Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 4/4: Tăng cường bảo đảm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm
D.Ngân - 04/04/2024 09:17
 
Trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị.

Bảo đảm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm

Nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách;

Ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch…

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Sở An toàn thực phẩm TP. HCM, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan trên địa bàn chủ động triển khai các nội dung:

Xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương (tình hình kinh tế - xã hội, tình hình dịch bệnh), chú trọng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8.

Ảnh minh hoạ

Trong đó cần chú ý ngộ độc do nấm độc vào mùa Xuân Hè, ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên (nhất là các tỉnh/thành phố khu vực Miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên); chú ý ngộ độc do các loại thủy, hải sản có chứa độc tố tự nhiên như cá nóc, so biển, ốc biển lạ (nhất là các tỉnh/thành phố ven biển). Đặc biệt chú ý đối tượng là đồng bào vùng ven biển, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình; chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý.

Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp).

Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.

Tăng cường công tác thông tin truyền thông, chú ý kết hợp các hình thức, phương tiện truyền thông kỹ thuật số, phối hợp với các báo, đài phát thanh, truyền hình địa phương tăng cường dung lượng, thông tin về an toàn thực phẩm, chú trọng việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở các thông tin, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Đối với nội dung tuyên truyền về kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm cần chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến, bảo quản đảm bảo an toàn đối với các thực phẩm truyền thống hoặc theo tập quán của địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.

Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường; Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm trong điều kiện không đông đá tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển, ví dụ như Clostridium botulinum.

Huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức, đoàn thể xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn.

Vận động, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; đồng thời phê phán hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, gây nguy hại đối với sức khỏe con người.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong các hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra. Trong đó phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên… làm thực phẩm.

Phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành Công thương thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công, ngăn chặn kịp thời việc lưu thông trên thị trường các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác.

Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng, thuốc men và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm. Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc. 

Xuất huyết tiêu hóa do biến chứng bệnh đại tràng

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân đi khám do đau bụng kéo dài, sốt cao, đau âm ỉ vùng mạn sườn và hố chậu phải nhiều ngày.

Qua thăm khám phát hiện người bệnh có đau và phản ứng thành bụng nhẹ tại vùng mạn sườn phải.

Người bệnh được làm xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm trùng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Kết quả cho thấy, đại tràng lên có hình túi thừa lớn 15 mm, thâm nhiễm tổ chức mỡ xung quanh. Trong lòng túi thừa có cấu trúc tăng tỷ trọng tự nhiên dạng máu cục. Bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị viêm túi thừa đại tràng lên.

Bệnh nhân nhập viện điều trị bằng nuôi dưỡng và dùng kháng sinh đường tĩnh mạch. Sau 3 ngày, người bệnh không sốt, không đau bụng, giảm tình trạng nhiễm trùng, đã tập ăn trở lại. Ngày điều trị thứ 5, người bệnh xuất hiện đại tiện phân máu đỏ tươi do viêm túi thừa đại tràng có biến chứng chảy máu.

Qua nội soi cấp cứu cho thấy, đại tràng lên có nhiều túi thừa, trong đó một túi thừa có bờ và niêm mạc xung quanh phù nề, xung huyết đỏ, có mủ trắng chảy ra, có cục máu đông. Bác sĩ tiến hành kẹp 3 clip cầm máu, tiếp tục điều trị theo hướng nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và truyền kháng sinh. Người bệnh cải thiện sức khỏe, ăn ngủ tốt và ra viện sau 7 ngày điều trị.

Viêm túi thừa đại tràng là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến, thường gặp ở người lớn tuổi (khoảng 75% người hơn 60 tuổi), có xu hướng gia tăng ở nhóm người bệnh trẻ tuổi. Nguyên nhân hình thành túi thừa là do những điểm yếu trên thành đại tràng khi lớn tuổi, vị trí này dễ gây thoát vị của lớp niêm mạc và dưới niêm mạc quanh lớp cơ của thành đại tràng gây ra túi thừa (thực sự đây là giả túi thừa vì vùng này không có lớp cơ).

Bệnh túi thừa thường không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác như đau bụng liên tục, kéo dài nhiều ngày, đầy bụng, buồn nôn, sốt nhẹ, thay đổi thói quen đại tiện…

Người bệnh dễ gặp các biến chứng nguy hiểm do không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách dẫn đến nhiễm trùng nặng, dễ lan ra ngoài vách đại tràng, hoặc vách túi thừa bị thủng, tạo ổ áp xe hoặc viêm phúc mạc gây nguy hiểm đến tính mạng. Đôi khi tổ chức viêm gây dính các quai ruột non, dẫn đến tắc ruột hoặc tạo lỗ rò tiêu hóa, rò tiết niệu và sinh dục, gây khó khăn cho việc điều trị.

Bệnh viêm túi thừa có thể xuất hiện các đợt tái phát cấp tính lên đến 40%. Tỷ lệ tái phát sau 1 năm là 8%, ở thời điểm 10 năm là 22%. Viêm túi thừa từ cấp tính chuyển thành mạn tính nếu xảy ra nhiều đợt tái phát, đau bụng kéo dài. Người lớn tuổi bị táo bón kinh niên, béo phì, hút thuốc, ít vận động, chế độ ăn nhiều mỡ và ít chất xơ, sử dụng một số loại thuốc tăng nguy cơ viêm túi thừa.

Nội soi đại tràng là phương pháp hữu hiệu trong việc phát hiện, kiểm đếm số lượng túi thừa. Tuy nhiên, khi bị viêm túi thừa, nội soi hạn chế áp dụng do tăng nguy cơ làm thủng, vỡ túi thừa. Người bệnh thường được phát hiện và chẩn đoán viêm túi thừa qua xét nghiệm máu và phương tiện chẩn đoán hình ảnh tiên tiến.

Các túi thừa không có triệu chứng thường không có chỉ định điều trị. Viêm túi thừa mức độ nhẹ chỉ cần điều trị ngoại trú với kháng sinh, kháng viêm bằng đường uống. Ở mức độ nặng có nhiễm trùng, viêm nhiễm lan tỏa hay tụ dịch quanh túi thừa cần điều trị tiêm truyền tĩnh mạch, xem xét nội soi kẹp clip nếu có biến chứng xuất huyết tiêu hóa.

Để phòng ngừa viêm túi thừa đại tràng, người có nguy cơ cao mắc bệnh nên vận động thường xuyên, thúc đẩy chức năng của ruột, giảm áp lực bên trong ruột kết; ăn nhiều chất xơ và uống đủ nước giúp làm mềm chất thải đi qua ruột già nhanh hơn; tránh thói quen có hại như hút thuốc, lạm dụng rượu bia quá nhiều; uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ…

Khi có các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa giúp tầm soát, phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả ở giai đoạn sớm.

Ngộ độc thực phẩm mùa hè: Nỗi lo kéo dài
Vụ việc ngộ độc thực phẩm của quán cơm gà Trâm Anh ở Nha Trang còn chưa lắng xuống thì nay lại có thông tin về vụ việc ngộ độc tại một quán...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư