Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 29 tháng 08 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 5/2: Hệ lụy nghiêm trọng khi lạm dụng rượu bia dịp Tết
D.Ngân - 05/02/2024 10:09
 
Mỗi năm, Việt Nam có tới 40.000 ca tử vong liên quan đến rượu bia. Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.

Nhập viện vì rượu bia

Một bệnh nhân người Nhật Bản tham dự tiệc tất niên do công ty tổ chức. Uống đến ly thứ 6, ông nôn ói nhiều, cảm giác buồn ngủ, đi loạng choạng, té ngã, được đồng nghiệp đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Mỗi năm, Việt Nam có tới 40.000 ca tử vong liên quan đến rượu bia. Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.

Thạc sĩ bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, Khoa Nội tiết- Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, người bệnh nhập viện trong tình trạng mê man, nôn ói nhiều. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy kali trong máu hạ dưới ngưỡng bình thường, nồng độ cồn trong máu cao 73,44 mg/dL.

Nghiêm trọng hơn là người bệnh bị tổn thương thận cấp do mất cân bằng dịch và điện giải dẫn đến giảm mức lọc cầu thận. May mắn kết quả cộng hưởng từ não không phát hiện tổn thương mới sau chấn thương đầu do té ngã.

“Nếu người bệnh không đến bệnh viện và tiếp tục nôn ói, rối loạn điện giải sẽ nặng hơn và có nguy cơ rối loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tim. Tình trạng mất nước cấp sẽ gây tổn thương thận cấp nếu điều trị muộn hơn có thể sẽ gây tổn thương thận vĩnh viễn (suy thận mạn)”, bác sĩ Linh chia sẻ.

Sau 2 ngày điều trị, bù nước và điện giải, theo dõi sát. Tình trạng bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, ăn uống lại được, còn đau họng nhẹ do nôn ói nhiều, chức năng thận và nồng độ Kali máu của người bệnh trở về mức bình thường, không còn nồng độ cồn trong máu.

Bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh cảnh báo rượu/bia gọi chung là thức uống có cồn (Alcohol). Hầu hết alcohol có ở rượu bia sẽ được hấp thụ vào máu qua dạ dày và ruột non. Alcohol theo máu di chuyển khắp cơ thể cho đến khi được gan chuyển hóa và đào thải, 1 phần nhỏ còn lại sẽ được bài tiết trực tiếp dưới dạng chưa chuyển hóa qua nước tiểu, mồ hôi hoặc hơi thở.

Alcohol gây độc hầu hết các cơ quan trong cơ thể, có thể gây tổn thương gan, dạ dày, thực quản, ruột, tụy và não bộ… Nồng độ cồn trong máu trên 70 mg/ml đủ làm cho người uống thay đổi cảm xúc (buồn vui, giận dữ đột ngột)…

Và nguy hiểm nhất là khi ngộ độc rượu bia do nồng độ alcohol trong máu quá cao thường bị nhầm lẫn say rượu với các triệu chứng như lú lẫn, phản ứng chậm, nói ngọng, buồn ngủ, nôn mửa, khó kiểm soát ý thức… Đây là lý do khiến nhiều người biến chứng, tử vong do không được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Mỗi năm, Việt Nam có tới 40.000 ca tử vong liên quan đến rượu bia. Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.

Ngoài những tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài, uống nhiều rượu bia còn gây ra nhiều hệ lụy tức thì khác như chấn thương (tai nạn xe, té ngã, đuối nước…), bạo lực (giết người, tự tử, tấn công tình dục và bạo lực bạn tình), các hành vi tình dục nguy hiểm khác bao gồm quan hệ tình dục không an toàn hoặc quan hệ tình dục với nhiều bạn tình. Những hành vi này có thể dẫn đến mang thai ngoài ý muốn hoặc mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV.

Về lâu dài, rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc hơn 200 bệnh khác nhau, bao gồm cả bệnh về gan, tuyến tụy và một số bệnh ung thư, cụ thể: huyết áp cao, bệnh tim, đột quỵ, ung thư miệng, họng, thực quản, thanh quản, gan, đại tràng, trực tràng. Làm suy yếu hệ thống miễn dịch, gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm và lo lắng…

Bác sĩ Linh cho biết một số người uống cùng lượng rượu bia nhưng có mức độ alcohol trong máu khác nhau còn phù thuộc vào: giới tính, thể trạng, cân nặng, chu kỳ kinh nguyệt, tần suất uống rượu trước đó, các loại thuốc đang uống, thức ăn…

Alcohol trong rượu bia khi vào máu được xử lý tại gan qua 2 giai đoạn: enzyme alcohol dehydrogenase giúp chuyển hóa cồn (ethanol/alcohol) thành acetaldehyde (một chất gây độc hại), sau đó enzyme aldehyde dehydrogenase phân giải acetaldehyde thành axit axetic (chất vô hại).

Tuy nhiên, ở một số người có enzym aldehyde dehydrogenase ít hơn bình thường (khoảng 50% người Nhật và một số người Nam Á thiếu enzym này), việc phân giải acetaldehyde diễn ra chậm hơn. Điều này dẫn đến tích tụ acetaldehyde trong máu cao hơn gây đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, đỏ bừng mặt, nhịp tim nhanh… bác sĩ Linh giải thích.

Bác sĩ Linh khuyên người dân hạn chế uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe. Khi say rượu bia, bạn nên uống thêm nước để tránh tình trạng mất nước, giúp nhanh đào thải chất độc qua đường tiểu và giảm thiểu các triệu chứng nôn nao, khát nước. Người bệnh có tình trạng nôn ói nhiều, mệt li bì cần đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Nồng độ cồn trong máu càng tăng cao, người bệnh đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Nồng độ cồn 50-70 mg/100 ml máu: gây hưng phấn, nói nhiều hơn, bắt đầu có sự suy giảm kỹ năng nhẹ trong hành vi, cảm xúc.

Cụ thể, nồng độ cồn 80-100 mg/100 ml máu được coi là ngộ độc rượu. Các triệu chứng thường gặp như buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, gây suy giảm kỹ năng, hành vi và không đủ năng lực để lái xe.

Nồng độ cồn 100-200 mg/100 ml máu sẽ khiến rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần nghiêm trọng hơn. Người uống có thể tê bì chân tay hoặc mặt, da xanh xao, cảm xúc không ổn định, dẫn đến giảm khả năng nhận thức, quyết định.

Khi nồng độ cồn 200-300 mg/100 ml máu: gây nói líu lưỡi, rơi vào trạng thái lú lẫn, nhớ nhớ quên quên, có thể mất trí nhớ hoặc không thể đi lại, phản ứng chậm.

Người không có khả năng dung nạp rượu, nồng độ cồn máu đạt đến 400 mg/100 ml sẽ bị ngộ độc rượu nặng, tụt huyết áp, mất khả năng vận động, có thể mất hoàn toàn ý thức, hạ thân nhiệt, bị ức chế hô hấp, hôn mê, thậm chí tử vong.

Cảnh giác với viêm não

Theo các chuyên gia y tế, bệnh viêm não là tình trạng các mô não bị viêm gây rối loạn chức năng thần kinh trung ương. Nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh viêm não là do nhiễm phải virus và nguy cơ biến chứng rất lớn, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao.

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024, tại Lào Cai đã ghi nhận nhiều ca mắc viêm não virus, Trong đó có trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy.

Theo các chuyên gia y tế, biểu hiện lâm sàng ở trẻ rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng đơn giản như sốt (sốt rất cao, dai dẳng), nôn không giải thích được (không phải do thức ăn, chán ăn, không có tiêu chảy kèm theo), đau đầu. Cũng có trường hợp trẻ nôn nhiều hoặc không đáng kể, thậm chí kèm theo tiêu chảy.

Đặc biệt, khi trẻ kêu đau đầu nhiều thì cha mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh viêm não, màng não và đưa con đi khám gấp. Trường hợp nặng bé co giật, rối loạn thần kinh như lờ đờ, mệt, nặng hơn thì hôn mê. Những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, sốt cao rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý viêm đường hô hấp, sốt virus khác.

Vì thế, bất kể trường hợp nào sốt, viêm đường hô hấp kèm theo triệu chứng đau đầu, buồn nôn cần phải được theo dõi để phát hiện sớm bệnh viêm não virus, điều trị sớm phòng nguy cơ các di chứng thần kinh để lại cho trẻ do virus viêm não tấn công.

Mặt khác, do virus này sinh sản nhanh trong đường tiêu hóa, không bị tiêu diệt bởi môi trường acid của dịch dạ dày nên trẻ em thường dễ bị nhiễm hơn người lớn do lây nhiễm qua đường ăn uống, tiếp xúc...

Viêm não là một tình trạng viêm của nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh - tâm thần khu trú hoặc lan tỏa. Viêm não virus là tình trạng viêm não, gây ra bởi bất kỳ một trong số các loại virus khiến tình trạng bệnh lý nặng nề, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh viêm não do virus.

Bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, có thể nhận biết ban đầu so với bệnh khác là sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn vọt, ý thức không lanh lợi, nhức đầu dữ dội, đờ đẫn, hôn mê… Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng.

Bệnh viêm não virus có 2 loại là viêm não virus nguyên phát và viêm não virus thứ phát. Các bệnh viêm não virus thứ phát là biến chứng của các virus gây bệnh sởi, quai bị, cúm, virus đường ruột, virus herpes simplex…

Viêm não virus nguyên phát có tác nhân gây bệnh là những virus có ổ chứa thiên nhiên, do côn trùng tiết túc (sinh vật đa bào, không xương sống như muỗi, ve) truyền virus gây bệnh.

Theo đó, các căn nguyên gây viêm não thường là các virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, các virus đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay chân miệng sởi, quai bị và các virus khác mà ta chưa biết rõ…

Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus nên việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm. Bệnh viêm não Nhật Bản chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não virus ở nước ta.

Căn bệnh này ghi nhận rải rác quanh năm nhưng thường số ca mắc tăng cao trong những tháng hè. Bệnh sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, tay, bị mắc động kinh…

Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và và đúng lịch; Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy.

Bên cạnh đó phải nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

Ngoài ra, nếu có các dấu hiệu sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương (co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê …) phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Phòng chống tác hại rượu bia dịp Tết Nguyên đán
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông đồng thời tổ chức các chương trình, chiến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư