Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 07 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 28/7: Dịch sốt xuất huyết vẫn phức tạp
D.Ngân - 28/07/2024 09:19
 
Tại TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin, trong tuần 29 năm 2024, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tăng 31% so với 4 tuần trước đó.
TIN LIÊN QUAN

Dự kiến dịch diễn biến phức tạp

Cụ thể, trong tuần 29, TP.HCM ghi nhận thêm 167 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, các quận, huyện có số ca mắc cao nhất gồm Quận 1, TP.Thủ Đức và Quận 7. Như vậy, tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 29 tại TP.HCM là 4.599 ca.

Ảnh minh họa.

Theo Sở Y tế TP.HCM, bệnh sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Hiện TP.HCM đang vào mùa mưa, muỗi vằn sẽ phát triển mạnh và bệnh sốt xuất huyết gia tăng.

Ngành Y tế kêu gọi mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết thường xuyên để ngăn chặn dịch bùng phát.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, ghi nhận hơn 1.200 ca bệnh với 39 ổ dịch, hiện còn 20 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động.

Bộ Y tế cho hay, trên phạm vi cả nước, hiện đang trong giai đoạn thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều; đồng thời cũng đang trong dịp cao điểm du lịch hè 2024 với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè tăng cao, nhất là với sởi, một số bệnh dự phòng bằng vắc-xin và sốt xuất huyết (đã bắt đầu vào giai đoạn cao điểm).

Do đó, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước với thông điệp "mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/ bọ gậy" tại hộ gia đình; thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…

Để loại bỏ hoàn toàn muỗi gây bệnh, chuyên gia khuyến cáo, người dân nên chú ý thường xuyên kiểm tra các vật dụng trong nhà như: Bình hoa, các thùng, lu, các mảnh vỡ, chai lọ, phế phẩm đọng nước, các vật dụng trữ nước...

Các vật dụng này khi không sử dụng cần được lật úp. Việc loại bỏ môi trường sinh sôi, phát triển của muỗi là biện pháp phòng bệnh căn cơ, lâu dài, hiệu quả và tiết kiệm nhất.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông cho cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống và điều trị bệnh kịp thời, hạn chế ca bệnh nặng và tử vong.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 2,5 tỷ người sống trong vùng sốt xuất huyết lưu hành; trong đó 1,8 tỷ người thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Sốt xuất huyết đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của khoảng một nửa dân số thế giới, với ước tính khoảng 100 - 400 triệu ca nhiễm bệnh xảy ra mỗi năm.

Mỡ máu tăng gần 50 lần do nghiện rượu

Ngày 27/7, các bác sĩ Trung tâm Y tế Huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số mỡ máu triglyceride của bệnh nhân lên 80 mmol/l, gấp gần 50 lần giới hạn bình thường <1,7 mmol/l. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính bụng ghi nhận ổ viêm tụy cấp.

Bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân viêm tụy cấp do lạm dụng rượu, chỉ định truyền dịch, kháng sinh, dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, kiểm soát đường máu, nhịn ăn.

Sau 72 giờ, người bệnh hết đau hết chướng bụng, kết quả xét nghiệm chỉ số mỡ máu giảm xuống còn 2.7 mmol/l.

Viêm tụy cấp là quá trình tổn thương cấp tính của tụy. Bệnh xảy ra đột ngột với những triệu chứng lâm sàng đa dạng, phức tạp từ nhẹ đến mức độ nặng (thể hoại tử) với các biến chứng suy đa tạng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao. Ngay cả khi cơn nguy kịch đã tạm qua, các biến chứng nhiễm trùng, nhiễm độc, suy kiệt vẫn rình rập. Bên cạnh đó, bệnh rất dễ tái phát nhiều lần.

Tăng triglyceride máu mức độ nặng dễ dẫn đến viêm tụy cấp. Bệnh không được điều trị sẽ diễn biến rất nhanh, phức tạp, biến chứng nặng, ảnh hưởng đến các cơ quan khác, thậm chí tử vong. Trường hợp nặng, điều trị hồi sức không đáp ứng, bệnh nhân phải phẫu thuật để cắt lọc mô bị hoại tử.

Để điều trị, bệnh nhân kết hợp dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục thể thao thường xuyên, giảm hoặc dừng sử dụng rượu.

Trường hợp tryglyceride máu cao, lượng chất béo được khuyến nghị được hạn chế ở 10-15% tổng năng lượng ăn vào, khoảng 15-20 g/ngày, carbohydrate nên chiếm 55-60% và lượng protein là 15-20% năng lượng ăn vào hàng ngày.

Chú ý dấu hiệu của bệnh thận đa nang

Bà D. đau lưng âm ỉ một tháng không hết, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM phát hiện do nang thận hóa ung thư, phải cắt một phần quả thận.

Thạc sĩ bác sỹ Nguyễn Tân Cương, Phó khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, nang thận là bệnh thường gặp trong dân số nhưng hầu hết lành tính, chưa tới 1% trường hợp chuyển dạng ác tính.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm phẫu thuật bệnh tiết niệu, bác sỹ Cương mới gặp khoảng 4-5 trường hợp tương tự bà D. Hiện y học chưa rõ nguyên nhân nang thận chuyển thành ung thư.

Trước đó, bà Q.T.D. (71 tuổi, tỉnh Bình Dương) đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám bệnh do đau âm ỉ hông lưng bên phải khoảng 1 tháng. Kết quả siêu âm và chụp cắt lớp vi tính (CT 768 lát cắt), phát hiện vùng cực trên thận phải có khối nang thận phức tạp, khoảng 5cm.

Khối u thận dạng nang hỗn hợp, thành dày, có vách và chồi bướu, được xếp loại Bosniak 4 (phân loại nang thận dựa trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, điểm số từ 1 đến 4). Nang thận loại này nhiều khả năng là ung thư, cần phẫu thuật sớm.

Bác sỹ Cương giải thích, các nang thận kích thước từ 3cm trở xuống lành tính không triệu chứng, chỉ phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe, không cần điều trị, chỉ theo dõi định kỳ mỗi 3-6 tháng.

Khi nang lớn hơn 3cm có khả năng phát sinh biến chứng như chảy máu, nhiễm khuẩn hay hóa ác tính. Khi đó, người bệnh biểu hiện các triệu chứng như đau lưng lâu ngày không khỏi, sốt và ớn lạnh, tăng huyết áp bất thường, tiểu máu, nước tiểu đục…

Những nang thận lớn lành tính chỉ cần chọc hút dịch hoặc cắt phần chỏm nang thận. Với nang thận có nguy cơ ung thư (Bosniak 3 hoặc 4) cần phải phẫu thuật cắt lấy trọn nang.

Ở trường hợp bà D., nang thận lớn, nằm ở vị trí khó tiếp cận nhưng may mắn không gần mạch máu nên chỉ cần cắt một phần thận, bảo tồn chức năng thận.

Bác sỹ Cương chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi sau phúc mạc để cắt một phần cực trên thận phải, lấy được toàn bộ nang thận có chồi bướu. Đây là phẫu thuật ít xâm lấn, vết mổ nhỏ, không biến chứng, giúp người bệnh phục hồi nhanh.

Theo bác sỹ Cương, nang thận có hai loại di truyền và mắc phải. Nang thận di truyền, thường gọi là thận đa nang, biểu hiện đặc trưng xuất hiện nang thận ở cả 2 bên với kích thước khác nhau như chùm nho.

Nang thận mắc phải thường xuất hiện đơn độc (nang đơn thận) hoặc có nhiều nang (từ 2 nang trở lên), chưa rõ nguyên nhân nhưng thường gặp ở người trên 60 tuổi, người bệnh suy thận có chạy thận nhân tạo. Dựa trên bản chất và kích thước nang thận, bác sĩ sẽ có phương án điều trị khác nhau.

Nang thận có thể được phát hiện sớm nhờ khám sức khỏe, và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính…

Hầu hết các nang thận lành tính, không cần điều trị. Tuy nhiên, cũng có những nang thận nguy hiểm, cần phải theo dõi và điều trị khi có biến chứng hoặc chuyển sang dạng ác tính.

Do đó, bác sỹ Nguyễn Tân Cương khuyên mọi người, nhất là những người có người thân mắc bệnh thận đa nang, người bệnh suy thận đang chạy thận nhân tạo… cần khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện nang thận, theo dõi và điều trị khi cần thiết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư