Thứ Bảy, Ngày 05 tháng 04 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 4/4: Theo dõi chặt chẽ các ca bệnh chưa rõ nguyên nhân tại Liên bang Nga
D.Ngân - 04/04/2025 10:39
 
Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) thông báo sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và phối hợp cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) của Liên bang Nga để cập nhật thông tin về các trường hợp mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân tại quốc gia này.​

Cập nhật tình hình dịch bệnh chưa rõ nguyên nhân tại Liên bang Nga

Theo báo cáo nhanh của Cục Phòng bệnh, trong những ngày gần đây, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam đã nhận được thông tin từ các kênh truyền thông quốc tế và mạng xã hội về các trường hợp mắc bệnh không rõ nguyên nhân tại Liên bang Nga. Cụ thể, vào ngày 31/3/2025, một số trang thông tin điện tử quốc tế đã đưa tin về tình trạng này.​

Ảnh minh họa.

Ban đầu, các bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, đau người, suy nhược, giống như các bệnh lý thông thường vào mùa.

Tuy nhiên, sau khoảng 3-4 ngày, các triệu chứng nặng lên với sốt cao (39 độ C), ho dữ dội kèm theo chảy nước mắt và đờm có lẫn máu, khiến bệnh nhân phải nằm liệt giường. Đặc biệt, nhiều trường hợp đã xét nghiệm âm tính với Covid-19 và cúm, điều này cho thấy tác nhân gây bệnh chưa xác định.​

Sau khi nhận được thông tin, Cục Phòng bệnh đã chủ động liên hệ với Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam để làm rõ tình hình. Theo thông tin ban đầu từ Cơ quan Đầu mối thực hiện IHR của WHO tại khu vực châu Âu, một số trường hợp đã được xác định là mắc bệnh do vi khuẩn Mycoplasma. Hiện tại, WHO đang làm việc với các cơ quan y tế của Liên bang Nga để xác minh thêm thông tin.​

Vi khuẩn Mycoplasma gây nhiễm trùng đường hô hấp, làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp (bao gồm họng, khí quản và phổi). Bệnh lây truyền từ người sang người qua các giọt dịch tiết nhỏ trong không khí do ho hoặc hắt hơi. Bệnh có thể được điều trị bằng kháng sinh, nhưng vẫn cần theo dõi kỹ càng.​

Lãnh đạo Cục Phòng bệnh cũng cho biết sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình và chủ động cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tình hình dịch bệnh tại Liên bang Nga.

Cục cũng nhấn mạnh rằng cần phải duy trì sự cảnh giác, không hoang mang nhưng đồng thời không chủ quan. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh giao mùa, khi thời tiết tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan.​

Cục Phòng bệnh khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm, như đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, và duy trì vệ sinh cá nhân tốt, để giảm thiểu nguy cơ lây lan các bệnh hô hấp.​

Thanh niên 175 kg ngừng thở khi ngủ

Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết bệnh nhân nam T.T.Đ (28 tuổi, Hà Nội) đã nhập viện trong tình trạng khó thở, suy tim và phù to hai chân khiến anh không thể di chuyển được. Bệnh nhân Đ. nhanh chóng được hỗ trợ máy thở và chăm sóc đặc biệt tại Khoa Điều trị tích cực.

Theo thông tin từ bác sỹ, bệnh nhân Đ. có tiền sử béo phì và gout mạn tính từ 10 năm trước. Trong 2 tuần trước khi vào viện, bệnh nhân đã tăng cân không kiểm soát hơn 10 kg do sử dụng nhiều đồ uống ngọt (trà sữa, nước ngọt,...). Lúc nhập viện, bệnh nhân có cân nặng lên tới 175 kg.

ThS.Nguyễn Đăng Quân, Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, thông qua thăm khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm, bệnh nhân Đ. được chẩn đoán mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ. Hội chứng này thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa như béo phì, gout, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, suy tim, tai biến mạch máu não.

Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh cũng như tử vong do bệnh tim mạch. Việc kiểm soát tốt cân nặng, điều trị giảm cân hiệu quả không chỉ giảm được các bệnh đồng mắc mà còn ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch.

Về hệ lụy của béo phì, một hội thảo mang nội dung “Điều trị đa phương thức về béo phì” vừa diễn ra tại Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) đã nêu hiện trạng bệnh béo phì cũng như mối liên quan giữa béo phì và các bệnh lý tim mạch.

Thạc sỹ, bác sỹ CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trưởng Đơn vị Suy tim, Trung tâm Tim mạch, cho biết béo phì đang trở thành đại dịch toàn cầu.

Trong báo cáo của Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBD) năm 2015, thế giới có trên 600 triệu người lớn béo phì, chiếm 39-49% dân số, trong 4 triệu ca tử vong liên quan đến BMI cao, có đến 2/3 số ca tử vong do bệnh lý tim mạch. Thống kê tại Mỹ năm 2016 cũng cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ở người béo phì từ 30-50%, gấp 3 lần so với người có cân nặng bình thường.

Cơ chế sinh lý bệnh của béo phì bắt đầu từ việc ăn nhiều quá mức, ăn những chất dễ gây viêm như nhiều đường, nhiều chất béo bão hòa, dẫn đến phì đại tế bào mỡ, tích tụ mỡ tại bụng, tim, tiết ra các chất gây viêm làm giảm chất điều hòa chuyển hóa của cơ thể, tăng độc tính của mỡ, gây nên tình trạng đề kháng insulin, rối loạn chuyển hóa…

Béo phì là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch thông qua việc tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và ngưng thở khi ngủ.

Ngoài ra, nó còn làm tăng xơ vữa động mạch gây ra bệnh mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên… gây suy tim. Người béo phì cũng tăng nguy cơ loạn nhịp, đặc biệt là rung nhĩ và nguy cơ đột tử. Bên cạnh đó, có tình trạng tăng đông ở người béo phì sẽ làm tăng nguy cơ bị huyết khối và tăng áp động mạch phổi; đồng thời bệnh van tim do rối loạn chuyển hóa đưa đến bệnh hẹp van động mạch chủ.

Béo phì làm tăng tích tụ mỡ quá mức dẫn đến các rối loạn chuyển hóa cơ bản như đề kháng insulin, có tình trạng viêm mạn tính trong cơ thể, rối loạn lipid máu, rối loạn chức năng nội mạc, tình trạng tăng đông và xơ vữa động mạch.

Điều này dẫn đến tình trạng viêm và tích tụ mỡ ở lớp thượng mạc của tim, lớp mỡ này nằm cạnh mạch vành và tế bào cơ tim ảnh hưởng làm tăng xơ vữa động mạch vành cũng như rối loạn dẫn truyền trong nhĩ, rối loạn nhịp nhĩ, tăng áp lực lên tim, dẫn đến suy tim. “Người có mỡ nội tạng cao có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao nhất, bất kể BMI thấp hay cao”, bác sỹ Kiều nói.

Thừa cân, béo phì cũng liên quan chặt chẽ đến các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và hội chứng ngưng thở khi ngủ, dẫn đến suy tim và rung nhĩ. Tình trạng béo phì cũng thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch cũng như các bất thường về tuần hoàn mạch vành, làm nặng thêm tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim, tăng yếu tố tim mạch.

Bác sỹ Kiều cho biết, trong nghiên cứu Birmingham, mỗi đơn vị BMI tăng thêm sẽ làm tăng nguy cơ suy tim 5-7%. Béo phì nội tạng ảnh hưởng trực tiếp đến cơ tim bao gồm phì đại tế bào cơ tim, xơ hóa cơ tim, hoạt hóa chế độ viêm, tăng thể tích tuần hoàn, tăng tải lên cơ tim… Nếu giảm cân nặng, nguy cơ suy tim ở người béo phì có thể giảm đến 50%.

Đồng thời, mỗi 5 đơn vị BMI tăng thêm sẽ làm tăng 16% nguy cơ đột tử do người béo phì thường có nguy cơ rối loạn nhịp thất. Nghiên cứu này cho thấy, 20% ca rung nhĩ bị béo phì, mỗi 5 đơn vị BMI tăng thêm sẽ làm tăng 29% nguy cơ rung nhĩ mới. Khi thực hiện MRI tim ở những vùng cơ tim có nhiều lớp mỡ thượng mạc, có tình trạng rối loạn dẫn truyền ở trong nhĩ, từ đó làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp nhĩ. “Giảm 10% trọng lượng cơ thể, nguy cơ tái phát rung nhĩ giảm 6 lần”, bác sỹ Kiều nói.

Ngoài ra, người béo phì có nhiều hạn chế khi làm các xét nghiệm chẩn đoán như làm điện tâm đồ, siêu âm, làm các xét nghiệm gắng sức, giảm hiệu quả hồi sức. Thậm chí nhiều người cân nặng quá khổ vượt quá giới hạn cho phép của các máy chẩn đoán hình ảnh như CT, MRI…

Vì thế, kiểm soát cân nặng và kiểm soát các bệnh đồng mắc là những chiến lược quan trọng giúp giảm nguy cơ tim mạch ở người béo phì.

Cảnh giác triệu trứng của ung thư khoang miệng

Ông Hùng (Thái Nguyên) cảm thấy đau trong miệng suốt hơn một tháng, nhưng khi điều trị tại bệnh viện tỉnh không thấy hiệu quả. Tại Bệnh viện, các bác sỹ đã chẩn đoán ông có khối u ác tính sùi loét nằm ở mặt dưới lưỡi bên phải, kích thước 2x3cm.

Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy khối u lan qua thắng lưỡi sang bên trái, và vùng góc hàm bên phải có hạch kích thước 0,9×1,1cm. Tổn thương này còn xâm lấn tuyến nước bọt dưới hàm bên phải, gây giãn ống tuyến, dính với phần lợi phía sau xương hàm, chân răng.

Lưỡi là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong các chức năng nhai nuốt, phát âm và cảm nhận vị giác. Khối u ở lưỡi không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng cơ bản này. Ông Hùng chia sẻ rằng gần đây khi nói chuyện, ông hay bị nói nhịu và phát âm ngọng âm "l".

Theo PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn, khoa Tai Mũi Họng, phẫu thuật loại bỏ khối u là bước đầu trong điều trị ung thư sàn miệng, nhưng gặp không ít thách thức.

Trường hợp ung thư sàn miệng như của ông Hùng dễ di căn hạch cổ, do đó cần kết hợp loại bỏ khối u dưới lưỡi và nạo vét các hạch nghi ngờ ung thư để loại trừ nguy cơ di căn," bác sỹ Kỳ cho biết.

Việc phẫu thuật cắt bỏ tổn thương sẽ ảnh hưởng đến chức năng lưỡi, vì vậy, các bác sỹ phải tiến hành tạo vạt phục hồi, đồng thời đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong suốt quá trình.

Ca phẫu thuật của ông Hùng gặp nhiều khó khăn vì ông có tiền sử bệnh nền như tăng huyết áp, hẹp mạch vành, và tổn thương phổi nghi ngờ do lao. Sau khi hội chẩn và trao đổi phương án điều trị, ông Hùng quyết định thực hiện phẫu thuật.

PGS.Lê Minh Kỳ trực tiếp phẫu thuật cắt ¼ mặt dưới lưỡi, nhổ bỏ 4 răng cửa và bán phần xương hàm quanh chân răng để loại bỏ trọn vẹn khối u. Sau đó, vạt da dưới cằm được dùng để tái tạo phần mô đã bị loại bỏ. Vạt da dưới cằm có ưu điểm là gần vị trí phẫu thuật, có khả năng tưới máu tốt và tiết kiệm thời gian so với các vạt ở vị trí khác.

Sử dụng thiết bị vi phẫu chuyên dụng, PGS Kỳ tiến hành bóc tách tỉ mỉ, tránh tổn thương dây thần kinh, đồng thời nạo vét các hạch cổ để kiểm tra sự di căn. Vạt da dưới cằm được khâu vào diện cắt của lưỡi để tạo hình sàn miệng. Ca mổ kéo dài 3 tiếng đồng hồ, với sự tham gia hỗ trợ của đội ngũ bác sỹ gây mê hồi sức, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, ông Hùng được theo dõi và chăm sóc vạt da ghép hàng ngày. Đặc biệt, với tình trạng bệnh lý nền phức tạp và bệnh lao phổi kèm theo, ông Hùng còn được phối hợp điều trị với chuyên khoa Hô hấp, nhằm kiểm soát hiệu quả tình trạng lao phổi.

Bác sỹ Dinh dưỡng cũng phối hợp thiết kế chế độ dinh dưỡng đặc biệt, giúp cung cấp đủ năng lượng và các vi chất thiết yếu cho quá trình hồi phục. Nhờ đó, ông Hùng đã bắt đầu tập nuốt nước bọt từ ngày thứ 3 sau mổ, tiến hành tập nhai nuốt để làm quen dần với việc sử dụng lưỡi và điều khiển các chức năng cơ bản.

Hai tuần sau, tình trạng của ông Hùng đã ổn định. Các vạt tạo hình đã lành tốt và lưỡi của ông đã bắt đầu chuyển động linh hoạt trở lại, thực hiện các chức năng cơ bản như nhai, nuốt, và nói chuyện. Trong lần tái khám sau khi xuất viện, các bác sỹ cũng tư vấn ông Hùng tiếp tục thực hiện xạ trị bổ trợ để ngăn ngừa sự tái phát của ung thư.

PGS.Lê Minh Kỳ khuyến cáo rằng, ung thư sàn miệng có thể thâm nhiễm nhanh chóng vào các tổ chức xung quanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng ăn uống và giao tiếp.

Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư khoang miệng như thuốc lá, rượu bia, thực phẩm kích thích hóa học và nhiễm virus cũng cần được hạn chế. Bệnh nhân nên duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.

Ung thư sàn miệng là một dạng ung thư khoang miệng, chiếm khoảng 1,4% trong tỷ lệ ca mắc mới ung thư tại Việt Nam (theo Globocan 2022).

Ung thư sàn miệng có thể xuất hiện do nhiều yếu tố nguy cơ, trong đó thuốc lá và rượu bia là những yếu tố liên quan phổ biến nhất. Cùng với các biện pháp điều trị phẫu thuật, việc chăm sóc sức khỏe răng miệng, bỏ thuốc lá và kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư khoang miệng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư