Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 24/3: Nhiều dịch bệnh tăng cao, Hà Nội chủ động phòng chống
D.Ngân - 24/03/2024 07:45
 
Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 1073/SYT-NVY về việc chủ động triển khai công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP.

Nhiều dịch bệnh tăng cao

Theo đó, Sở Y tế đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài.

Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 1073/SYT-NVY về việc chủ động triển khai công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP.

Các đơn vị kiểm tra thân nhiệt hành khách, đặc biệt hành khách đến từ những quốc gia có dịch; kịp thời áp dụng các biện pháp cách ly, chuyển tuyến điều trị trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Các đơn vị giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm và chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng.

Mặt khác, CDC Hà Nội phối hợp với các đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn về giám sát và xử lý dịch; củng cố, nâng cao năng lực cho đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch.

Đồng thời, CDC Hà Nội rà soát tình hình tiêm chủng mở rộng, tránh bỏ sót đối tượng trong diện tiêm chủng. Song song với đó, các đơn vị tuyên truyền biện pháp phòng chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong chủ động phòng dịch.

Ngoài ra, CDC Hà Nội phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai hoạt động phòng chống dịch bệnh tại cơ sở giáo dục, đặc biệt là các bệnh tay chân miệng, ho gà, thủy đậu…; thực hiện vệ sinh thường xuyên trường học; bố trí đủ xà phòng, nước sạch; phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh tại cơ sở giáo dục, thông báo kịp thời cho cơ quan y tế địa phương.

Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị, sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch bệnh. Nâng cao năng lực khám, chẩn đoán phát hiện sớm các ca bệnh truyền nhiễm, không để dịch lây lan trong cơ sở điều trị.

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong những tuần gần đây, trên địa bàn TP tiếp tục ghi nhận rải rác các ca mắc sốt xuất huyết. Số mắc trung bình từ 17-24 ca/tuần.

Như vậy, từ đầu năm 2024 cho đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 513 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, TP cũng có 5 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện tại, tất cả các ổ dịch đã kết thúc.

Theo điều tra dịch tễ học, bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào tháng 8, 9, 10. Đỉnh điểm của dịch bệnh này có thể xảy ra vào tháng 10, 11. Thế nhưng, những năm gần đây, bệnh xuất hiện từ rất sớm, ngay từ đầu năm.

Trên địa bàn Hà Nội đã có 17 trường hợp mắc ho gà, trong khi cả năm 2023 chỉ có 1 ca và năm 2022 không có ca bệnh.

Quản chặt việc mua bán thuốc chuột

Mới đây, các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi (13 tuổi, ở Hà Nội) bị ngộ độc thuốc diệt chuột.

Bệnh nhi này có tiền sử mắc bệnh trầm cảm, có ý nghĩ tự sát. Trước khi vào viện 2 ngày, trẻ đã uống 2 tuýp thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc, được đặt mua trên một trang thương mại điện tử. Sau khi uống, trẻ nôn nhiều, chóng mặt…

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân.

Sau khi khai thác bệnh sử, kết hợp thăm khám và làm các xét nghiệm độc chất, trẻ được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột Natri Fluoroacetate. Đây là thuốc diệt chuột đã bị cấm lưu hành từ nhiều năm nay, nhưng hiện lại được đóng gói dưới dạng được phép lưu hành.

“Việc mua, bán sản phẩm này một cách dễ dàng cũng như sử dụng không an toàn, không đúng mục đích, tràn lan rất dễ gây ra ngộ độc”, bác sĩ Nguyễn Tân Hùng cảnh báo.

Trước đó, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nữ bệnh nhân (21 tuổi, ở tỉnh Hà Nam) cũng bị ngộ độc thuốc diệt chuột Fluoroacetate.

Theo TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, thuốc diệt chuột Fluoroacetate có hai dạng: Dung dịch màu hồng trong ống nhựa hay dạng hạt gạo màu hồng, đều có độc tính cao. Vì vậy, khi ăn hay uống phải, nạn nhân có hiện tượng co giật, hôn mê, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, toan chuyển hóa, suy thận…, có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt chuột có chứa chất Tetramine - loại thuốc diệt chuột rất phổ biển ở miền Bắc cách đây 20 năm. Tetramine là hóa chất diệt chuột cực độc, đã bị cấm ở các nước.

Ở Việt Nam, khoảng từ năm 2003 trở về trước, đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc và tử vong do tự tử, bị đầu độc bằng Tetramine hoặc sử dụng thức ăn bị lẫn Tetramine dùng để diệt chuột.

Từ thực tế trên, TS.Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, các cơ quan chức năng cần siết chặt việc mua bán công khai các sản phẩm diệt chuột hay các hóa chất độc hại trên mạng xã hội.

Còn với người dân, khi sử dụng hóa chất diệt chuột phải để cách biệt hẳn với nơi ở, nơi ăn uống, đặc biệt để xa thức ăn, nguồn nước uống và xa tầm tay của trẻ.

Gia đình có người bị bệnh tâm thần hoặc người già suy giảm trí nhớ thì không nên để các hóa chất, thuốc diệt chuột trong khuôn viên nhà ở. Không dự trữ các hóa chất độc hại, bao gồm hóa chất diệt chuột tại gia đình.

Bác sĩ khuyến cáo gì khi dịch ho gà đang tăng mạnh?
Trước tình trạng dịch ho gà đang tăng nhanh tại Hà Nội các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần phân biệt giữa ho gà và ho thông thường.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư