Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 07 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 24/7: Hưởng ứng Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2024
D.Ngân - 24/07/2024 10:06
 
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3269/SYT-NVY gửi các đơn vị y tế trong và ngoài công lập trực thuộc về việc triển khai Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2024.

Hưởng ứng Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2024

Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ diễn ra từ ngày 01/8 - 07/8 hàng năm nhằm khuyến khích và tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ. Chủ đề của Tuần lễ năm nay là: “Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ Nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương”.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các khu công nghiệp và doanh nghiệp có hơn 1.000 lao động nữ trên địa bàn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc theo đúng quy định tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, Quyết định số 5175/QĐ-BYT ngày 09/11/2021 của Bộ Y tế phê duyệt tài liệu “Hướng dẫn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc”.

Ảnh minh hoạ

Triển khai truyền thông cho các cấp, các ngành và người dân về tầm quan trọng của việc cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi. Truyền thông về lợi ích mang lại cho trẻ khi được bú sữa mẹ.

Các bệnh viện đa khoa có khoa sản, nhi, bệnh viện chuyên khoa sản, nhi trong và ngoài công lập tuân thủ Nghị định 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú, vú ngậm nhân tạo.

Thực hiện Thông tư số 38/2016/TT-BYT ngày 31/10/2016 của Bộ Y tế quy định một số biện pháp thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Duy trì hoạt động tư vấn cho phụ nữ mang thai và bà mẹ sau sinh về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ; hướng dẫn các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ cho con bú đúng, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 24 tháng và cách duy trì nguồn sữa mẹ.

Đặc biệt là thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh.

Điều trị thành công cho bệnh nhi mắc bệnh Kawasaki hiếm gặp

Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, lần đầu tiên ở phía Nam, các bác sĩ đã phẫu thuật và điều trị thành công cho bệnh nhi 6 tuổi mắc bệnh Kawasaki hiếm gặp.

Bệnh nhi là N. N. M. D, sinh năm 2018, ở Khánh Hòa. Bệnh nhi nhập Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng thỉnh thoảng nặng ngực khi gắng sức, có những vết bầm về rối loạn đông máu do điều trị bằng thuốc kháng đông trước đó.

Khoa Hồi sức Phẫu thuật tim trẻ em đã tiến hành các chẩn đoán tích cực như siêu âm tim, CT-scan và chụp mạch vành, kết quả phát hiện bệnh nhân có nhiều túi phình, 2 túi phình ở động mạch vành bên phải rất to, có huyết khối bên trong và nguy cơ vỡ rất cao.

Nếu không được can thiệp phẫu thuật kịp thời, có 2 nguy cơ nếu xảy ra đều khiến bệnh nhân có thể tử vong, gồm: Thứ nhất, nếu bị tắt động mạch vành cấp tính, bệnh nhi sẽ bị thiếu máu hoàn toàn tim bên phải, dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột tử. Thứ hai, túi phình quá to (gần như gấp 10 lần kích thước động mạch vành bình thường) sẽ gây ra nguy cơ vỡ động mạch vành bên phải, dẫn đến tử vong.

Khoa Hồi sức phẫu thuật tim trẻ em đã phối hợp cùng các chuyên khoa hội chẩn và tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi.

Ca phẫu thuật đã hoàn thành sau 8 giờ. Ê kíp đã lấy hoàn toàn huyết khối trong phình động mạch vành ở cả 2 nơi của động mạch vành bên phải. Túi phình thứ nhất với kích thước khoảng 3cm và túi phình thứ hai khoảng 2cm.

Sau đó, ê kíp đã dùng đường dẫn bằng màng ngoài tim khoảng 5mm để nối từ chỗ xuất phát của động mạch vành bên phải cho đến đầu xa của động mạch vành còn lại, cắt bỏ bao túi phình và tái tạo lại.

Sau phẫu thuật 24 giờ, bệnh nhi được rút nội khí quản. Kết quả điện tâm đồ cho thấy, bệnh nhi ổn định, siêu âm kiểm tra tim đập với chức năng tim phục hồi tốt. Diễn tiến hậu phẫu thuận lợi, không phát hiện tràn dịch màng ngoài tim, không nhồi máu cơ tim, sinh hiệu ổn. Một tuần sau phẫu thuật, bé đã ngồi được, tự đi lại nên được xuất viện.

Theo các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy, Kawasaki là căn bệnh rất hiếm gặp. Ở Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh là 50 - 100 trẻ/100.000 trẻ. Bệnh lý này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tổn thương tất cả các động mạch trung bình và động mạch nhỏ, làm tổn thương các nội mạc.

Để tránh việc phát hiện và điều trị chậm trễ đối với bệnh lý nguy hiểm này, bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo: Khi phát hiện trẻ có bệnh lý về tim mạch, cần đưa trẻ đến các bệnh viện có chuyên khoa sâu về tim mạch, để được thăm khám và điều trị kịp thời, đúng chuyên môn, đúng thời điểm can thiệp phẫu thuật, tránh những hệ lụy đáng tiếc về sau...

Tin mới về y tế ngày 8/10: Hợp tác thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ; Đề xuất bổ sung thêm chức danh trợ lý điều dưỡng
Trong các ngày 04-07/10/2022, đại diện Bộ Y tế Campuchia và Lào có chuyến tham quan mô hình Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ Xuất sắc tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư