Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 05 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 28/4: Tiết kiệm chi phí cho người bệnh tiểu đường
D.Ngân - 28/04/2024 08:22
 
Chi phí chăm sóc vết thương cho người tiểu đường trên toàn cầu trong năm 2019 là 10 tỷ USD, đứng đầu trong tổng chi phí chăm sóc vết thương y tế.

Nhiều điểm mới trong điều trị tiểu đường

Điểm sáng là những tiến bộ trong chăm sóc vết thương ở người tiểu đường có nhiều thay đổi tích cực, giúp mang đến kết quả điều trị tốt hơn. 

Chi phí chăm sóc vết thương cho người tiểu đường trên toàn cầu trong năm 2019 là 10 tỷ USD, đứng đầu trong tổng chi phí chăm sóc vết thương y tế.

Tại Hội thảo “Chăm sóc vết thương mạn tính và vết thương bàn chân Đái tháo đường”, bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Nội tiết, Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, những tiến bộ trong chăm sóc vết thương ở người tiểu đường có nhiều thay đổi tích cực, giúp mang đến kết quả điều trị tốt hơn.

Tuy nhiên, chăm sóc vết thương ở người tiểu đường, đặc biệt vết thương mạn tính, đặt ra nhiều thách thức cho cán bộ nhân viên y tế, chi phí và chất lượng đời sống của người bệnh.

Tiểu đường đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết mạn tính, các biến chứng do tiểu đường góp phần khiến vết thương dễ nhiễm trùng lan rộng, tiến triển nặng như biến chứng mạch máu lớn-nhỏ, biến chứng thần kinh, đường huyết kiểm soát không tốt, tế bào lão hóa sớm, giảm chức năng miễn dịch… Vết thương ở người bệnh tiểu đường dễ nhiễm trùng ran rộng, thậm chí hoại tử, nhiễm trùng huyết…, đặc biệt vùng bàn chân.

Trên thế giới, cứ 30 giây trôi qua lại có thêm 1 người tiểu đường bị cắt cụt chân do vết thương nhiễm trùng hoại tử nặng. Con số này đặt ra thách thức trong công việc điều trị, chăm sóc và phòng ngừa vết thương ở người bệnh tiểu đường.

Vết thương được chia ra 2 loại tính theo thời gian lành thương, gồm vết thương cấp tính, với môi trường tốt thì khả năng lành thương sau 4-14 ngày hoặc có thể kéo dài ít hơn 8 tuần; vết thương mạn tính có giai đoạn viêm và tái cấu trúc kéo dài có thể trên 8 tuần đến nhiều năm.

Vết thương mạn tính thường do vết loét tì đè, bàn chân tiểu đường, vết thương do môi trường, tổn thương da do tia bức xạ, phù bạch huyết, bệnh lý thần kinh, chứng xơ vữa động mạch, khối u… kéo dài thời gian lành thương.

Nguyên nhân chính gây vết thương mạn tính do tiểu đường, tuần hoàn kém, tình trạng thiểu dưỡng, giảm sức đề kháng, lão hóa tế bào làm chậm lành vết thương…

Trong điều trị, chăm sóc vết thương ở người bệnh tiểu đường, việc đánh giá mức độ vết thương chính xác giúp đưa ra phác đồ điều trị hợp lý ngay từ đầu, mang lại kết quả tốt. Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, y tế hiện nay, việc điều trị vết thương tiểu đường chuyên sâu hơn.

Bên cạnh đó, người bệnh cần được giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến yếu tố thúc đẩy lành thương như: dinh dưỡng, thiếu máu, các giải pháp hiện đại giúp kích thích mạch máu tăng trưởng mô và biểu bì…; trên vết thương của mỗi người bệnh cụ thể.

Theo các bác sĩ, hiện nay phần lớn bệnh nhân tiểu đường được điều trị về nhiều phương diện nhưng vẫn còn bỏ ngỏ về việc chăm sóc bàn chân và tầm soát biến chứng sớm bàn chân tiểu đường.

TS.Hoàng cho hay, bác sĩ điều trị và bệnh nhân cần thay đổi tích cực trong việc khám, tầm soát sớm biến chứng bàn chân tiểu đường để giảm nguy cơ nhiễm trùng, đoạn chi đáng tiếc như trong giai đoạn hiện nay.

Nguy cơ liệt vì tự ý điều trị bằng phương pháp dân gian

Một nữ bệnh nhân ở Quảng Bình vừa được Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cứu chữa, thoát khỏi nguy cơ liệt vĩnh viễn do tự điều trị chứng đau cột sống bằng các phương pháp dân gian.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, nữ bệnh nhân 53 tuổi (trú tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) vào viện trong tình trạng yếu nặng 2 chân, nằm liệt giường, tiểu không tự chủ, loét bỏng 2 gan bàn chân.

Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ được biết trước nhập viện 6 tháng nữ bệnh nhân cảm thấy đau nhức vùng lưng, đi lại khó khăn. Người bệnh đã đi khám tại một phòng khám tư nhân và được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nhẹ, được chỉ định điều trị nội khoa.

Khi thấy dùng thuốc không đỡ, bệnh nhân này đã mua lá thuốc theo tư vấn của bạn bè để chườm. Sau vài đợt chườm lá thuốc, các triệu chứng được cải thiện, tuy nhiên một thời gian ngắn thì bệnh tái phát, đau tê vùng hông xuống 2 chân, yếu hẳn 2 chân, đi lại khó, tiểu không tự chủ.

Mặc dù vậy, gia đình vẫn mua thêm vài thang thuốc nữa để uống kèm, đồng thời hơ chân trên lửa để tăng cảm giác theo sự hướng dẫn của người bán thuốc. Hậu quả bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt hẳn 2 chân, loét bỏng 2 gan bàn chân.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh lý tủy ngực nên đã chỉ định chụp MRI cột sống ngực. Kết quả phát hiện 1 khối u tủy ngực mức D9 chèn ép nặng ống sống. Người bệnh được chỉ định mổ bán cấp cứu bóc u tủy vi phẫu.

Bác sĩ Nguyễn Văn Mận, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cho biết, nhiều trường hợp đau cột sống thắt lưng đã điều trị sai phương pháp, chẳng những gây tốn kém thời gian, chi phí điều trị mà còn khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.

Bác sĩ khuyến cáo khi xuất hiện các triệu chứng như: cơn đau dai dẳng ở bất kỳ vị trí nào của cột sống; sưng, khó chịu ở cột sống; mức độ đau nhức ngày càng nặng hơn, không có dấu hiệu thuyên giảm; đau kèm cảm giác tê hoặc yếu tay, chân… người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị chính xác, tránh việc tự ý chữa trị làm tình trạng bệnh nặng thêm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư