Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 09 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 24/9: Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi
D.Ngân - 24/09/2024 08:34
 
UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 278/KH-UBND về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn năm 2024.

Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ 1-5 tuổi

Theo đó, đối tượng được tiêm vắc-xin trong kế hoạch này là trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sống trên địa bàn Hà Nội và các nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi trên địa bàn thành phố chưa được tiêm đủ mũi theo quy định.

Kế hoạch ngoại trừ đối tượng đã được tiêm vắc-xin có chứa thành phần sởi hoặc tiêm vắc-xin sởi - rubella (MR) hay vắc-xin có chứa thành phần sởi và rubella trong vòng 1 tháng trước khi triển khai tiêm và đối tượng đã tiêm đủ mũi vắc-xin chứa thành phần sởi theo quy định.

Hà Nội sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn năm 2024.

Thời gian triển khai tiêm trong quý III-IV năm 2024, sau khi Bộ Y tế cung ứng vắc-xin tại tất cả 579 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố.

Địa điểm tổ chức tiêm là tại trạm y tế; trường mầm non, mẫu giáo và các điểm tiêm chủng lưu động khác tùy thuộc tình hình thực tế tại địa phương.

Mục tiêu đặt ra là trên 95% trẻ 1-5 tuổi đang sống ở Hà Nội chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm 1 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella (MR).

UBND TP yêu cầu, Sở Y tế Hà Nội phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức rà soát đối tượng và tiêm tại các trường mầm non, mẫu giáo.

UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi trên địa bàn. Đồng thời, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức điều tra, rà soát đối tượng và tiền sử tiêm chủng; chỉ đạo các trường học phối hợp ngành Y tế thực hiện tốt công tác điều tra và bố trí nhân lực tham gia tiêm chủng.

Tuần qua (từ ngày 13 đến 20/9), theo báo cáo của CDC Hà Nội, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2 ca mắc sởi; trong đó có một bé gái (15 tháng tuổi tại quận Đống Đa) có tiền sử chưa tiêm vắc-xin sởi và bé trai (7 tuổi ở quận Hoàng Mai) tiêm vắc-xin sởi chưa đầy đủ.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 6 ca mắc sởi. Hiện nay, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như TP.HCM, Nghệ An, Thanh Hóa.

Tại Hà Nội đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc sởi trên địa bàn. Vì vậy, dự báo thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc sởi, đặc biệt là vào 3 tháng cuối năm.

Không chủ quan với liên cầu khuẩn

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, TP vừa ghi nhận 1 trường hợp mắc liên cầu lợn tại huyện Đan Phượng. Đó là nam bệnh nhân (77 tuổi), tiền sử dịch tễ chưa rõ, khởi phát bệnh ngày 6/9 với triệu chứng sốt cao kèm đau mỏi người, ăn kém, nghe kém, sau đó xuất hiện ý thức lơ mơ.

Bệnh nhân được nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị, xét nghiệm cấy máu cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định. Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 9 ca mắc liên cầu lợn, 1 ca tử vong.

Bệnh liên cầu lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.

Theo bác sỹ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, liên cầu khuẩn lợn là loại vi khuẩn gram dương, thường cư trú ở đường hô hấp trên như mũi, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Vi khuẩn này có khả năng gây bệnh cho lợn và người.

Bệnh liên cầu lợn lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín. Người nhiễm liên cầu lợn có thể bị nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu hóa, sốt, xuất huyết, viêm màng não. Khi trở nặng, bệnh gây sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, suy hô hấp, suy đa tạng dẫn tới tử vong.

Đáng chú ý, bệnh liên cầu lợn diễn biến nặng rất nhanh. Chỉ vài giờ sau khi có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn hoặc nổi các ban trên người. Điều trị bệnh liên cầu lợn cũng rất khó khăn, người bệnh thường phải nằm ở khoa hồi sức tích cực trong vài tuần.

Thậm chí, nếu nhập viện khi đã nặng, bệnh nhân có nguy cơ bị hoại tử da, tay, mặt và di chứng nặng trên cơ thể như điếc tai, ngón tay phải cắt cụt.

CDC Hà Nội lưu ý, người dân ăn các sản phẩm được chế biến từ lợn chưa nấu chín, như: tiết canh, nem chua, nem chạo... dễ mắc liên cầu khuẩn lợn.

Không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống, mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết cũng có nguy cơ khiến cho người giết mổ lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, vết trầy xước trên da. Bệnh liên cầu lợn hiện chưa có vaccine phòng nên việc ăn chín uống sôi rất quan trọng.

Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết; nên đeo găng tay và phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, rửa tay sạch sau khi chế biến thịt.

Ngoài ra, mỗi người cũng cần bỏ các thói quen ăn uống không lành mạnh như tiết canh (kể cả tiết canh lợn và các loại tiết canh dê, ngan, vịt). Khi có các triệu chứng của bệnh, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị kịp thời.

Cảnh báo trẻ hóa ung thư tuyến giáp

Bé N.H.H. 9 tuổi xuất hiện u ở cổ kéo dài 3 tháng không xẹp. Không an tâm, gia đình đưa bé đến bệnh viện khám và phát hiện ung thư tuyến giáp, di căn hạch. Đây là lần đầu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận và điều trị cho trẻ 9 tuổi bị ung thư tuyến giáp.

Chị T.H.M. (34 tuổi, mẹ của bé H.) cho biết gia đình chị không có ai bị ung thư. 2 tháng trước, trong lúc tắm cho con, chị thấy vùng trước cổ bé bị sưng cỡ hạt đậu phộng. Chị đưa con đến nhiều bệnh viện nhưng sau khi siêu âm chỉ khuyên theo dõi thêm.

Ung thư tuyến giáp là tình trạng tế bào nhu mô tuyến giáp phát triển bất thường, tạo thành khối u ác tính. Ung thư tuyến giáp ở trẻ em ít gặp, có gặp cũng ở nhóm từ 15 - 19 tuổi.

Chưa rõ nguyên nhân gây ung tuyến giáp ở trẻ em, tuy nhiên yếu tố nguy cơ gây bệnh này gồm: tiếp xúc bức xạ, bướu giáp và viêm giáp tự miễn, di truyền, gia đình có nhiều người mắc ung thư tuyến giáp…

Ung thư tuyến giáp ở trẻ em phát triển nhanh hơn người lớn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ung thư tuyến giáp sẽ di căn hạch, phổi, xương não… gây khó khăn cho việc điều trị và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, thời gian sống còn của người bệnh.

Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hầu hết trẻ em ung thư tuyến giáp đáp ứng tốt, cơ hội chữa khỏi cao. Như trường hợp bé H, phát hiện khi vừa di căn hạch cổ, điều trị ngay, tiên lượng khỏi bệnh đến 99%.

Mỗi người bệnh bác sỹ sẽ chỉ định liều uống i-ốt phóng xạ khác nhau, dù liều cao cũng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Mỗi người bệnh sẽ có mức uống i-ốt phóng xạ khác nhau, không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. 6 - 12 tháng sau khi uống phóng xạ, người bệnh mang thai sẽ đảm bảo an toàn cho thai nhi và sức khỏe mẹ.

Qua ca bệnh này các bác sỹ khuyến cáo, cha mẹ, người lớn trong gia đình nên quan sát trẻ. Khi thấy trẻ có các triệu chứng: khối u vùng cổ, nổi hạch, khàn giọng, khó thở… nên khám chuyên khoa để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Với trường hợp ung thư tuyến giáp thể tủy, ngoài các triệu chứng trên, trẻ có thể bị phì đại tại môi, lưỡi, mí mắt, mắt khô, táo bón… Đồng thời, cha mẹ nên cho trẻ khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bất thường (nếu có) và điều trị kịp thời.

Vắc-xin: “Lá chắn thép” bảo vệ sức khỏe người dân - Bài 2: Chặn đứng đại dịch Covid-19 nhờ lá chắn vắc-xin
Đại dịch Covid-19 để lại những ký ức kinh hoàng, nỗi ám ảnh về số người mắc và tử vong. Tuy nhiên, bài học chống dịch tại Việt Nam cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư