Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 05 tháng 10 năm 2024,
Vắc-xin: “Lá chắn thép” bảo vệ sức khỏe người dân - Bài 2: Chặn đứng đại dịch Covid-19 nhờ lá chắn vắc-xin
Dương Ngân - 21/09/2024 09:04
 
Đại dịch Covid-19 để lại những ký ức kinh hoàng, nỗi ám ảnh về số người mắc và tử vong. Tuy nhiên, bài học chống dịch tại Việt Nam cho thấy, nếu không có vắc-xin, thì có lẽ, sự tàn khốc của thảm họa toàn cầu này còn nặng nề gấp bội.
Hàng tỷ liều vắc-xin đã góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19, giúp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bước ra khỏi cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay, cả triệu người, nhất là trẻ em vẫn phải đối diện với hàng loạt căn bệnh quái ác, nguy cơ tử vong cao bởi thiếu vắc-xin bảo vệ.

Theo giới chuyên gia, chỉ khi chú trọng đầu tư nhân lực, vật lực, kinh phí cho nghiên cứu, sản xuất và tiêm vắc-xin, đồng thời bản thân người dân nhận thức đúng về hiệu quả của vắc-xin, thì mới tạo ra được “lá chắn thép”, giúp mỗi cá nhân tránh khỏi gánh nặng bệnh tật, góp phần dựng xây một dân tộc khỏe mạnh về thể chất, phát triển về trí tuệ, đảm bảo tương lai hạnh phúc.

Bài 2: Chặn đứng đại dịch Covid-19 nhờ lá chắn vắc-xin

Đại dịch Covid-19 để lại những ký ức kinh hoàng, nỗi ám ảnh về số người mắc và tử vong. Tuy nhiên, bài học chống dịch tại Việt Nam cho thấy, nếu không có vắc-xin, thì có lẽ, sự tàn khốc của thảm họa toàn cầu này còn nặng nề gấp bội.

Thành quả chiến dịch thần tốc tiêm chủng và ngoại giao vắc-xin

Kể từ ca mắc Covid-19 đầu tiên vào cuối năm 2019 đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 11 triệu ca mắc và hơn 43.000 ca tử vong. Gần 300 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm cho người dân. Trên phạm vi toàn thế giới, ngoài việc gây ra hàng triệu ca tử vong, đại dịch Covid-19 còn tàn phá kinh tế nặng nề và làm tê liệt hệ thống y tế.

Tháng 5/2023, sau hơn 3 năm kể từ khi phát hiện virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do Covid-19. Tuy nhiên, WHO vẫn kêu gọi chính phủ các nước duy trì giám sát và giải trình tự virus, đồng thời đảm bảo tiếp cận các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vắc-xin đáng tin cậy với giá cả phải chăng.

Nhớ lại những ngày đầu khi đại dịch Covid-19 ập đến, cả nước nhọc nhằn chống dịch bằng cách ly, điều trị. Chỉ đến khi tỷ lệ bao phủ vắc-xin tăng lên, cuộc sống của người dân mới trở lại bình thường.

Nếu trẻ em không được tiêm chủng, hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiêm chủng muộn sẽ dẫn đến nguy cơ cao bị mắc bệnh, do không có miễn dịch bảo vệ. Trên thực tế, không ít trường hợp, ở những nơi, những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp đã xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng, cướp đi tính mạng của nhiều người, đặc biệt là trẻ em.

Nhìn đứa trẻ mắc bệnh ho gà ho sặc sụa; nhìn trẻ bị viêm màng não đến yếu tay yếu chân, thậm chí động kinh; hay trẻ mắc bạch hầu viêm cơ tim đến chết… mới hiểu được nỗi đau của việc không tiêm vắc-xin nặng nề như thế nào.

- Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

Còn nhớ, tháng 9/2021, chưa tới 10% tổng số người trưởng thành trên cả nước được tiêm đủ 2 liều vắc-xin. Tuy nhiên, đến tháng 4/2022, có hơn 78% người trên 12 tuổi được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Và tới năm 2023, tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%. Đây là nỗ lực phi thường của Chính phủ Việt Nam trong chiến dịch thần tốc tiêm chủng và ngoại giao vắc-xin.

Trong bối cảnh trong nước chưa sản xuất được vắc-xin ngừa Covid-19, yêu cầu phòng, chống dịch rất cấp bách, trong khi nguồn vắc-xin trên thế giới khan hiếm, ngoại giao vắc-xin trở thành lá chắn chống dịch. Theo đó, các cấp lãnh đạo Việt Nam luôn chắt chiu từng cơ hội, vận động mua, xin chuyển nhượng và giao đúng hạn từng liều vắc-xin giúp đất nước thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tại các diễn đàn đa phương, song phương, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam luôn truyền thông điệp về tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiếp cận vắc-xin công bằng và bình đẳng, kêu gọi đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chia sẻ vắc-xin cũng như hợp tác về công nghệ sản xuất vắc-xin. Với tinh thần chung tay cùng thế giới chống dịch, Việt Nam đã đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho Cơ chế COVAX, nâng tổng mức đóng góp tự nguyện của Việt Nam cho cơ chế này lên 1 triệu USD.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 căng thẳng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó đã thực hiện nhiều cuộc điện đàm với lãnh đạo cấp cao các nước như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy ngoại giao vắc-xin, cũng như các hợp tác chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin.

Thông qua con đường ngoại giao, từ một nước tiếp cận vắc-xin Covid-19 chậm, tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong khu vực, Việt Nam đã xoay chuyển tình thế, trở thành nước có số lượng người tiêm và tốc độ tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới, cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng sớm hơn kế hoạch. Quan trọng hơn, đây là tiền đề để một nền kinh tế có độ mở cao nhất nhì khu vực như Việt Nam dần mở cửa trở lại.

Phát biểu tại sự kiện gặp mặt, cảm ơn các đối tác quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19, do Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức vào giữa tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong quá trình phòng, chống dịch, Việt Nam hoàn thiện phương pháp phòng, chống dịch Covid-19 dựa trên 3 trụ cột là “cách ly, xét nghiệm, điều trị” và công thức phòng, chống dịch “5K + vắc-xin, thuốc, điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”. Trong đó, vắc-xin là thành tố có tính chất quyết định, là “lá chắn” an toàn nhất cho người dân để phòng, chống Covid-19.

Tuy vậy, thời gian gần đây, trên phạm vi toàn cầu, đại dịch Covid-19 có dấu hiệu quay trở lại. Thống kê của WHO cho thấy, hơn 7 triệu ca tử vong do Covid-19 đã được ghi nhận trên khắp thế giới. Tuy nhiên, con số trên thực tế được cho là cao hơn nhiều. Phát biểu trong một cuộc họp báo vào tháng 7/2024, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra cảnh báo về việc giảm tỷ lệ tiêm chủng.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, các dữ liệu cho thấy, trong khi số người tử vong vẫn tiếp tục tăng, thì tỷ lệ tiêm vắc-xin đang giảm ở hai nhóm có nguy cơ cao nhất là nhân viên y tế và người trên 60 tuổi. WHO khuyến nghị, những người thuộc nhóm có nguy cơ cao nhất nên tiêm vắc-xin Covid-19 trong vòng 12 tháng kể từ liều cuối cùng.

Ngăn cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”

Không có vắc-xin, sẽ khó thoát khỏi cơn “đại hồng thủy” thế kỷ do đại dịch Covid-19 gây ra. Đó là cảm nhận chung của nhiều người Việt hiện nay khi nhớ lại những ngày tháng cơ cực và đen tối đó. Trong đại dịch 4 năm trước, đâu đó vẫn còn một số người lạnh nhạt, thờ ơ với vắc-xin, khi cho rằng, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có hại, thậm chí dẫn đến vô sinh, mất trí nhớ. Một số người khác lại có tư tưởng chủ quan, lơ là, nghĩ rằng, tiêm một mũi vắc-xin là đủ. Nhưng trong trí nhớ của những y, bác sỹ từng “Nam tiến” chống dịch, thì thành quả của vắc-xin là sự vĩ đại của loài người, của công nghệ.

Là một bác sỹ tim mạch, TS. Nguyễn Trung Nguyên, Phó giám đốc Bệnh viện E, với gần 20 năm khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, dù trong cuộc đời nghề y đã gặp rất nhiều ca bệnh nặng, cũng từng chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, nhưng khi vào TP.HCM “trực chiến” điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Ung bướu 2, anh càng hiểu hơn sự khắc nghiệt của dịch bệnh.

Trước cơn bạo bệnh, tính mệnh con người mong manh như ngọn đèn trước gió. Bác sỹ Nguyên nhớ lại, nếu ai đã từng chứng kiến những đớn đau mà bệnh nhân Covid-19 trải qua, cũng như tận mắt chứng kiến những cuộc sinh ly tử biệt ở nơi “chiến trường không tiếng súng” sẽ cảm thấy chân thực sự tàn khốc, khắc nghiệt của dịch bệnh.

Nỗi đau, sự mất mát ấy, theo bác sỹ Nguyên, đã được giảm bớt nhiều lần từ khi nước ta bao phủ được vắc-xin Covid-19. Cơn ác mộng khi phải chứng kiến bệnh nhân Covid-19 trút hơi thở cuối cùng đã không lặp lại. Nhờ bao phủ vắc-xin, những bệnh nhân phải ra đi khi còn quá trẻ, hay cảnh người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh đã lùi xa.

Hay với nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Trần Bình Giang, ký ức vào Nam ngăn dịch Covid-19 như mới hôm qua. Trong chuỗi ngày tháng u ám với áp lực điều trị hàng ngàn ca bệnh nặng, không có khái niệm ngày và đêm, khuôn mặt phờ phạc, đôi mắt thâm quầng vì áp lực, thiếu ngủ, thì việc đại dịch được khống chế thành công nhờ vắc-xin là điều hạnh phúc vô bờ bến với những “thiên thần áo trắng”.

Với người dân, việc không phải nằm trên giường bệnh với máy thở, không cần cách ly tập trung, không phải đi chợ theo tem phiếu, không bị bủa vây bởi F0, F1, F2, không phải chịu nỗi đau mất người thân, bạn bè, đồng nghiệp… khiến họ biết ơn vô cùng.

Không riêng gì Covid-19, trên phạm vi toàn thế giới, WHO ước tính, có tới 85 - 95% người được tiêm chủng sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh, tránh tử vong hay mắc di chứng do bệnh dịch gây ra. Nhờ có vắc-xin mà hàng năm, khoảng 2,5 triệu trẻ em trên thế giới được cứu sống, thoát khỏi nguy cơ tử vong do bệnh truyền nhiễm.

Theo bác sỹ Bùi Thị Việt Hoa, cố vấn Phòng Tiêm chủng Safpo/Potec, thời quan qua, Việt Nam khống chế được nhiều bệnh dịch nguy hiểm như lao, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, bại liệt, viêm não Nhật Bản B. Tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh này ở nước ta đã giảm từ hàng trăm tới hàng ngàn lần so với trước khi có Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) bày tỏ lo ngại, mỗi khi xảy ra trường hợp tai biến sau tiêm vắc-xin, dù có thể do nguyên nhân khách quan, thì trào lưu “anti vắc-xin” (tẩy chay vắc-xin) lại nổi lên. Tuy nhiên, nếu chứng kiến trẻ nhỏ nằm thoi thóp, trên người là máy trợ thở, dây truyền để duy trì sự sống sau khi bệnh dịch tấn công vì cha mẹ quên hoặc không quan tâm đến việc tiêm chủng cho con, thì mới thấy hậu quả khủng khiếp đến nhường nào.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư