Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 23/8: Thay đổi tâm lý đi khám phát hiện cường giáp
D.Ngân - 23/08/2024 10:35
 
Hai tháng nay, chị P. hay cáu gắt, lo lắng, tưởng mắc bệnh tâm lý. Đến khi khám sức khỏe phát hiện mắc bệnh cường giáp. Sự thay đổi nhanh chóng về nồng độ hormone giáp khiến người bệnh bị xáo trộn cảm xúc.
TIN LIÊN QUAN

Chú ý dấu hiệu của cường giáp

Từ một người hay cười nói vui vẻ, mỗi sáng đều dậy sớm tập thể dục, dành 3 buổi mỗi tuần leo núi nhưng 2 tháng nay, chị T.H.P. (38 tuổi, Đồng Nai) phải từ bỏ sở thích này, chỉ cần leo 4-5 bậc cầu thang cũng khiến chị thở dốc. Nhiều lần không làm gì tim cũng đập nhanh thình thịch.

Ảnh minh họa.

Chị ngủ không sâu giấc, mơ màng, sáng dậy uể oải, mệt mỏi, chán ăn, sụt 1kg. Đặc biệt, chị luôn khó chịu, bực bội, bứt rứt trong người. Chị P. cho biết dễ cáu gắt với nhiều chuyện nhỏ nhặt mà trước nay tưởng chừng rất bình thường, dù là ở nhà hay công ty.

Chị P. cảm giác không thể kiểm soát được cảm xúc của bản thân, nhiều khi nói nặng lời với người thân, khi bình tĩnh lại chị hối hận, day dứt. Nhiều lần chị muốn khóc để dập “cơn lửa” trong người, chị không hiểu tại sao cuộc sống thay đổi quá nhiều.

Chị P. nghĩ mình mắc “tâm bệnh” do công việc bận rộn nên tìm chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên, bác sĩ nghi ngờ chị bị bệnh tuyến giáp nên cần đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM điều trị chuyên sâu.

Theo bác sỹ Võ Đình Bảo Văn, khoa Nội tiết, Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, kết quả xét nghiệm máu cho thấy chị P. bị cường giáp - hormone tuyến giáp tăng cao, cụ thể hormone FT4 là 40,24pmol/l cao hơn gấp 2 lần bình thường, hormone kích thích tuyến giáp TSH giảm còn <0,001mU/L (bình thường từ 0,34 - 5,6mU/L).

Bác sỹ Văn giải thích hormone tuyến giáp có vai trò quan trọng trong chuyển hóa, tăng hormone giáp ảnh hưởng đến nhiều chức năng như thân nhiệt, tim mạch, hệ thần kinh, tinh thần, cơ xương.

Sự thay đổi nhanh chóng về nồng độ hormone giáp có thể làm xáo trộn cảm xúc của người bệnh, họ có thể có các triệu chứng như: bồn chồn, tính tình thay đổi, dễ cáu gắt, xúc động, giận dữ, nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn tâm thần (ít gặp hơn).

Ngoài ra, men gan người bệnh cao gấp 7 lần, cần nhập viện điều trị. Theo bác sỹ Văn, bệnh lý cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có men gan cao. Tăng nồng độ hormone giáp dẫn đến rối loạn chuyển hóa protid, lipid, tăng men gan và có thể hồi phục khi tình trạng cường giáp ổn định.

Chị P. được bác sỹ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm điều trị thuốc kháng giáp, ức chế tổng hợp hormone tuyến giáp, điều trị men gan cao. Sau 1 tuần điều trị, men gan gần về ngưỡng ổn định, hormone tuyến giáp được kiểm soát, chị P. ăn cơm ngon miệng hơn, bớt mệt, hết hồi hộp đánh trống ngực, tâm trạng vui vẻ hơn. Ngoài ra, người bệnh được trao đổi, chia sẻ, tư vấn để ổn định tâm lý trở lại.

Nếu không điều trị cường giáp kịp thời, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm khác như: rung nhĩ, suy tim, song thị, mất thị lực (mù) do bệnh lý mắt (lồi mắt) hoặc thậm chí là cơn bão giáp – tình trạng cấp cứu đe dọa tính mạng.

Bác sỹ Văn cho biết người dân có thể nhận biết bệnh cường giáp qua các triệu chứng dưới đây. Luôn có cảm giác nóng bức, ra nhiều mồ hôi, có thể sốt nhẹ 37,5°C – 38°C. Lòng bàn tay ấm, ẩm ướt.

Khoảng 50% trường hợp cường giáp bị tiêu chảy không kèm đau quặn với số lượng 5-10 lần/ngày do tăng nhu động ruột và giảm tiết các tuyến của ống tiêu hóa.

Hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim nhanh. Có thể đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, giảm khả năng lao động. Mỏi cơ, yếu cơ, nhược cơ hoặc liệt.

Nếu có các triệu chứng của cường giáp, người bệnh cần gặp bác sỹ Khoa Nội tiết-  Đái tháo đường để được thăm khám và điều trị sớm, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Dịch đậu mùa khỉ vẫn đang được kiểm soát tốt

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, địa phương hiện là địa phương ghi nhận số ca mắc (156 ca) và tử vong (6 ca) trong năm 2023 - 2024 cao nhất tại khu vực phía Nam. Riêng năm 2024, Thành phố có 49 ca đậu mùa khỉ, không có ca tử vong.

Đại diện CDC TP.HCM cho biết, đặc điểm dịch tễ của các ca bệnh đậu mùa khỉ tại TP.HCM là nam giới chiếm 100% với độ tuổi trung bình là 32 (nhỏ nhất là 18 tuổi và lớn nhất là 53 tuổi).

Độ tuổi ghi nhận nhiều nhất là từ 30 - 39 tuổi (46%), 84% ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đáng lưu ý, có 55% là người sống chung với HIV và 7% đang điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV.

Thành phố chưa ghi nhận thay đổi về dịch tễ học của bệnh. Dòng virus gây bệnh hiện vẫn là clade IIb - dòng gây dịch cho các nước trên thế giới, chưa phát hiện clade Ib (là dòng mới của Mpox). Dịch vẫn lây chủ yếu trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới hoặc lưỡng tính, qua hành vi quan hệ tình dục không an toàn.

Về quy trình phòng chống bệnh, ngành Y tế TP vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống dịch bệnh, thực hiện giải trình tự gen một số mẫu bệnh phẩm để giám sát sự biến đổi của virus gây bệnh; đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu;

Giám sát chủ động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, lưu ý lồng ghép giám sát, dự phòng với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh; rà soát cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng, chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch.

Ngoài ra, ngành Y tế cũng tăng cường thông tin, truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao. Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các địa phương và báo cáo kịp thời trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh cho Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng.

Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là thực hành quan hệ tình dục an toàn.

Sau đây là 6 biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ được Bộ Y tế khuyến cáo: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ/mắc bệnh, động vật có vú (chết hoặc sống) như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus Mpox. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Cảnh giác với bệnh dại

Sau 1 tháng bị chó cắn, bé trai 8 tuổi ở Sơn La sốt, đau đầu, buồn nôn, mất ngủ, sợ nước, sợ gió. Bệnh nhi được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào tối 21/8 với chẩn đoán theo dõi dại. 

Theo lời kể của người nhà, 1 tháng trước đây, cháu bé bị chó lạ đi qua cắn vào má phải. Sau khi cắn chó đi mất, không theo dõi được chó. Gia đình cho bé trai đi tiêm phòng uốn ván nhưng không tiêm phòng dại. 

Hai ngày trước, cháu bé sốt cao (38.5 độ) kèm đau đầu, buồn nôn, mất ăn ngủ, sợ nước, sợ gió. Gia đình đưa con vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sơn La, sau đó chuyển đến Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Sau hơn 2h nhập viện, gia đình bệnh nhân xin đưa con về chăm sóc tại nhà.

Bác sỹ Trần Quang Đại, Phòng tư vấn tiêm chủng vắc-xin, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh dại cũng có thể lây truyền từ người sang người qua vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

Bác sỹ Đại khuyến cáo khi bị chó cắn người dân nên đến cơ sở y tế để được sơ cứu, vệ sinh, sát khuẩn lại vết thương và tư vấn tiêm phòng dại. Đặc biệt, tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế; nhận thức của người dân còn hạn chế.

Bệnh dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%; biện pháp duy nhất để cứu người khi bị chó mèo dại cắn là tiêm vắc-xin dại càng sớm càng tốt.

Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc-xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

Truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo

Bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Vắc-xin phòng dại không gây hại cho người tiêm. Vắc-xin phòng dại được sản xuất từ vi-rút dại đã bất hoạt do đó không có khả năng gây bệnh, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân đừng ngần ngại, hay do dự tiêm vắc-xin phòng dại khi bị chó hoặc động vật cắn. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, xử trí kịp thời.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư