Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 7/6: Cảnh báo nhiều trẻ em đối mặt với thiếu lương thực
D.Ngân - 07/06/2024 10:50
 
Báo cáo nêu rõ tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng ở trẻ em tập trung tại khoảng 20 quốc gia, đặc biệt nghiêm trọng ở Somalia, nơi 63% trẻ nhỏ bị ảnh hưởng; Guinea (54%); Guinea-Bissau (53%) và Afghanistan (49%).

UNICEF cảnh báo khoảng 181 triệu trẻ nhỏ đối mặt tình trạng thiếu lương thực

Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn tại Palestine, nơi 90% trẻ nhỏ đang sống trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng do hệ thống lương thực và y tế sụp đổ kể từ khi xảy ra xung đột Dải Gaza.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, dù không có dữ liệu cụ thể tại các quốc gia phát triển, nhưng trẻ em trong các hộ gia đình có thu nhập thấp cũng phải đối mặt tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng.

Theo UNICEF, trẻ nhỏ nên ăn các loại thực phẩm hằng ngày từ 5 - 8 nhóm chính, gồm sữa mẹ; ngũ cốc, các loại củ và chuối; đậu, quả hạch và hạt; sản phẩm bơ sữa; thịt, gia cầm và cá; trứng; trái cây và rau quả giàu vitamin A.

Nhưng khoảng 181 triệu trẻ nhỏ trên thế giới đang chỉ ăn tối đa hai loại thực phẩm, tức là ở trong “tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng”.

UNICEF cảnh báo những đứa trẻ chỉ ăn hai nhóm thực phẩm mỗi ngày có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng cao hơn 50%. Tình trạng suy dinh dưỡng đó có thể dẫn tới thể tạng gầy gò bất thường và có thể gây tử vong.

Được biết, an ninh lương thực quốc gia được hiểu là sự đảm bảo của mỗi quốc gia về nguồn cung cấp lương thực cho người dân để hạn chế và đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực, nạn đói và tình trạng phụ thuộc vào nguồn cung lương thực nhập khẩu.

Khủng hoảng lương thực sẽ dẫn đến giá lương thực tăng cao, nguồn cung lương thực không đủ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của mọi người, kìm hãm phát triển kinh tế, gia tăng đói nghèo.

Khủng hoảng lương thực dẫn đến nạn đói, suy dinh dưỡng và ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mọi người.

Nạn đói xảy ra khi một quốc gia trải qua tình trạng thiếu lương thực trầm trọng đến mức dân số có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cấp tính, chết đói hoặc tử vong.

Nạn đói thường được Liên hợp quốc tuyên bố, đôi khi với sự cộng tác của chính phủ nước đó, và thường với các tổ chức viện trợ quốc tế hoặc cơ quan nhân đạo khác. Liên hợp quốc sử dụng thang đo Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) để đo lường mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất an ninh lương thực.

Thang đo này phân loại tình trạng thiếu lương thực của một quốc gia - hay tình trạng mất an ninh - theo 5 "giai đoạn" mức độ nghiêm trọng: an ninh lương thực tối thiểu (IPC 1), căng thẳng (IPC 2), khẩn cấp (IPC 3), khủng hoảng (IPC 4) và nạn đói (IPC 5).

Lần gần đây nhất, nạn đói được chính thức tuyên bố là ở Nam Sudan vào năm 2017 khi gần 80.000 người có nguy cơ chết đói và hơn 1 triệu người trên bờ vực chết đói sau 3 năm nội chiến.

Vào thời điểm đó, Liên hợp quốc lý giải nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của chiến tranh đối với nông nghiệp: Nông dân mất gia súc, sản xuất nông nghiệp giảm mạnh và lạm phát tăng vọt.

Trước đó, nạn đói cũng từng được tuyên bố ở miền Nam Somalia năm 2011, năm 2008; nạn đói ở Gode, vùng Somali, Ethiopia năm 2000; nạn đói ở Somalia năm 1991 - 1992 và nạn đói ở Ethiopia năm 1984 - 1985…

Và thời điểm hiện tại, Liên hợp quốc cảnh báo nạn đói lại sắp xảy ra ở phía Bắc Dải Gaza sau nhiều tháng xung đột giữa Israel và Gaza. Một nửa dân số - khoảng 1,1 triệu người - đang đói, theo phân loại của IPC. Trong trường hợp xấu nhất, toàn bộ người dân Gaza sẽ phải đối mặt với nạn đói vào tháng 7/2024.

Liên hợp quốc cho biết Dải Gaza có “số lượng người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở mức độ cao nhất mà IPC từng xếp hạng đối với một khu vực hoặc quốc gia nhất định”.

Ngoài ra, các quan chức Liên hợp quốc cũng cảnh báo rằng cuộc xung đột đang diễn ra ở Sudan đã đẩy nước này vào "một trong những cơn ác mộng nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây", có thể gây ra cuộc khủng hoảng nạn đói lớn nhất thế giới.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), gần 18 triệu người ở Sudan phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng do cuộc nội chiến nổ ra vào tháng 4/2023.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thì cho biết họ đã chứng kiến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ “ngoài những dự đoán tồi tệ nhất”, cũng như các đợt bùng phát dịch tả, sởi và sốt rét.

Ngoài ra, tổ chức nhân đạo Hành động chống nạn đói (Action Against Hunger - ACF) chỉ ra một số quốc gia khác cũng có "mức độ nạn đói rất đáng lo ngại", bao gồm: Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, khu vực Tigray của Ethiopia, Pakistan, Somalia, Syria và Yemen.

Tháng trước, WFP từng cảnh báo Haiti, quốc gia đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng trong bối cảnh bạo lực lan rộng, đang "trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng lương thực tàn khốc". Khoảng 1,4 triệu người được coi là đang trên bờ vực nạn đói.

Trong một tuyên bố chung ngày 12/4 vừa qua, WFP, UNICEF và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) báo động gần 55 triệu người tại Tây và Trung Phi sẽ phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng trong một vài tháng tới; đồng thời cho biết số người sẽ phải đối mặt với nạn đói trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 đã tăng gấp 4 lần trong 5 năm qua.

Tuyên bố chỉ ra Nigeria, Ghana, Sierra Leone và Mali sẽ nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tình hình đặc biệt đáng lo ngại ở miền Bắc Mali, nơi khoảng 2.600 người có thể phải chịu nạn đói thảm khốc.

Thực tế cho thấy khủng hoảng lương thực và nạn đói có nhiều nguyên nhân, có thể do con người tạo ra, do thiên nhiên gây ra hoặc kết hợp cả hai.

Theo ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, 45 quốc gia đang cần viện trợ lương thực khẩn cấp từ bên ngoài, trong đó có 33 quốc gia ở châu Phi, tiếp theo là châu Á (9), châu Mỹ Latinh-Caribbean (2) và châu Âu (1).

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng này là xung đột ở Cận Đông, Tây và Đông Phi, cũng như tình trạng hạn hán lan rộng ở Nam Phi.

Bản tin hàng tháng mới nhất của FAO về diễn biến giá lương thực cho thấy giá thực phẩm cơ bản nội địa vẫn ở mức cao tại nhiều quốc gia do nhiều yếu tố: hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, xung đột, mất an ninh, mất giá tiền tệ...

Sự gián đoạn hiện đang xảy ra với các tuyến hàng hải lớn như Kênh đào Panama và Biển Đỏ gây thêm khó khăn do góp phần làm tăng chi phí nhập khẩu thực phẩm.

Tuyên bố chung của WFP, UNICEF và FAO cho biết những thách thức kinh tế như lạm phát lên đến hai con số và sản xuất trong nước trì trệ đã trở thành nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm, bên cạnh căng thẳng xung đột tái diễn trong khu vực Tây và Trung Phi.

Khu vực này phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu thực phẩm, do đó phải chịu sức ép lớn, nhất là các quốc gia đang có lạm phát cao như: Ghana, Nigeria và Sierra Leone. Các cơ quan của Liên hợp quốc cho biết trong 5 năm qua, giá các loại ngũ cốc chính tiếp tục tăng trên toàn khu vực từ 10% lên hơn 100% so với mức trung bình.

WHO cảnh báo về ca tử vong do cúm AH5N2 đầu tiên ở người

Trường hợp tử vong đầu tiên ở người liên quan chủng cúm gia cầm H5N2 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận vào ngày 5/6.

Theo đó, bệnh nhân nam 59 tuổi, người Mexico, nhiễm virus cúm gia cầm H5N2 và đã qua đời ngày 24/4 với các triệu chứng sốt, khó thở, tiêu chảy và buồn nôn. Bệnh nhân nhập viện điều trị tại thủ đô Mexico City nhưng đã qua đời cùng ngày hôm đó.

Đây là trường hợp người đầu tiên được phòng thí nghiệm xác nhận nhiễm chủng cúm gia cầm H5N2 và được báo cáo trên toàn cầu. Đây cũng là trường hợp đầu tiên được báo cáo ở Mexico.

Bệnh nhân này không có tiền sử tiếp xúc với gia cầm hoặc các động vật khác và có nhiều bệnh lý nền. WHO cho biết, người này mắc nhiều bệnh lý tiềm ẩn và đã nằm liệt giường trong 3 tuần vì những lý do khác trước khi xuất hiện các triệu chứng cấp tính.

Cơ quan y tế Mexico đã báo cáo trường hợp này với WHO ngày 23/5 vừa qua sau khi thực hiện các xét nghiệm. Hiện chưa xác định được nguồn lây nhiễm virus cho bệnh nhân trên, mặc dù Mexico từ tháng 3 vừa qua đã ghi nhận nhiều trường hợp gia cầm nhiễm cúm H5N2 tại bang Michoacan và một số đợt bùng phát khác tại bang Mexico.

Được biết, trong số 17 người tiếp xúc với bệnh nhân tại bệnh viện, có một người bị sổ mũi vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, các mẫu lấy từ những người tiếp xúc được xét nghiệm âm tính với bệnh cúm và Covid-19.

Theo WHO, đến nay chưa thể xác định sự liên quan giữa ca nhiễm bệnh ở người nói trên và sự lây lan virus H5N2 ở gia cầm. WHO cũng nhận định nguy cơ này đối với con người ở mức thấp.

Các nhà chức trách đang giám sát các trang trại gần nơi bệnh nhân sinh sống, đồng thời thiết lập một hệ thống giám sát thường trực để phát hiện các trường hợp lây nhiễm khác trong động vật hoang dã ở khu vực.

Chủng virus khiến người đàn ông 59 tuổi ở Mexico tử vong khác với chủng cúm gia cầm H5N1 hiện đang lưu hành trong đàn gia súc ở Hoa Kỳ và đã lây nhiễm cho ba công nhân chăn nuôi bò sữa ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chưa phát hiện trường hợp nào lây nhiễm từ người sang người.

Thủ tướng chỉ thị về việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư