đầu không phát hiện tổn thương rõ rệt, không thấy dấu hiệu nhồi máu hay xuất huyết não điển hình.
Trước những biểu hiện lâm sàng không tương xứng với hình ảnh, các bác sỹ nghi ngờ có tổn thương não tiềm ẩn nên đã tiến hành hội chẩn giữa chuyên khoa Tim mạch và Thần kinh.
Sau khi thống nhất, bệnh nhân được chọc dò dịch não tủy. Kết quả cho thấy trong dịch có máu - dấu hiệu điển hình của xuất huyết dưới nhện. Bệnh nhân lập tức được chụp CT não có cản quang, phát hiện tình trạng xuất huyết dưới nhện lan tỏa, tuy không phát hiện túi phình động mạch não.
Bác sỹ CKI Huỳnh Trí Dũng, khoa Phẫu thuật Thần kinh, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, xuất huyết dưới nhện là hiện tượng máu chảy vào khoang dưới nhện, khoảng trống giữa màng nhện và màng mềm bao quanh não. Đây là một dạng đột quỵ xuất huyết rất nguy hiểm.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong đột ngột hoặc đối mặt với hàng loạt biến chứng như co thắt mạch máu não, nhồi máu não, tăng áp lực nội sọ, não úng thủy, thoát vị não hoặc chảy máu tái phát.
Trong trường hợp của anh Q., nguyên nhân không phải do chấn thương hay phình động mạch não, những nguyên nhân thường gặp mà là do huyết áp tăng đột ngột gây vỡ các vi mạch não.
Qua khai thác bệnh sử, bác sỹ phát hiện anh Q. có tiền sử tăng huyết áp suốt hơn 10 năm nhưng không điều trị thường xuyên, chỉ dùng thuốc khi thấy khó chịu. Việc này khiến huyết áp không được kiểm soát, tạo nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Bệnh nhân được điều trị nội khoa tích cực bằng thuốc giảm đau, kháng viêm, chống phù não và kiểm soát huyết áp. Sau một tuần điều trị, tình trạng đau đầu của anh giảm dần, huyết áp ổn định ở mức 140/80 mmHg. Anh được xuất viện trong tình trạng hồi phục tốt và được dặn dò tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, tái khám định kỳ và thay đổi lối sống để kiểm soát huyết áp lâu dài.
Theo ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội Tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ.
Hơn 80% trường hợp đột quỵ lần đầu có liên quan đến tình trạng tăng huyết áp kéo dài không được điều trị đúng cách. Khi huyết áp vượt ngưỡng 180/120 mmHg, các mạch máu não có thể bị tổn thương, xơ vữa và dần suy yếu, làm tăng nguy cơ nhồi máu hoặc vỡ mạch máu não.
Để phòng ngừa đột quỵ do tăng huyết áp, bác sỹ khuyến cáo người dân nên kiểm tra huyết áp định kỳ, dùng thuốc đúng theo chỉ định, duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống cân đối, hạn chế muối, tránh rượu bia, bỏ thuốc lá và tập thể dục thường xuyên.
Đặc biệt, khi có các dấu hiệu nghi ngờ xuất huyết não như đau đầu dữ dội, nôn ói, co giật, nhìn mờ, yếu nửa người, nói khó… cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay. Không nên tự ý điều trị tại nhà bằng các biện pháp dân gian như cạo gió, hô hấp nhân tạo hay uống thuốc không rõ nguồn gốc, bởi điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh và gây hậu quả nặng nề.
Uống nước cây me đất để “giải độc”, người phụ nữ Hà Nội suy thận cấp
Nghĩ rằng cây me đất có tác dụng thanh mát, giải độc như thông tin đọc được trên mạng, một người phụ nữ 62 tuổi tại Hà Nội đã tự hái cây mọc dại trong vườn, sắc nước uống. Hậu quả, bà bị ngộ độc axit oxalic, dẫn đến tổn thương thận nghiêm trọng và suy thận cấp.
Thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu kéo dài sau khi uống nước sắc từ cây me đất mọc trong vườn nhà.
Trước đó, trong lúc làm vườn, bà đã nhổ được một rổ to cây me đất, bao gồm cả rễ và chùm củ, có củ to bằng ngón tay út. Sau khi rửa sạch, bà đun sôi đến khi cô đặc, thu được khoảng 600ml nước và uống 2 cốc. Người mẹ 85 tuổi của bà cũng uống cùng một lượng nhỏ.
Ngay sau đó, bà bắt đầu xuất hiện triệu chứng khó chịu, buồn nôn, nôn ói. Đến sáng hôm sau, cơ thể mệt lả, choáng váng, ăn không ngon, khiến gia đình đưa bà đến bệnh viện để kiểm tra. Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, không đau bụng, song than phiền đau đầu âm ỉ. Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số creatinine tăng cao bất thường - dấu hiệu rõ ràng của suy thận cấp.
Các bác sỹ nghi ngờ nguyên nhân đến từ loại cây bệnh nhân đã sử dụng. Mẫu vật được gửi đến chuyên gia thực vật và Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, nơi xác định đó là cây me đất hóa đỏ (tên khoa học: Oxalis corymbosa DC) - một loại cây dại phổ biến ở nhiều vùng quê, có chứa hàm lượng cao axit oxalic.
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết, axit oxalic là một axit hữu cơ có tính acid mạnh, nếu dung nạp vào cơ thể với liều cao có thể gây kích ứng mạnh đường tiêu hóa, tổn thương thận, thậm chí dẫn đến tử vong.
Với liều nguyên chất chỉ 4-5g, axit oxalic đã có thể gây ngộ độc cấp tính. Trong trường hợp của bệnh nhân này, đây là lần đầu tiên Trung tâm ghi nhận ca suy thận do uống nước sắc từ cây chứa axit oxalic tự nhiên”.
Ông cũng cho biết thêm, axit oxalic không phải là chất hiếm gặp nó có mặt tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm hàng ngày như khế, chanh, cải bó xôi, ca cao, lá chè, củ cải đường… Tuy nhiên, với chế độ ăn uống bình thường, lượng axit oxalic đưa vào cơ thể rất nhỏ và không gây hại. Vấn đề chỉ phát sinh khi lượng hấp thụ quá lớn, như trong trường hợp bệnh nhân đã sắc đặc cây me đất để uống.
Axit oxalic khi kết hợp với canxi trong cơ thể có thể tạo thành tinh thể canxi oxalat là thành phần chính của sỏi thận. Không chỉ gây lắng đọng ở thận, các tinh thể này còn có thể tích tụ tại gan, tụy, mật hoặc thậm chí cả khớp xương. Một khi tích tụ đủ lớn, chúng sẽ gây rối loạn chức năng các cơ quan và dẫn đến suy thận hoặc suy đa cơ quan.
Trường hợp này, theo bác sỹ Nguyên, là bài học cảnh tỉnh về việc sử dụng bừa bãi các loại cây cỏ, đặc biệt là theo các bài thuốc lan truyền trên mạng hoặc kinh nghiệm dân gian chưa kiểm chứng. Dù nhiều loại cây được coi là “thảo dược”, nhưng nếu sử dụng không đúng cách, không đúng liều lượng, vẫn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
“Đã là thuốc, kể cả thuốc Đông y thì cần được kê đơn và sử dụng theo chỉ dẫn y tế rõ ràng. Khi có bất kỳ triệu chứng sức khỏe nào bất thường, người dân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn, tuyệt đối không tự ý điều trị bằng các loại cây cỏ chưa rõ nguồn gốc hoặc công dụng chưa được kiểm chứng”, bác sỹ Nguyên khuyến cáo.
Hiện bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy hiểm và đang được theo dõi, điều trị tích cực tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Các bác sỹ cũng lưu ý người dân nên cẩn trọng trong việc sử dụng bất kỳ loại cây nào để ăn hoặc uống, dù là mọc trong vườn nhà bởi độc tính có thể không biểu hiện ngay nhưng hoàn toàn có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

-
Tin mới y tế ngày 23/4: Cảnh báo biến chứng nguy hiểm từ cúm mùa -
Kết nối VNeID giúp người dân an tâm mua thuốc: Hơn 100.000 lượt truy cập chỉ sau hơn 3 tháng -
Tin mới y tế ngày 22/4: Bộ Y tế đề nghị các sàn thương mại điện tử siết chặt việc bán thuốc kê đơn, thuốc kiểm soát đặc biệt -
Vụ sữa giả vào bệnh viện: Chấn chỉnh tình trạng kê đơn sữa, thực phẩm chức năng tại cơ sở y tế -
Bộ Y tế đề xuất tăng mức xử phạt các hành vi buôn bán thuốc giả -
Danh sách 16 loại thuốc chưa được cấp đăng ký lưu hành, người dùng cần thận trọng -
Tin mới y tế ngày 21/4: Tiếp lửa hành trình tìm con cho các cặp vợ chồng hiếm muộn
-
Vietfood & Beverage - Propack 2025: Định hình tương lai ngành F&B - Kết nối toàn cầu
-
Hệ sinh thái tiện ích đa tầng - chìa khóa nâng tầm bất động sản thương mại
-
Thêm nhiều lựa chọn xe bus và mini bus cho các công ty lữ hành mùa cao điểm du lịch
-
Chung cư phía Tây TP.HCM tăng sức hút giữa lúc khan hiếm nguồn cung
-
SKYLED Hà Nội - Quảng cáo đồng bộ tạo nhận diện thương hiệu doanh nghiệp mạnh mẽ
-
Giải mã thị trường hạng sang Hà Nội: Kepler Tower HH-02 khẳng định "giá trị thật" thu hút dòng tiền thông minh